Đổi thay bên sông Nghèn

Vệt nắng hiếm hoi sau những ngày mưa bão làm hồng tươi thêm màu ngói mới trên những ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát bên con đường bê tông mới mở. Một khu phố bắt đầu hình thành vóc dáng ngay giữa làng quê Sông Hải (Thạch Sơn - Thạch Hà). Mảnh đất nghèo nằm dọc phía Tây nam của hạ lưu Para Đò Điệm xưa kia đang từng bước đổi thay.

Hệ thống lồng bè nuôi cá chẽm của người dân thôn Sông Hải (Thạch Sơn - Thạch Hà).
Hệ thống lồng bè nuôi cá chẽm của người dân thôn Sông Hải (Thạch Sơn - Thạch Hà).

Được đánh giá là đơn vị có số hộ nuôi cá lồng bè nhiều nhất và hiệu quả nhất tỉnh, với người dân thôn Sông Hải, niềm vui không chỉ là mỗi ngày được đón thêm những cá nhân, tập thể đến tham quan học hỏi kinh nghiệm từ việc xây dựng mô hình mà còn là sự khởi sắc trong đời sống vật chất, tinh thần của bà con xứ đạo. Những lúc thong thả cùng nhau quây quần bên ấm nước chè xanh, người dân nơi đây vẫn không quên nhắc lại những tháng ngày khốn khó đã qua. Với họ, đó là động lực để cháu con luôn cố gắng vươn lên…

Anh Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng thôn Sông Hải nhớ lại: “Người dân chúng tôi vốn sinh ra đã gắn bó với dòng sông bằng nghề đăng đáy. Dẫu tình trạng đói ăn, đứt bữa vẫn còn tái diễn, nhưng những con cua, mớ cá từ nghề truyền thống cũng giúp chúng tôi đắp đổi qua ngày. Năm 2008, công trình ngọt hóa sông Nghèn chính thức hoàn thành đã ngăn dòng chảy con sông. Gần 300 hộ dân thôn Sông Hải và Sông Tiến bỗng dưng đứng trước nguy cơ thất nghiệp, đói nghèo”.

Các cấp chính quyền địa phương đã hỗ trợ tiền cùng hàng trăm tấn gạo cứu đói cho bà con. Thế nhưng, có cái ăn mà không có việc làm nên chỉ một thời gian ngắn, khi nguồn trợ cấp cạn kiệt, cái đói lại hoành hành. Trong những ngày tháng gian nan ấy, lời giải cho bài toán khó bắt đầu được hình thành trong suy nghĩ của những người làm công tác lãnh đạo.

Mô hình nuôi cá lồng bè được UBND huyện Thạch Hà chỉ đạo thí điểm nuôi tại thôn. 2 mô hình đầu tiên được huyện hỗ trợ toàn bộ kinh phí, từ đóng lồng ao lưới, con giống, thức ăn và chỉ đạo sát sao về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Niềm vui vỡ òa, 6 tháng sau, tỷ lệ sống của cá đạt 70%, trọng lượng 0,8-1 kg/con, trừ các khoản chi phí, mỗi hộ thu lãi ròng 40 triệu đồng. Quá trình tìm tòi học hỏi và khảo sát kinh nghiệm từ một số mô hình nuôi cá lồng bè cùng với niềm tin từ những mô hình đầu tiên đã tiếp sức cho 32 hộ mạnh dạn đưa cá chẽm về với sông nước quê hương.

Thêm một bất ngờ nữa, khi những hộ này được tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí làm lồng bè, ngoài ra còn có thêm nhiều chính sách mới trong việc ưu đãi nguồn vốn vay đã tạo nên “cú hích” góp phần nhân rộng mô hình tại 167 hộ trên địa bàn thôn Sông Hải. Anh Nguyễn Văn Thưởng - một hộ nuôi cho biết: “Lợi thế của cá chẽm là sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, lại sống được cả trong môi trường nước ngọt và nước mặn nên rất phù hợp với địa phương. Cũng từ nuôi cá lồng bè, thu nhập của gia đình tôi đạt trên 200 triệu đồng/năm”.

Trong căn nhà khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng vừa được xây dựng, ông Nguyễn Hữu Cầu tâm sự: “Cũng như bao người dân trong thôn, cuộc sống của vợ chồng tôi cùng 4 đứa con trước đây chỉ trông chờ vào nghề đăng đáy. Đói ăn, đứt bữa là chuyện thường tình. Thế nhưng, nhờ ngăn dòng con nước, nhờ con cá chẽm mà chúng tôi được đổi đời. Thu nhập từ nuôi cá lồng bè mỗi năm trên 200 triệu đồng. Tất cả như một giấc mơ”.

Thôn Sông Hải hiện có trên 20 gia đình thu nhập 200-250 triệu đồng/năm nghề nuôi cá lồng bè. Trưởng thôn Nguyễn Hữu Hồng cũng là một trong những điển hình tiêu biểu ấy. Anh cho biết: “Tôi là một trong những hộ đầu tàu của phong trào nuôi cá ở đây. Sau thành công của 2 mô hình điểm, tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng và huy động từ bạn bè, anh em đầu tư cụm lồng gồm 6 ô thả nuôi 3.000 con cá chẽm. Thấp thỏm sau 7 tháng chờ đợi, trừ các khoản chi phí, tôi lãi ròng 50 triệu đồng. Lợi nhuận giúp tôi có thêm dũng khí đầu tư số lồng lên 12 ô nuôi với trên 150 triệu đồng tiền lãi là con số ngoài mong đợi của gia đình. Năm nay, tôi đầu tư lớn hơn, ngoài cá chẽm còn có cá mú, hồng mỹ. Hiện tại, cá trong ao có trọng lượng 0,7-1 kg/con, dự tính, giáp Tết Nguyên đán bắt đầu thu hoạch và nguồn thu nhập 300-400 triệu đồng trong năm nay là điều cầm chắc”.

Ráng chiều nhuộm đỏ dòng sông làm nổi bật lên màu xanh của điệp trùng những ô lồng bè tiếp nối trải dài hàng cây số. Thấp thoáng trên mặt nước là bóng dáng các ông chủ đang tất bật với những công việc quen thuộc hàng ngày.

Giai điệu rộn ràng của bài ca ấm no, hạnh phúc đã được cất lên bên dòng sông Nghèn…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast