Hadiphar khẳng định thương hiệu mạnh

Lạm phát đã tác động xấu đến hầu hết các doanh nghiệp (DN), nhưng Công ty CP Dược Hà Tĩnh (Hadiphar) lại là trường hợp ngoại lệ. Quý 1/2013, doanh thu của Hadiphar đạt 65 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Sản xuất thuốc trên máy đóng chai tự động
Sản xuất thuốc trên máy đóng chai tự động

“Cũng như nhiều DN khác, năm 2012 được coi là khó khăn nhất đối với Hadiphar khi lãi suất ngân hàng lên đến 22% trong khi lợi nhuận thu được không đáng là bao. Bên cạnh đó, Nhà nước ban hành chính sách quản lý dược phẩm một cách khắt khe, giá thuốc hạ xuống ở mức thấp nhất. Hình thức đấu thầu không phân biệt thương hiệu mà chỉ quan tâm đến giá cả đã tạo nên một sân chơi thiếu bình đẳng, gây khó khăn cho DN... Trong khi một số tỉnh, thành áp dụng chính sách ưu tiên cho nhà sản xuất địa phương (đối với các mặt hàng giống nhau) trong việc cung cấp thuốc cho các cơ sở điều trị nội tỉnh, thì tỉnh ta chưa có chủ trương này” - Phó Tổng Giám đốc Võ Trọng Nhân chia sẻ.

Trong quá trình hoạt động, ngoại trừ thời điểm khởi đầu CPH (2005), Hadiphar chưa hề nếm trải cảm giác thất bại bởi doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy nhiên, nền móng vững chắc đó cũng bị lung lay dữ dội khi “cơn bão” lạm phát tràn qua. Làm thế nào để ổn định SXKD, thích nghi với điều kiện thực tế theo kiểu “sống chung với lũ” là điều lãnh đạo Công ty luôn trăn trở. Và rồi, những giải pháp đồng bộ được triển khai một cách quyết liệt. Theo đó, bên cạnh việc “thắt lưng buộc bụng”, giảm thiểu những chi phí không cần thiết, xây dựng định mức chi phí cho hoạt động SXKD phù hợp, Hadiphar coi việc quản lý tốt công nợ là vấn đề sống còn.

Tích cực thu hồi vốn để tái đầu tư SXKD, gắn với phương châm an toàn, Hadiphar chỉ bán hàng ở những nơi thu hồi công nợ tốt, thực hiện luân chuyển hàng hóa nhanh; tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối, đặc biệt là những địa bàn trọng điểm như: TP Hồ Chí Minh, miền Trung - Tây nguyên.

Theo Phó Tổng Giám đốc Võ Trọng Nhân: “Chi phí cho việc mở các nhà phân phối lớn hơn 3 lần so với chi phí sản xuất. Nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến chiến lược marketing vì quảng bá hình ảnh thương hiệu là vấn đề sống còn của DN”. Bên cạnh đó, Hadiphar còn tiếp tục duy trì, quan hệ tốt với đối tác bằng những sản phẩm phù hợp với thị trường trong và nước ngoài: Mộc hoa trắng, Glucosa, Rhomatic gel...

Sản xuất thuốc trên máy sấy tầng sôi
Sản xuất thuốc trên máy sấy tầng sôi

Ảnh hưởng của lạm phát, suy giảm kinh tế, khiến sức mua giảm sút. Để giải quyết bài toán này, Công ty đã có các giải pháp thúc đẩy như tổ chức hội nghị khách hàng, xây dựng các chương trình khuyến mãi phù hợp với người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình; đồng thời tung ra thị trường 20 sản phẩm thuốc bổ phù hợp với túi tiền và nhu cầu của người tiêu dùng. Dù mới, nhưng hương vị và chất lượng của sản phẩm lập tức được khách hàng đón nhận.

“Đầu tư cho con người là đầu tư cho tương lai”, đặc biệt là đối với DN sản xuất những sản phẩm kỹ thuật cao như mặt hàng thuốc chữa bệnh - phương châm này xuyên suốt trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Công ty. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn, Công ty vẫn tuyển dụng được 4 dược sỹ đại học và hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo tại chỗ cho 12 cán bộ sau đại học. Những nỗ lực không mệt mỏi cuối cùng cũng đã được đền đáp. Có thể 98% kế hoạch đạt được trong năm 2012 không khiến nhiều người thỏa mãn nhưng trong bối cảnh khó khăn chung, kết quả đó cũng là một thành công, hơn thế là tạo đà cho năm tới và những năm tiếp theo.

Năm 2013, Hadiphar đặt mục tiêu doanh thu đạt 280 tỷ đồng, nâng mức thu nhập bình quân cho 520 lao động từ 4,5 triệu đồng lên xấp xỉ 5 triệu đồng/người/tháng. Vẫn còn khá nhiều thời gian để thực hiện nhưng nhiều người vẫn tin kế hoạch không quá xa và trong tầm tay khi quý 1 tổng doanh thu đạt 65 tỷ đồng, tăng 10% so với kế hoạch; sản xuất đạt 28 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ. Hadiphar đang tiếp tục khẳng định thương hiệu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast