VPF và những dấu hỏi

Hôm qua, phát biểu trong cuộc gặp mặt báo chí của VPF sau khi Bộ VH-TT&DL tổ chức họp báo về việc công bố kết luận thanh tra bản hợp đồng VFF-AVG, bầu Kiên khẳng định chắc nịch: “Công ty VPF không bao giờ tổ chức chống đối các cơ quan quản lý Nhà nước mà chúng tôi luôn tuân thủ triệt để mọi chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt ở đây là các chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL”. Tương tự, bầu Thắng cũng phụ họa: “Chúng tôi luôn tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước, từ VFF, Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL cũng như các cơ quan có liên quan.”.

Căn cứ vào tuyên bố của các ông bầu chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo VPF thì phải chăng VPF sẽ tuyệt đối tuân thủ kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL, trong đó nêu rõ VFF phải yêu cầu VPF và các CLB cùng BTC địa phương thực hiện nghiêm túc hợp đồng VFF-AVG? Câu trả lời có lẽ là không, bởi ngay sau đó, khi trả lời câu hỏi về việc liệu từ nay các đài truyền hình nếu muốn mang máy vào sân có cần phải xin phép AVG hay không, bầu Kiên đã tuyên bố xanh rờn: “Các đài truyền hình sẽ phải tự quyết định hành vi xử lý của mình. Chúng tôi đã nhận quyết định thanh tra và chúng tôi sẽ làm khiếu nại và báo cáo. Còn bây giờ các đài phải tự quyết định, xem đã công bố quyết định của thanh tra rồi thì có được làm hay không, còn quan điểm của VPF vẫn là các đài được truyền hình tối đa các trận đấu”.

Bầu Kiên cho biết ông sẽ tiếp tục theo đuổi vụ bản quyền truyền hình đến cùng
Bầu Kiên cho biết ông sẽ tiếp tục theo đuổi vụ bản quyền truyền hình đến cùng

Chưa hết, trước đó không lâu, khi bộc bạch tâm sự về vấn đề bản quyền truyền hình VN, bầu Kiên còn nói một câu khiến không ít người phải giật mình: “Chúng tôi là những nhà kinh doanh, ngoài những cái vấn đề căn cứ theo pháp luật, chúng tôi tin rằng mình có nhiều giải pháp khác nhau để có thể giải quyết việc này được”.

Không rõ theo ý bầu Kiên, ngoài pháp luật thì còn có một cơ sở nào khác cao hơn để ông và các cộng sự thân thiết trong bộ máy lãnh đạo VPF đi tìm lời giải cho bài toán bản quyền truyền hình? Nên hiểu thế nào giữa lời cam kết “luôn tuân thủ triệt để mọi chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước” với phát biểu “các đài phải tự quyết định, xem đã công bố quyết định của thanh tra rồi thì có được làm hay không”?! Liệu còn gì để các đài truyền hình phải cân nhắc hay xem xét ở đây, khi kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã quá mức rõ ràng như thế?!

Bầu Kiên nhận lời gặp mặt AVG

Hôm qua, bầu Kiên cho biết ông và các lãnh đạo trong VPF như bầu Thắng (CT HĐQT) và TGĐ Phạm Ngọc Viễn đã nhận được lời mời của AVG để gặp mặt trực tiếp vào 14h00 ngày thứ Hai sắp tới (20/2/2012). Bầu Kiên cho biết chắc chắn sẽ tới tham dự cuộc gặp này khi nói: “Chúng tôi sẵn sàng họp. Chúng tôi chắc chắn đến. Tôi với anh Vũ (CT HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ-PV) không có gì xa lạ cả, chúng tôi sẽ nói chuyện với nhau có tình có lý với nhau để xem việc này giải quyết như thế nào. Chúng tôi vẫn tự tin rằng đến giờ này dù có kết luận của thanh tra thì lẽ phải thuộc về chúng tôi”.

Có lẽ vì không được quyền tham dự buổi họp báo Bộ VH-TT&DL nên bầu Kiên đã không nghe thấy ông Vũ Xuân Thành xác nhận rằng VPF và VTC đã không làm theo chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL, khi để VTC mang máy vào sân để sản xuất mà không có sự cho phép của AVG trong thời gian bản hợp đồng VFF-AVG đang được Bộ VH-TT&DL tiến hành thanh tra.

Luật lệ là do con người làm ra nên con người cũng có thể sửa đổi luật lệ để theo kịp những diễn biến mới nhất của đời sống xã hội, nhưng khi điều luật mới chưa được sửa đổi và ban hành thì mọi cá nhân tổ chức bắt buộc phải tuân theo điều luật hiện hành, đấy là quy định đơn giản mà ai cũng phải hiểu trong một xã hội pháp quyền.

Hiểu theo khía cạnh này, giả sử bầu Kiên có bất bình đến mấy với bản hợp đồng VFF-AVG thì điều ông cần phải làm là kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước xem xét lại các quy định của luật pháp liên quan đến vấn đề bản quyền truyền hình rồi từ đó cân nhắc khả năng điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, chứ không phải tìm mọi cách để chứng minh sự bất hợp pháp của một bản hợp đồng hoàn toàn hợp pháp.

Từ khi Bộ VH-TT&DL còn chưa tiến hành thanh tra bản hợp đồng VFF-AVG, VPF đã xem như không có hợp đồng này khi công khai làm văn bản cho phép các đài truyền hình được mang máy vào sân tác nghiệp mà không cần hỏi ý kiến AVG. Tức là, trong thời điểm chưa cơ quan quản lý Nhà nước nào công nhận hay phủ định tính hợp pháp của bản hợp đồng VFF-AVG thì VPF đã phớt lờ sự tồn tại của nó và còn tranh cãi gay gắt với chính cơ quan chủ quản của mình là VFF về sự hợp lệ của hợp đồng này.

Mà đến tận bây giờ VPF đã có những cơ sở pháp lý gì trong tay? Câu trả lời là chưa có gì cả, bởi VPF chưa được VFF chính thức bàn giao bất cứ hợp đồng sở hữu thương quyền nào, mà Điều lệ và Quy chế cũng chưa được VFF và cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt. Phải chăng bản quyền truyền hình mới là mục đích và tôn chỉ lớn nhất cho sự ra đời của VPF chứ không phải là để quản lý, tổ chức và điều hành thật tốt các giải bóng đá chuyên nghiệp VN như VFF và các cơ quan quản lý Nhà nước đã kỳ vọng và mong muốn?!

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast