Làng trong phố ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Ở nước ta, ngoài một số thành phố lớn có lịch sử phát triển lâu đời thì đa phần các đô thị trẻ được hình thành từ sự mở rộng và “nâng tầm” không gian làng Việt. Con người từ các làng quê đi lên thành phố trở thành cư dân phố thị. Cũng từ đó, văn hóa làng được bảo lưu, gìn giữ, tiếp biến và hòa nhập với văn minh đô thị.

Từ làng đến phố

Trong 3 trụ cột: nhà, làng, nước thì làng xã có một vai trò hết sức quan trọng, gắn kết gia đình với Tổ quốc, quê hương. Làng xã Việt Nam hàng nghìn năm nay lưu giữ những tinh hoa văn hóa dân tộc, truyền thống, đạo lý tốt đẹp của người Việt, nền nếp gia phong, tình làng nghĩa xóm, cố kết cộng đồng… Tất cả tạo nên giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam không thể mai một, trở thành sức mạnh nội sinh to lớn giúp chiến thắng ngoại xâm, xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Làng trong phố ở Hà Tĩnh

Làng Đỗ Gia (xã Sơn Tân, Hương Sơn ngày nay) là một làng cổ nằm trên bờ Bắc sông Ngàn Phố- nơi còn lưu giữ nét văn hóa gắn với cổng làng ở các thôn.

Đô thị hóa là xu hướng tất yếu của xã hội phát triển. Gắn liền với quá trình đô thị hóa là sự ra đời của những yếu tố, những giá trị văn hóa mới giúp con người có khả năng làm chủ không gian sinh tồn. Làm sao để văn hóa làng khi lưu chuyển vào khu vực đô thị được bảo tồn, nâng lên một tầng nấc giá trị mới, tạo nên những phố thị vừa có nét đẹp của văn hóa làng, vừa đảm bảo những yêu cầu khắt khe của văn minh đô thị là công việc không thể ngày một ngày hai và không chỉ riêng của hệ thống chính trị mà phải là của mỗi người dân.

Tỉnh lỵ Hà Tĩnh được thành lập vào năm 1831. Tuy vậy, mãi đến 1924, khi Toàn quyền Đông Dương Méclanh (Merlin) ra nghị định chuẩn y Đạo dụ của vua Khải Định thì thị xã mới thành lập với 8 phố: Tiền Môn, Hậu Môn, Tả Môn, Hữu Môn (nằm xung quanh thành Hà Tĩnh); phố Tân Giang bên bờ Bắc sông Cụt; phố Nam Ngạn bên bờ Nam sông Cụt; phố Hoàn Thị (nay là đoạn cuối đường Nguyễn Công Trứ giao với Đặng Dung) xung quanh chợ Tỉnh; phố Tịnh Trung nay là một phần đường Phan Đình Phùng (đoạn từ đường Nguyễn Chí Thanh đến Công ty Phát hành sách Hà Tĩnh).

Trước Cách mạng tháng Tám và trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, đô thị duy nhất của Hà Tĩnh này vẫn mang tính chất “phố làng” với cung cách sản xuất, tư duy, nếp sống, sinh hoạt. Nếu không có điện, nước và “những cư dân ăn sổ gạo”, một số hiệu buôn của các thương nhân và chợ Tỉnh thì thị xã không khác gì các làng quê.

Làng trong phố ở Hà Tĩnh

Phố Tân Giang (TP Hà Tĩnh)bên bờ Bắc sông Cụt đã được hình thành từ năm 1924. Trong ảnh: Lễ hội đua thuyền truyền thống năm 2022 được phường Tân Giang tổ chức trên sông Cụt.

Cho đến khi trở thành thành phố vào năm 2007 và đô thị loại II năm 2019, TP Hà Tĩnh mới có tốc độ đô thị hóa nhanh và trở thành thành phố trẻ năng động như hôm nay. Theo đó, một bộ phận cư dân trẻ, cư dân nơi khác chuyển về, dân số gia tăng, thương mại - dịch vụ phát triển, nhiều con phố buôn bán sầm uất ra đời. Cùng với các khu chung cư cao tầng, nếp sống, sinh hoạt theo kiểu làng xã của cư dân buộc phải thay đổi.

Làng trong phố ở Hà Tĩnh

Các khu dân cư, tuyến ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp ở TX Hồng Lĩnh.

TX Hồng Lĩnh được thành lập năm 1992 trên cơ sở sáp nhập thị trấn Hồng Lĩnh với các xã Đức Thuận, Trung Lương (Đức Thọ) và xã Đậu Liêu, Thuận Lộc (Can Lộc). Các làng xã này quần tụ dưới chân núi Hồng. Sau 30 năm thành lập, thị xã đang phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại III. Cư dân phố thị chủ yếu là từ các huyện thị lân cận chuyển về.

TX Kỳ Anh trẻ nhất, được thành lập từ chia tách huyện Kỳ Anh năm 2015. Theo đó, dân các làng xã trở thành dân phố phường.

Các thị trấn của các huyện trong tỉnh thành lập khá lâu nhưng nếp sống sinh hoạt của cư dân chủ yếu vẫn là sinh hoạt làng xã. Nhiều vùng thị trấn, cư dân lao động sản xuất nghề nông là đa phần.

Với đặc điểm hình thành của đô thị Hà Tĩnh như vậy nên cư dân đô thị phần lớn mang theo văn hóa làng vào trong các phố, phường. Biểu hiện sinh động nhất là tình làng nghĩa xóm lúc ốm đau, khó khăn, hoạn nạn chia ngọt sẻ bùi, thăm hỏi gia đình thương binh - liệt sỹ, quan tâm người già, trẻ em. Hai từ “hàng xóm” trở thành thiêng liêng, quan trọng với truyền ngôn “bán anh em xa mua láng giềng gần”.

Làng trong phố ở Hà Tĩnh

Cư dân các khu chung cư cao tầng ở TP hà Tĩnh Hà Tĩnh đưa những giá trị văn hóa truyền thống vào đời sống, góp phần tạo nên sự gắn kết cộng đồng. Trong ảnh: Người cao tuổi sinh hoạt cùng nhau trong khuôn viên khu chung cư Vinhomes New Center.

Các con phố càng hình thành lâu đời như: Lâm Phước Thọ, Trần Thị Hường, Nguyễn Trung Thiên, Nam Ngạn, Đồng Quế, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông và vùng ven TP Hà Tĩnh… thì sự gắn kết cộng đồng, chia ngọt sẻ bùi càng thể hiện rõ. Nếu ai đó sống cách biệt, không gần gũi với bà con trong dãy phố, tổ dân phố là bị người khác chê trách. Dẫu rất ít cảnh “Trưa hè gọi nhau râm ran chè xanh”, song cảnh “Con gái gả chồng cả xóm có trầu vui” vẫn rất phổ biến. Không những thế, các cư dân này còn chung sức, đồng lòng xây dựng tuyến phố mẫu, xây dựng phường, tổ dân phố đạt chuẩn văn minh đô thị. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, TDTT diễn ra sôi nổi nhân các dịp lễ tết càng làm cho cư dân phố thị thêm gắn kết. Các gia đình chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy lùi tai nạn, tệ nạn xã hội.

Nâng cao ý thức thị dân

Sinh ra, lớn lên ở làng quê, không ít người mang theo phong tục, tập quán, lối sống ở quê vào thành phố. Bên cạnh những nét đẹp như đã nói ở trên, nhiều người vẫn giữ những thói xấu làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng.

Một người dân ở phường nội thành, TP Hà Tĩnh tâm sự: Khi về thành phố sống, tôi nghĩ là môi trường sẽ văn minh, sạch sẽ, ai ngờ nhà bên cạnh có khoảng đất trống, tổ chức nuôi hàng chục con gà, vịt, ngan, mùi hôi xông lên nồng nặc, tôi không dám mở cửa sổ. Phản ánh nhiều lần mà họ vẫn không thay đổi, kể cả khi tổ trưởng dân phố đến yêu cầu chấm dứt. Chúng tôi không biết phải làm sao?

Làng trong phố ở Hà Tĩnh

Đàn bò của một hộ dân ở thôn Liên Nhật (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) thường xuyên thả rông trong khu dân cư.

Là một cư dân thành phố sống ở vùng ngoại ô, trong khu dân cư được quy hoạch đẹp đẽ nhưng suốt 3 năm nay, nhiều lần tôi chứng kiến đàn bò của một gia đình ở làng bên (làng NTM kiểu mẫu) thả rông phá phách hoa, cây cảnh, phóng uế bừa bãi. Thôn, xã nhiều lần mời chủ đàn bò lên ký cam kết, nhưng vài bữa đâu lại vào đấy. Xã không có chỗ nhốt nên không bắt lại, trong khi chế tài chưa đủ mạnh để răn đe.

Nhiều hành vi phản cảm, gây ảnh hưởng đến cộng đồng cũng thường xảy ra ở trong khu vực thị thành. Đó là tình trạng mở loa đài quá cỡ, quá thời gian quy định, đám cưới, đám tang không thực hiện nếp sống văn minh; phơi phong quần áo mất mỹ quan; xả rác bừa bãi, không phân loại rác. Phổ biến nhất là tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè buôn bán, họp chợ sai quy định gây ách tắc giao thông. Nhiều thanh thiếu niên có biểu hiện xa rời văn hóa truyền thống…

PGS-TS Biện Minh Điền (Trường Đại học Vinh) khi nói về vấn đế này đã cho rằng: “Ý thức, cảm thức thị dân là chuẩn mực của con người hiện đại. Phải xây dựng nét đẹp đô thị, coi trọng các công trình kiến trúc mang tính thẩm mỹ, xây dựng cảnh quan, môi trường sống, nếp sống văn minh. Trong SXKD phải minh bạch, sòng phẳng. Chú trọng gìn giữ những nét đẹp văn hóa làng. Tránh lai căng, tha hóa, mê tín dị đoan. Muốn vậy phải tăng cường quản lý Nhà nước về văn hóa, đổi mới tư duy, mạnh dạn xóa bỏ những quan niệm giáo điều, xơ cứng”.

Làng trong phố ở Hà Tĩnh

Đoàn viên thanh niên tham gia làm sạch cảnh quan khu vực công viên trung tâm TP Hà Tĩnh.

Điều tôi muốn nhấn mạnh trước khi kết thúc bài viết này là vấn đề ứng xử với môi trường thông qua việc thu gom và xử lý rác. Phải tuyên truyền giáo dục thật mạnh mẽ và lâu dài để cư dân phố thị (và cả làng quê) coi trọng thu gom, phân loại, xử lý rác, chăm sóc cây cảnh, đường phố. Về điều này, phải học tập nước Nhật khi từ người già đến trẻ em ra đường, nơi công cộng thấy rác đều cúi nhặt, mang đến thùng rác bỏ. Người lớn làm, trẻ em làm, cả một con phố không rác thải, thành phố không rác thải thì gương mặt phố phường, làng quê sẽ đẹp đẽ từng ngày.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast