Ấn Độ trước bài toán “cân não” về thay đổi chính sách hạt nhân

Cân nhắc chuyển chính sách từ không sử dụng hạt nhân đầu tiên sang sử dụng hạt nhân đầu tiên là một bài toán cân não đối với New Delhi.

Vũ khí hạt nhân đã cách mạng hóa các vấn đề chiến lược, nhưng khả năng hủy diệt khủng khiếp của chúng đã buộc các chiến lược gia tư duy về việc sử dụng những vũ khí này cho mục đích răn đe và ngăn chặn sự phổ biến của chúng.

Mỗi quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân xây dựng một chính sách theo nhận thức về mối đe dọa của mình. Việc tạo ra vũ khí và các khả năng hạt nhân được định hướng vì lợi ích của các quốc gia hạt nhân đã tạo ra những vấn đề nan giải cho cộng đồng quốc tế.

Ấn Độ trước bài toán “cân não” về thay đổi chính sách hạt nhân

Chuyển chính sách từ không sang sử dụng hạt nhân đầu tiên là một bài toán cân não đối với New Delhi; Nguồn; toptenknowledge.com

Học thuyết hạt nhân khó hiểu của Ấn Độ với chính sách không là phía sử dụng đầu tiên đã thay đổi một phần nếu không phải là cơ bản sau khi nó được công bố lần đầu tiên bởi Ủy ban cố vấn an ninh hạt nhân (Nuclear Security Advisory Board - NSAB), một nhóm các chuyên gia phi chính phủ, vào năm 1999. Sau đó, mặc dù chính phủ Ấn Độ tuyên bố đó không phải là một tài liệu chính thức nhưng phần lớn những gì được viết trong văn bản (NSAB) đã được đề cập trong các tuyên bố chính thức khác nhau.

Học thuyết năm 1999 dựa trên lực lượng răn đe tối thiểu nhưng đáng tin cậy và có thể áp dụng theo môi trường chiến lược đang thay đổi, nhấn mạnh sự cần thiết của sức mạnh hạt nhân đáng tin cậy, có thể sống sót sau đòn tấn công đầu tiên chống lại nó cũng như sự cần thiết phải kiểm soát chính trị chặt chẽ đối với các lực lượng hạt nhân. Tài liệu của NSAB nhấn mạnh các mục tiêu giải trừ hạt nhân của Ấn Độ, nhưng cũng thảo luận về bộ ba hạt nhân.

Thông tin chi tiết về Học thuyết hạt nhân chính thức được phát hành năm 2003 cũng giống như tài liệu được xuất bản năm 1999, dù vậy, vẫn có những thay đổi trong tài liệu chính thức mới này. Theo đó, Học thuyết hạt nhân Ấn Độ khẳng định, vũ khí hạt nhân chỉ dành cho răn đe và trả đũa là một chính sách mà Ấn Độ sẽ theo đuổi trong trường hợp có bất kỳ mối đe dọa nào.

Chính sách Không sử dụng đầu tiên (No first use - NFU) khẳng định, Ấn Độ sẽ không phải là quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng nếu bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, họ sẽ trả đũa ồ ạt. Học thuyết hạt nhân công bố rõ ràng quan điểm NFU - vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng làm lựa chọn trả đũa chống lại đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học.

Chính sách NFU được các nhà ngoại giao Ấn Độ, phát ngôn viên chính phủ và nhiều lực lượng khác ủng hộ một cách nhiệt liệt để chứng tỏ cho thế giới thấy các cam kết của Ấn Độ như một quốc gia hạt nhân có trách nhiệm. “Là một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm, Ấn Độ có chính sách răn đe tối thiểu đáng tin cậy dựa trên quan điểm không sử dụng đầu tiên và không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia phi vũ khí hạt nhân. Chúng tôi đã sẵn sàng chuyển đổi những nguyên tắc này thành các thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý song phương hoặc đa phương”.

22 năm kể từ khi Nam Á hạt nhân hóa, khả năng và học thuyết hạt nhân của Pakistan và Ấn Độ đã phát triển với những thay đổi đáng kể. Sự thay đổi từ NFU sang sử dụng đầu tiên (First use - FU) sẽ có tác động mạnh mẽ đến khu vực Nam Á vì nó rất có thể làm xáo trộn cán cân sức mạnh trong khu vực dẫn đến sự bùng nổ một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Pakistan và Ấn Độ. Nhà nước Ấn Độ từ lâu đã duy trì khả năng răn đe đáng tin cậy tối thiểu, không phụ thuộc vào kho dự trữ hạt nhân đối thủ nhưng đảm bảo một cuộc tấn công trả đũa đủ lớn để gây ra “thiệt hại không thể chấp nhận được” và từ đó, đảm bảo khả năng răn đe.

Sự thay đổi cũng có thể làm tăng tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh trong khu vực, sau đó làm tăng nguy cơ chiến tranh thông qua các tính toán sai lầm. Việc chuyển từ nhắm mục tiêu có giá trị (counter-value targeting) sang nhắm mục tiêu về sức mạnh (counter-force targeting) sẽ phát sinh nhu cầu cải tổ công nghệ và kho dự trữ hạt nhân của Ấn Độ. Đảm bảo phát hiện và loại bỏ hoàn toàn năng lực hạt nhân của Pakistan, sẽ cần độ chính xác nhất định cùng việc nâng cao về khả năng tình báo, giám sát và trinh sát (intelligence, surveillance, and reconnaissance - ISR).

Việc này đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn, gây áp lực không nhỏ lên nền kinh tế vốn đã khó khăn. Việc thay đổi quan điểm hạt nhân tác động tiêu cực đến chính sách đối ngoại vì Ấn Độ từ lâu đã tự coi là một quốc gia có vũ khí hạt nhân có trách nhiệm với thế giới. Động thái này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến chính sách và vị thế của Ấn Độ trong cộng đồng quốc tế. Ấn Độ đã có các khởi đầu mang tính xây dựng với các thỏa thuận quốc tế quan trọng như tham gia Nhóm các nhà cung ứng hạt nhân (Nuclear Suppliers Group - NSG) - một phần của thỏa thuận hạt nhân Ấn Độ-Mỹ 2008.

Ấn Độ cũng tìm cách gia nhập NSG với tư cách là thành viên thường trực; sự thay đổi chính sách sẽ chỉ cung cấp lý do để các quốc gia khác ngăn chặn điều này. Đồng thời, nó sẽ tạo cho Pakistan ưu thế trước Ấn Độ trên trường quốc tế, cáo buộc nước này gây mất ổn định cân bằng chiến lược trong khu vực. Ấn Độ hiện chưa có khả năng duy trì mức độ chính xác cao và phản đòn theo thời gian thực. Cuối cùng, chương trình hạt nhân của Ấn Độ đã được xây dựng và cấu trúc để phù hợp với chính sách NFU; do đó, sự thay đổi sẽ đòi hỏi một sự tái cấu trúc hoàn toàn chương trình này và các yếu tố công nghệ thiết yếu đi kèm.

Phát biểu nhân ngày giỗ của cựu Thủ tướng Vajpayee ngày 16/8/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nói rằng chính sách không sử dụng đầu tiên của Ấn Độ có thể thay đổi tùy theo “hoàn cảnh”. Một đánh giá toàn diện cần được thực hiện về các lựa chọn chính sách trước khi có hành động tiếp theo để tránh gây tổn hại cho nhà nước Ấn Độ cũng như các quốc gia láng giềng. Làm mất ổn định cán cân chiến lược trong khu vực và sẽ dẫn đến thảm họa.

Môi trường hạt nhân ổn định bởi chính sách NFU mang lại cho Ấn Độ sức mạnh vũ khí thông thường trước Pakistan. Vì vậy, không có kịch bản nào cần sử dụng vũ khí hạt nhân đối với Pakistan. Thứ hai, Ấn Độ đang ở vị trí mà lực lượng hạt nhân có vai trò ngăn chặn việc sử dụng hạt nhân chống lại nó - điều cho phép nước này lựa chọn hoặc áp dụng FU.

Từ bỏ chính sách không sử dụng đầu tiên sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến Ấn Độ. Đầu tiên là việc áp dụng lựa chọn FU sẽ khiến cả Ấn Độ và Pakistan rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trước sự bất an về đòn tấn công đầu tiên, trong bối cảnh luôn có cuộc xung đột tiềm tàng giữa cả Ấn Độ và Pakistan. Nếu Ấn Độ áp dụng tùy chọn FU, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu và tầm nhìn toàn cầu của họ. Chẳng hạn, Ấn Độ phấn đấu để có được tư cách thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tất cả các hành động và mục tiêu toàn cầu của Ấn Độ cho thấy họ đang tiến tới một môi trường tự do và nền kinh tế của họ vẫn tăng trưởng. Nếu áp dụng chính sách FU, trọng tâm của họ sẽ chuyển sang chương trình hạt nhân - điều không phù hợp với Ấn Độ trong mọi trường hợp. Đồng minh chiến lược của Ấn Độ ở khu vực Nam Á là Mỹ và một trong những mục tiêu chính sách đối ngoại chính của Ấn Độ là kiềm chế Trung Quốc trong khu vực với sự hỗ trợ từ Mỹ. Nếu Ấn Độ chuyển chính sách sử dụng hạt nhân từ NFU sang FU, thì đương nhiên, Trung Quốc sẽ phải áp dụng chính sách FU tương tự.

Một sự thay đổi lớn trong chính sách hạt nhân sẽ không phù hợp với Ấn Độ trong thời đại hiện nay. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính sách và động thái nâng cao khả năng hạt nhân của Ấn Độ đang buộc Pakistan, một quốc gia tương đối yếu về vũ khí thông thường, rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh.

Trong mọi trường hợp, nhược điểm lớn hơn lợi điểm, do đó, việc tuân thủ chính sách hạt nhân hiện tại với những điều chỉnh nhỏ có thể phù hợp với Ấn Độ; một sự thay đổi mạnh mẽ sẽ chỉ làm tổn hại lợi ích của nước này.

Ấn Độ trước bài toán “cân não” về thay đổi chính sách hạt nhân
Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast