Ôtô Trường Hải bất ngờ bị dừng gia hạn thuế

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa đồng ý với Bộ Tài chính dừng gia hạn nộp thuế nhập khẩu cho Cty CP Ô tô Trường Hải. Thời hạn dừng gia hạn từ ngày 1/3/2014. Đây là khoản thuế “khủng” lên tới hơn 1.200 tỷ đồng vốn được gia hạn nộp từ ngày 1/7 năm ngoái.

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 1093 gửi Bộ Tài chính và UBND tỉnh Quảng Nam về việc dừng gia hạn nộp thuế nhập khẩu đối với Cty CP Ô tô Trường Hải.

Nhà máy Ô tô Chu Lai - Trường Hải

Nhà máy Ô tô Chu Lai - Trường Hải

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính hôm 23/1 về việc dừng gia hạn nộp thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp này. Thời điểm dừng gia hạn là từ ngày 1/3 tới.

Động thái này gây bất ngờ đối với giới quan sát vì hồi giữa năm ngoái, cũng chính Bộ Tài chính đề nghị và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý gia hạn thuế nhập khẩu cho Trường Hải.

Trước đó, như PLVN đã đề cập, trước tình hình được mô tả là khó khăn đặc biệt, Cty CP Ô tô Trường Hải đã xin Chính phủ cho phép 4 công ty thành viên do Trường Hải làm chủ đầu tư được gia hạn nộp thuế nhập khẩu trong 1 (một) năm, số tiền khoảng 1.214 tỷ đồng (một nghìn hai trăm mười bốn tỷ đồng), kể từ ngày 1/7/2013 đến ngày 30/6/2014. Bốn công ty này gồm: Cty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô tải Chu Lai – Trường Hải, Cty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô khách Trường Hải, Cty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô du lịch Trường Hải – Kia, Cty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô Vina-Mazda.

Đề xuất của Trường Hải được sự đồng thuận của UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ Tài chính. Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn cho phép người nộp thuế có quyền được gia hạn nộp thuế, tiền phạt còn nợ nếu không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp “khó khăn đặc biệt”. Thẩm quyền gia hạn do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Tài chính. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế cũng cho phép Chính phủ gia hạn nộp thuế trong trường hợp việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu NSNN đã được Quốc hội quyết định.

Theo trình bày của doanh nghiệp thì doanh nghiệp đang tồn lượng hàng lên đến hơn 3.300 tỷ đồng và đang nợ các tổ chức tín dụng khoảng 5.600 tỷ đồng. Tình hình sản xuất được nói là đang cầm chừng, và nếu không đầu tư phát triển thì “sẽ có nguy cơ tạm ngừng hoạt động, hàng nghìn lao động mất việc làm”...

Như vậy, Trường Hải đã bị dừng gia hạn trước thời hạn 4 tháng. Hiện chưa rõ Phó Thủ tướng chuẩn thuận cho Bộ Tài chính dừng gia hạn thuế với Trường Hải vì lý do gì, nhưng được biết khi đồng ý cho nhà sản xuất ô tô này được gia hạn nộp thuế, Bộ Tài chính đã đưa ra 4 điều kiện: phải có bảo lãnh của ngân hàng thương mại; việc gia hạn nộp thuế này không áp dụng cho các tờ khai nhập khẩu ô tô nguyên chiếc; công ty phải có cam kết sử dụng tiền thuế được gia hạn để đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ ô tô Chu Lai – Trường Hải, đầu tư phát triển sản xuất phụ trợ…; UBND tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm quản lý đảm bảo sử dụng đúng mục đích.

Đáng chú ý, sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho gia hạn 1.200 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu vì lý do “khó khăn đặc biệt”, Trường Hải đã báo lãi gần 400% so với cùng kỳ năm 2012. Mức thù lao cho Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng được thông qua với 50 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, sau khi Trường Hải được cho phép gia hạn 1.200 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu, các công ty ô tô khác cũng đã đồng loạt làm đơn gửi Thủ tướng Chính phủ với cùng nguyện vọng. Mỗi lần nhận được đơn, Văn phòng Chính phủ lại phải làm phiếu chuyển gửi Bộ Tài chính “xem xét, xử lý theo quy định”. Theo thông tin riêng, ít nhất cũng có 6 doanh nghiệp đứng đơn, gồm: Cty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki, Cty CP Tập đoàn Thành Công, Cty CP Ô tô TMT, Cty TNHH Hoàng Trà, Cty TNHH Ô tô Đông Phương và VEAM.

Theo Pháp luật Việt Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast