Soát xét Đề án phát triển Cụm Công nghiệp Hà Tĩnh đến năm 2020

Sáng 13/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ chủ trì buổi làm việc với các Sở, ban, ngành liên quan để nghe báo cáo và soát xét lại “Đề án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến 2020” chuẩn bị trình HĐND tỉnh tại tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.

“Đề án phát triển Cụm Công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020” được UBND tỉnh xây dựng nhằm tăng cường khuyến khích đầu tư, thúc đẩy việc hình thành và phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu hút đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong cụm; gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa nông nghiệp tại địa phương; cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống của người dân…

Sản xuất đồ mộc tại cụm công nghiệp Thái Yên (Đức Thọ)
Sản xuất đồ mộc tại cụm công nghiệp Thái Yên (Đức Thọ)

Theo Đề án, toàn tỉnh hiện có 18 CCN đã được phê duyệt với diện tích 499,8 ha. Tính đến 31/10/2013, đã thu hút được 129 dự án đầu tư đăng ký sản xuất, kinh doanh trong cụm với số vốn đăng ký gần 2.451 tỷ đồng, GQVL cho 2.394 lao động với thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, các CCN phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, tỷ lệ lấp đầy còn thấp, nhiều CCN chưa có dự án đầu tư; vốn đầu tư hạ tầng cho CCN thấp; đầu tư thiếu đồng bộ, dàn trải; năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong cụm chưa cao; công tác QLNN đối với CCN còn nhiều bất cập; cơ chế chính sách thu hút vào CCN chưa đủ mạnh…

Đề án đưa ra các giải pháp Quy hoạch và quản lý quy hoạch; đầu tư kết cấu hạ tầng; đào tạo nhân lực; bảo vệ môi trường; xúc tiến thương mại; tăng cường quản lý Nhà nước và ban hành chính sách. Mục tiêu Đề án đề ra là đến năm 2015 sẽ có 19 CCN với tổng diện tích khoảng 488,62 ha; đến năm 2020 có 25 CCN với tổng diện tích khoảng 631,62 ha, nâng giá trị sản xuất công nghiệp lên 7.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 lao động.

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành tập trung đóng góp nhiều nội dung liên quan, nhằm hoàn thiện Đề án một cách tốt nhất.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ yêu cầu Sở Công thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan làm rõ những nguyên nhân tồn tại của các cụm CCN; cụ thể hóa các chính sách hiện hành vào Đề án; ngoài chính sách chung, phải có các chính sách mở rộng cho Đề án; làm tốt việc dự báo tình hình, quan điểm phát triển; có giải pháp, kế hoạch huy động vốn cho các cụm CN để làm hạ tầng, giao thông, điện, nước… Các nội dung phải khoa học, có tính khả thi cao.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì tiếp thu các ý kiến, nội dung kết luận, sau đó, soạn thảo lại, nhóm họp lại, đi đến thống nhất Đề án, trình UBND tỉnh trước ngày 20/11 để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tới. Sau khi có Đề án, các huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, sát thực với tình hình địa phương mình; các sở, ngành theo đó cụ thể hóa trách nhiệm của mình sát thực, rõ ràng để Đề án được triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhất

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast