Về Trường Sa

Anh vừa về phép. Không phải nói cũng biết chị vui tới nhường nào...

Hai năm xa chồng, chị và anh vẫn nói chuyện hàng ngày qua điện thoại, vẫn thỉnh thoảng được nhìn thấy nhau qua webcam máy tính. Cô con gái nhỏ 2 tuổi cũng chẳng lạ mặt bố dù khi chị sinh, anh đang lênh đênh trên tàu ngoài khơi làm nhiệm vụ. Giờ anh ở đây, trước mặt chị bằng xương bằng thịt, ngọt ngào và nồng ấm. Chị vui tới mức quýnh quáng không biết làm gì. Hết đi ra lại đi vào, trong đầu chị nghĩ tới việc chạy ù ra chợ mua vài con cá thật tươi về nấu canh chua cho anh như anh vẫn thích; nhưng chân chị lại đi vô bật nước nóng, chuẩn bị quần áo cho anh tắm… Anh thấy vậy thì tủm tỉm cười:

- Vợ cứ ngồi nghỉ ngơi để anh chăm vợ. Vợ vất vả suốt thời gian qua rồi. Nào bây giờ anh sẽ đi chợ làm món sườn nướng tẩm ớt xiêm vợ thích nhất. Vợ chồng mình làm mâm cơm rồi qua mời bố mẹ…

- Nhưng chồng vừa về, còn mệt. Chồng cứ để em.

- Vậy anh chở vợ đi, đi hai cho nhanh còn về chứ không con thức giấc đó. Anh nhớ ngày xưa phải còng lưng đạp xe đưa vợ đi chơi vợ mới chịu anh mà…

Mới đi nửa vòng chợ, mỗi người một câu chào hỏi nên cũng phải mất 45 phút anh chị mới dứt ra được. Về tới nhà, vợ chồng tíu tít cùng nhau nhặt rau, ướp thịt, kho cá, nhóm than. Ngọn lửa nhỏ tí tách được bàn tay chị khời nhẹ đã bén lên bùng bùng. Anh đứng cạnh chị, đưa vỉ sườn đặt lên ngọn lửa. Thỉnh thoảng anh rướn người thơm nhẹ lên mái tóc khiến má chị ửng hồng…

Tiếng chuông điện thoại của anh vang lên trong phòng “Không xa đâu Trường Sa ơi…”, nghe nhạc chuông anh biết đơn vị gọi.

- A lô

- Dạ

Không biết đầu dây bên kia nói gì, chị chỉ nghe thấy tiếng anh to, rõ ràng và ngắn ngọn từng từ. Chị bước vào phòng, anh nhìn chị rồi kéo chị vào lòng:

- Anh phải về đơn vị.

Chị hiểu Trường Sa cần anh, Tổ quốc cần anh. Chị nhanh nhẹn gấp quần áo, tư trang cho anh. Anh qua chào ông bà nội, ngoại. Ngắm nhìn cô con gái nhỏ vẫn đang ngủ ngon, chưa kịp thức giấc để biết ba về; anh cúi xuống thơm nhẹ lên má con âu yếm. Tiếng còi xe giục giã ngoài cổng, anh bước thẳng lên xe.

Chị nhìn theo bóng anh, cho tới khi xe đơn vị đi khuất. Chị ngước nhìn đồng hồ, mới 2 tiếng trôi qua kể từ lúc anh về nhưng trong hoàn cảnh này, bao nhiêu đó cũng đủ khiến chị hạnh phúc.

Thương thấy cảm xúc trong mình thật lạ, lưu luyến đấy mà lại thúc giục lên đường. Nhớ ngày xưa, mỗi lần anh đi, chị đều hờn dỗi, đôi mắt đỏ hoe chỉ mong níu giữ anh được chút thời gian bên chị bao nhiêu hạnh phúc bấy nhiêu. Vậy mà lúc này, lần đầu tiên trái tim chị sẵn sàng để anh trở lại đơn vị, bên cạnh đồng đội anh, những người lính hải quân Trường Sa. Bởi với Thương, từ lâu Trường Sa đã là nhà, là quê hương của chị. Ngày còn nhỏ, khi ba Thương là một người lính trên đảo Trường Sa, chị đã cùng má hướng về nơi ấy như hướng về người ruột thịt của mình. Đến khi lấy chồng, anh cũng là một người lính Trường Sa. Như một lẽ tự nhiên, giờ chị và con gái chị hàng ngày, hàng giờ hướng về Trường Sa, mong từng tin tức và cầu chúc cho nơi ấy bình yên.

Thương nhớ lại, ngày còn con gái, chị đã từng một lần được tới Trường Sa thăm ba. Và cũng chính trên chuyến tàu ấy, chị đã gặp Trường, chồng chị bây giờ.

***

- Say sóng hả cô bé?

Mặc dù đang lơ mơ vì đầu óc bồng bềnh nhưng Thương vẫn nghe được tiếng nói của một nam giới đi cùng tàu. Chị đáp lại yếu ớt:

- Dạ.

- Đã từng đi biển lần nào chưa bé?

Thương không dám trả lời câu hỏi. Chị được sinh ra ở vùng biển miền Trung nhưng lại không biết bơi và sợ sóng. Ba, má Thương từng là những thanh niên bơi lặn giỏi nhất vùng… Nếu anh ta biết điều này thì Thương quê không để đâu cho hết. Nghĩ vậy Thương im lặng, không bắt chuyện để khỏi bị phát hiện.

- Anh tên Trường.

Trường hỏi thêm vài câu nữa nhưng không thấy cô bé trả lời. Anh bèn rời đi. Thấy vậy Thương mừng trong bụng. Thương cố mở mắt để hướng ra ngoài nhìn trời, nhìn nước. Biển xanh, trời xanh của Tổ quốc mênh mông và hùng vĩ. Đang thả hồn, Thương thấy một bàn tay chìa ra trước mặt chị một lọ nhỏ cùng lời mời:

- Em nhấm nháp cho đỡ say. Ruốc cá anh tự làm đó.

Thì ra đó là Trường, tưởng anh ta đi rồi chứ. Thương miễn cưỡng:

- Dạ thôi anh. Em mang nhiều đồ rồi mà. Anh giữ lại dùng.

- Em cứ thử đi. Đây là kinh nghiệm chống say sóng anh học được đó.

Trường vừa nói, vừa mở nắp hộp. Thương đành nhón một chút bỏ vô miệng. Mới chỉ nhấm nhấm Thương đã phải nhả ra ngay. Đầu lưỡi chị tê cứng, mặt phừng phừng, hai lỗ tai như xì khói, bởi chất cay mới vừa chạm tuyến nước bọt đã nhanh chóng lan tỏa. Người chị nóng bừng bừng, miệng cứng đơ, nói không rõ tiếng chỉ ú ớ:

- Nước…

Trường đưa Thương chai nước suối:

- Uống vô một ngụm đi em.

- Ruốc ớt hay sao mà cay khủng khiếp như vậy. Anh định chọc em hả.

- Không đâu, kinh nghiệm của người đi trước truyền lại đó. Cay sẽ giúp dạ dày tiêu hóa tốt hơn trước những đợt sóng lớn.

- Ruốc cá mà chỉ toàn thấy ớt không à.

- Thì ớt là chủ yếu, cá chỉ để đưa hơi cho tự tin thôi. Em không ăn được cay hả? Nghe giọng nói của em, anh đoán em là người miền Trung, ở đó ăn cay dữ lắm mà. Tưởng em ăn được cay nên anh dùng cách này, nếu không đã chọn cách khác cho nhẹ nhàng hơn.

- Anh đúng là ác thiệt.

- Nhưng anh thấy hiệu quả đó chứ. Từ chỗ em mệt mỏi không nói chuyện được, giờ em đã quên say sóng, phùng mang trợn má đối đáp lại anh.

Trường nhìn Thương lém lỉnh còn Thương tức giận quay đi rồi chìm vào giấc ngủ. Cho đến khi tiếng còi tàu hú vang báo hiệu chuẩn bị cập đảo, Thương mới choàng tỉnh dậy, vui mừng vì sắp được gặp ba. Một tháng trước, chờ có kết quả thi đậu đại học, Thương mới dám làm nũng má cho đi chuyến này. Từ trên boong tàu, Thương nhận ngay ra ba khi ông đang nheo mắt đứng đợi con gái. Đã 50 tuổi nhưng ba chị vẫn cường tráng như một thanh niên với nước da ngăm đen khỏe khoắn, thanh thoát trong bộ quân phục hải quân trắng. Má từng nhiều lần thủ thỉ với chị, chính màu áo giản dị và gần gũi ấy đã khiến má tin và thương mến ba ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đó cũng là lý do ba má đặt cho chị cái tên Thương, cô con gái đầu lòng. Thương giơ tay vẫy ba ríu rít như một đứa trẻ và khi tàu vừa cập đảo, chị rẽ đoàn người chạy ù tới chỗ ba. Ba ôm chặt chị vào lòng, không nói câu nào. Vừa lúc đó, có tiếng nói trầm ấm phía sau:

- Báo cáo thủ trưởng, tôi - trung úy Nguyễn Minh Trường đã có mặt.

Hai ba con cùng quay lại, thì ra là anh ta, Thương thì thầm - người vô duyên với món ruốc ớt. Tui còn ở đây cả tuần, rồi anh sẽ biết tay.

Trường thấy Thương, cười thân thiện:

- Trông cô bé khỏe ra nhiều rồi đó.

Thương không thèm liếc mắt nhìn Trường. Chị quay đi kéo ba vô để anh một mình tẽn tò.

***

- Ba cứ tưởng con phải say sóng lắm, nên chờ ngoài bến để dìu con vô. Trông con khỏe vậy ba mừng. Con gái ba hết bệnh say xe, say tàu thật rồi.

- Con cũng không biết nữa ba. Lúc đầu con say lắm, người lảo đảo, muốn chợp mắt một chút cho có sức mà cứ lờ đờ không sao ngủ được. Nhưng sau đó lại khác, ngủ ngon cho tới khi gặp ba nè.

- Con của ba gặp được thuốc tiên sao?

Ba nói vậy Thương chột dạ, có khi nào cái món ruốc ớt của anh ta đúng là giúp bớt say sóng thật. Chẳng lẽ mình trách nhầm anh ta. Nhưng rõ ràng sau đó chị thấy người nhẹ nhõm, đã có thể nhắm mắt ngủ được chứ không bồng bềnh mơ màng nữa. Thương kể lại cho ba suốt hành trình của mình, không quên kể về món ruốc ớt của Trường. Ba Thương nghe xong cười sảng khoái:

- Ha ha ha… Thằng bé lém lỉnh thật.

- Là sao ba, anh ta gạt con hả?

- Đúng là khi đi tàu xe chỉ nên ăn cay nóng nhưng đó không phải là cách chống say. Trường hay có lọ ớt bên mình vì nó liên quan tới một kỷ niệm. Đó là khi cậu ta lần đầu ra đảo đã bị sốt xuất huyết. Ba ngày liền cậu ta rét run từng cơn. Đơn vị định cho quay lại đất liền mà Trường không chịu, cứ một mực: “Đã là người lính, khi chưa hoàn thành nhiệm vụ thì dù chết cũng không quay về”.

Nói thế nào Trường cũng không chịu nên ba đành lấy kinh nghiệm của ông bà mình là dùng ớt cay chữa bệnh. Nhưng cậu ta là người Bắc, không quen ăn cay như người dân quê mình. Ba đành bảo anh nuôi, lúc đầu chỉ một trái xay nhỏ với cá cho vào cháo và nói với cậu ấy chỉ còn cách này, nếu không khỏi buộc phải chuyển về đất liền. Thấy vậy, cậu ta ăn ớt nhiều hơn. Có lúc vừa ăn vừa tung chăn nhảy tưng tưng, thật tội. Thế rồi một tuần sau, Trường khỏi hẳn. Giờ thì ăn cay ngang cơ ba nữa đó. Con gái ba hết say chắc nhờ tài ăn nói của cậu ấy đó…

- Ba này… anh ta vô duyên thấy mồ.

Nói vậy chứ Thương cười tủm tỉm. Tấm lòng người lính thật gần gũi, chân thành và giản dị khiến Thương thấy trái tim ấm áp như những người trong một gia đình. Sau chuyến Trường Sa trở về, Thương ghiền ăn ớt lúc nào cũng không hay.

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Truyện ngắn của Bạch Vân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast