Hà Tĩnh khắc sâu lời Bác

(Baohatinh.vn) - Sau trận lụt lớn, sau sửa sai cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, Bác Hồ đã về thăm Hà Tĩnh. Lần này là lần về thăm quê đầu tiên sau bao năm xa cách, nhưng Bác đã dành sang thăm Hà Tĩnh trước, thật là cảm động. Bác về thăm Hà Tĩnh thời gian ngắn nhưng để lại ấn tượng rất sâu sắc. Qua tiếp xúc và nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân, chứng tỏ Người rất hiểu và rất trăn trở với Hà Tĩnh.

Bác Hồ nói chuyện tại hội nghị cán bộ nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957). Ảnh tư liệu

Bác dành thời lượng nói nhiều về đạo đức cách mạng. Bác nói cái đức của người cán bộ là phải lo cho dân “Dân không đủ muối ăn, dân không có gạo, dân không có áo mặc đủ ấm, các cháu bé không có trường học… ngay đến cả tương cà, mắm muối, cán bộ cũng phải lo”. Bác nói, đạo đức lớn nhất của cán bộ, đảng viên là phụng sự Tổ quốc, là thương yêu đồng bào. Bác nêu gương sáng của “nhiều đồng chí ở Hà Tĩnh từ năm 30-31 đến nay vẫn cứ đeo đuổi với cách mạng, không hề đòi hỏi gì cho cá nhân, cho gia đình mình cả”. Họ thực sự là “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo thì lo trước mọi người, vui thì vui sau mọi người). Nhưng Bác dặn các chú đừng có vậy mà cậy công “làm cho lỗ mũi sỉnh ra như cái đình che mắt không thấy rừng”. Rồi Bác chân tình chỉ ra những khuyết điểm cụ thể như kiêu ngạo, tự cao, tự đại, ham chuộng hình thức “chỉ chăm lo đến hình thức bề ngoài, chỉ phô trương cho oai”. Thậm chí, “có đồng chí chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp, lo phát tài, lo chiếm của công làm của tư, có đồng chí còn giữ óc địa vị, còn giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ”.

Bác nói, vấn đề quan trọng của đạo đức cách mạng là đoàn kết, thương yêu nhau. Điều này Hà Tĩnh làm chưa tốt, thậm chí, Bác còn cho rằng, “đoàn kết kém”. Bác không bằng lòng với tình trạng mất đoàn kết kéo dài, ở một tỉnh đã nghèo, còn nhiều khó khăn mà để nội bộ mất đoàn kết là có lỗi với nhân dân. Bác phân tích nguyên nhân đoàn kết chưa tốt là “do bệnh cá nhân chủ nghĩa, so bì, thắc mắc, kèn cựa địa vị”, là do “trên thiếu gương mẫu, thiếu khiêm tốn, tự cao, tự đại, đề cao cá nhân, độ lượng nhỏ bé”. Bởi vậy, ở Hà Tĩnh bây giờ “phải coi đoàn kết là cái gốc”, mà muốn đoàn kết thì “mở rộng chế độ tự phê bình, phê bình, nâng cao tinh thần kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, phải chí công vô tư và hết lòng yêu thương nhau”. Những lời Bác dạy về đạo đức cán bộ ngày nào mà vẫn như còn mang tính thời sự. Cán bộ, đảng viên cần phải ghi nhớ, cần khắc sâu lời Bác để soi vào mình, đề phòng và chống bệnh cá nhân trỗi dậy, nhất là trong cơ chế hiện nay và khi mình có chức, có quyền.

ha tinh khac sau loi bac

Thành phố Hà Tĩnh hôm nay

Điều Bác quan tâm là Hà Tĩnh phải tập trung lo sản xuất để nâng cao đời sống nhân dân “Đảng phải lo cho đời sống nhân dân, trước mắt là sản xuất”. Bác chỉ ra rất cụ thể, đối với Hà Tĩnh phải tập trung cho sản xuất nông nghiệp, “trước mắt chăm lo vụ bát, vụ mười cho tốt”, phải thực sự quan tâm đến thủy lợi, đến việc đắp đê chống lụt, đắp đập, be bờ giữ nước phòng chống hạn hán. Những năm sau này, Bác vẫn nhắc nhở Hà Tĩnh phải chăm lo công tác thủy lợi để chống hạn, chống lũ lụt. Khi tiếp đoàn cán bộ Hà Tĩnh (ngày 6/7/1966) tại Hà Nội, Người đã nói: “Về thủy lợi, Hà Tĩnh có tiến bộ hơn trước, nhưng chưa tiến bộ được như ý muốn, phải cố gắng hơn nữa”. Cũng trong lần tiếp này, Bác dặn Hà Tĩnh 10 điều, trong đó có điều thứ 10, Bác chốt lại: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”.

Qua đây, cũng như những căn dặn khi Bác về thăm hay trong thư, trong điện Bác gửi cho Hà Tĩnh, chứng tỏ Bác rất hiểu Hà Tĩnh và thông cảm với một tỉnh nghèo, điều kiện để phát triển đi lên không dễ dàng. Mặc dầu Hà Tĩnh đã có sự phấn đấu rất lớn, nhưng như vậy là chưa đủ, Bác mong “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên” cơ! Mong muốn đó xuất phát từ tấm lòng của Bác với Hà Tĩnh. Còn nhớ, Bác về thăm quê lần đầu tiên mà sang thăm Hà Tĩnh trước. Nghe nói, lúc đó có người hỏi thì Bác trả lời tục lệ con cháu đi xa nhà lâu ngày về thăm thì ghé thăm các nhà láng giềng trước. Không biết có hoàn toàn như vậy không, hay đang có một điều gì đó tế nhị và sâu kín mà để Hà Tĩnh nặng tình với Bác như vậy!

Ghi nhớ lời Bác dạy, từ đó đến nay, Hà Tĩnh đã ra sức củng cố, xây dựng Đảng bộ, thường xuyên quan tâm đến đoàn kết nội bộ làm nòng cốt cho đoàn kết toàn dân để phát huy mọi tiềm lực đưa Hà Tĩnh đạt được những thành tựu quan trọng ở các giai đoạn cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh vừa ra sức xây dựng hậu phương, vừa ghi được những chiến công lẫy lừng trong chiến đấu. Là tỉnh có trận đầu thắng lớn 26/3/1965, tỉnh bắn rơi máy bay Mỹ thứ 100, thứ 200, bắn rơi máy bay “cánh cụp, cánh xòe”, bắn rơi máy bay trực thăng, bắt giặc lái, bắn cháy tàu chiến Mỹ… Trên mặt trận giao thông vận tải, Hà Tĩnh đảm bảo thông suốt con đường vận chuyển chiến lược từ hậu phương ra chiến trường mà đỉnh cao là chiến thắng ở Ngã ba Đồng Lộc.

Trên mặt trận sản xuất xuất hiện nhiều điển hình thâm canh vào thời đó, đạt năng suất trên 5 tấn/ha/vụ, như các hợp tác xã Đại Thanh, Mật Thiết, Trung Hòa, Phan Đình Phùng… Một số cơ sở công nghiệp lớn ra đời như Nhà máy Cơ khí Ấp Bắc, Cơ khí Thông Dụng, Nhà máy Chế biến gỗ Đức Thọ… Tiến hành làm được các công trình thủy lợi lớn như Thượng Tuy, Bộc Nguyên, Cửa Thờ - Trại Tiểu, Vực Trống… và chuẩn bị điều kiện để làm hồ Kẻ Gỗ. Trong giáo dục xuất hiện lá cờ đầu giáo dục Cẩm Bình nổi tiếng cả nước. Cả Hà Tĩnh “nổi bật lên” với các phong trào thi đua “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, “hai giỏi”… đạt được những kết quả xuất sắc trong sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Kết thúc chiến tranh, tỉnh Hà Tĩnh, tất cả các huyện và thị xã Hà Tĩnh được Đảng và Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang.

ha tinh khac sau loi bac

Cảng biển nước sâu Sơn Dương – Vũng Áng

Trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, làm theo lời Bác, Hà Tĩnh đã có sự bứt phá đi lên từ một tỉnh nghèo đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Là tỉnh có chủ trương sớm về xóa đói giảm nghèo kết hợp với xây dựng nông thôn mới, mở mang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm”, xóa nhà tranh tre dột nát… mang lại hiệu quả thiết thực, xuất hiện nhiều xã đạt danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới như Gia Phố, Trường Sơn, Tùng Ảnh, Quang Lộc, Cẩm Nam... Tiến hành triển khai quy hoạch và thu hút đầu tư vào các khu kinh tế Vũng Áng, Cầu Treo, vào các khu công nghiệp, cùng với phát triển hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp - công nghiệp - thương mại, du lịch, dịch vụ đạt được kết quả rõ nét. Văn hóa, giáo dục là thế mạnh của tỉnh được phát huy, an sinh xã hội đảm bảo, QPAN được giữ vững. Tỉnh nhà đang trên đà phát triển nhanh, bền vững trên các mặt. Tuy vậy, đi lên từ một tỉnh nghèo, quá trình vươn lên thành tỉnh giàu mạnh dẫu có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn nhiều khó khăn và thử thách. Những gì đã làm được cũng như những vấp váp trên hành trang đi tới là kinh nghiệm và bài học quý giá. Biết vậy để chúng ta có đủ tự tin, không chủ quan, nóng vội và lường trước được những khó khăn trên con đường phát triển. Từ thực tiễn của tình hình, chúng ta cần bình tĩnh xác định mục tiêu khả thi và bước đi thích hợp, phát huy tiềm năng, lợi thế, đồng lòng, chung sức phấn đấu thực hiện bằng được lời căn dặn của Bác Hồ: phải làm sao cho tình hình tỉnh nhà nổi bật lên.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh

Chủ đề 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast