“Nếp nhà” trong ly rượu chúc Tết ngày xuân ở một gia đình truyền thống Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Ngày Tết sum họp gia đình, nâng ly chúc phúc là nét đẹp trong truyền thống của người Việt. Trong chén rượu đầu xuân năm mới, ở nhiều gia đình Hà Tĩnh, “nếp nhà” luôn được gìn giữ và trao truyền…

“Nếp nhà” trong ly rượu chúc Tết ngày xuân ở một gia đình truyền thống Hà Tĩnh

Ngày tết sum họp gia đình là nét đẹp truyền thống của người Việt. Ảnh: Internet

Gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng chủ nhật vừa rồi, các con của cụ Trần Xuân Lợi và Võ Thị Thiên ở thôn 3, xã Xuân Lam (Nghi Xuân) đã tổ chức họp gia đình để bàn chuyện gặp mặt đầu xuân. Năm nay, con cháu cụ Lợi sẽ tổ chức đại tiệc mừng thọ tròn 90 tuổi cho ông bà.

Cụ Trần Xuân Lợi cho biết: “Không chỉ tết này mà những tết trước, gia đình tôi vẫn luôn tổ chức bữa cơm đoàn viên, gặp mặt gia đình. Đó là dịp con cháu chúc tết cha mẹ, ông bà, còn chúng tôi thì mừng tuổi cho các cháu và dặn dò các con về những điều hay lẽ phải trong cuộc sống”.

“Nếp nhà” trong ly rượu chúc Tết ngày xuân ở một gia đình truyền thống Hà Tĩnh

“Trong những bữa cơm đoàn viên gia đình dịp tết, cụ Lợi luôn dặn dò con cháu phải luôn chừng mực, trọng lời chúc hơn chén rượu để giữ không khí ấm cúng hòa thuận gia đình”. Ảnh: Vợ chồng cụ Trần Xuân Lợi , 90 tuổi (Xuân Lam, Nghi Xuân).

Gia đình cụ Lợi có 6 người con, hiện các cụ đã có 12 cháu và 3 chắt. Các con đều thành đạt và có nghề nghiệp ổn định. Tuy có người công tác ở TP Hồ Chí Minh, người làm việc ở TX Kỳ Anh… nhưng cứ dịp lễ, tết, mọi người lại tranh thủ, sắp xếp thời gian để về sum họp. Đặc biệt, dịp tết cổ truyền năm nào họ cũng dành một ngày để bố mẹ, con cháu, anh em… cùng ngồi lại với nhau ăn bữa cơm gia đình đoàn viên và nâng ly chúc mừng năm mới.

Ở những bữa tiệc này, với họ, tình cảm gia đình là thứ thiêng liêng và chén rượu ngày xuân như là phương tiện để bày tỏ lòng mình. Vì thế, không khí gia đình luôn đầm ấm, vui vẻ, không lúc nào “quá chén”.

“Nếp nhà” trong ly rượu chúc Tết ngày xuân ở một gia đình truyền thống Hà Tĩnh

Nhờ lối sống mẫu mực, các con cháu cụ Lợi đều hiếu thảo nghe lời ông bà, cha mẹ. Ảnh: Cụ Lợi và Anh Phan Khắc Tú (con rể cụ).

Anh Phan Khắc Tú (46 tuổi) - con rể cụ Lợi, hiện là giáo viên Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh cho biết: “Dù đi ra xã hội, gặp gỡ bạn bè, đối tác… có lúc chúng tôi có thể uống hơi nhiều nhưng trong những bữa tiệc đoàn viên, không chỉ bố mẹ tôi luôn nhắc nhở mà bản thân anh chị em trong gia đình cũng tự ý thức được việc nâng ly là thể hiện tình cảm qua lời chúc phúc, chứ không phải “mượn cớ” ép nhau. Bản thân tôi cũng luôn có chừng mực”.

Anh Tú cũng chia sẻ thêm, đối với anh, bữa tiệc đoàn viên gia đình nhân dịp năm mới rất có ý nghĩa. Đây không chỉ là dịp để vợ chồng anh và các con bày tỏ sự hiếu thảo với cha mẹ, ông bà mà còn là lúc anh em trong nhà có thời gian ngồi lại với nhau để thăm hỏi, chia sẻ, động viên nhau. Bữa cơm đoàn viên giúp mọi người có những phút giây tận hưởng không khí ấm cúng, đầy tình thân. Chính không khí thoải mái và hạnh phúc này mới là ý nghĩa đích thực của cuộc hội ngộ gia đình trong dịp xuân mới.

“Nếp nhà” trong ly rượu chúc Tết ngày xuân ở một gia đình truyền thống Hà Tĩnh

Ngày tết cũng là lúc bà cháu được quây quần. Ảnh: Cụ Võ Thị Thiên và cháu nội

Gặp mặt gia đình trong dịp đầu xuân cùng nâng ly chúc phúc mừng năm mới là nét đẹp truyền thống trong mỗi gia đình Việt Nam. Chén rượu đi cùng lời chúc là tình cảm trân trọng, quý mến dành cho nhau giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hình thức này có những lúc “biến tướng”. Nhiều người vì lý do nào đó lấy “lượng” thay “chất”, “ép” nhau uống nhiều mới thể hiện tình cảm. Cũng vì lẽ đó, bữa cơm đoàn viên ngày tết, chén rượu mừng ngày xuân thiếu vắng ý nghĩa đẹp đẽ ban đầu.

Tết Nguyên đán đang đến thật gần, hy vọng mọi người sẽ luôn biết giữ chừng mực trong việc uống bia, rượu, vừa giữ gìn nét đẹp truyền thống, vừa tô đậm thêm ý nghĩa của những cuộc gặp gỡ đầu xuân.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast