Tàn phế sau tai nạn, mẹ đơn thân nuốt nước mắt thương con không cặp sách vào năm học mới

(Baohatinh.vn) - Trở thành tàn phế vì không có tiền chữa trị dứt điểm chân phải sau tai nạn, người mẹ đơn thân ở xã Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đành nuốt nước mắt nhìn con sắp vào năm học mới vẫn chưa có cặp, sách vở.

Trong ngôi nhà nhỏ của 3 mẹ con đơn thân, từ khi chị Hà Thị Khiêm (SN 1980, thôn Lai Lộc, xã Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên) bị tai nạn, mẹ chị - bà Nguyễn Thị Trường năm nay đã 74 tuổi về ở cùng để chăm con, chăm cháu.

Bà Trường kể, chị Khiêm là con út trong nhà, chăm chỉ, ngoan hiền nhưng từ nhỏ đã ốm đau, duyên phận không may mắn.

Tàn phế sau tai nạn, mẹ đơn thân nuốt nước mắt thương con không cặp sách vào năm học mới

Từ khi xảy ra tai nạn, cuộc sống của chị Khiêm chỉ diễn ra trên giường.

Từ khi chị Khiêm sinh 2 đứa con, bà cắt mảnh đất trong vườn cho 3 mẹ con làm ngôi nhà nhỏ sinh sống. “Từ lúc sinh con, nó có thêm động lực, chăm chỉ lao động, rồi còn làm thêm nghề bánh lá, bán khá đắt hàng. Tôi tưởng đã có thể an lòng. Thế mà, cuối tháng 7 năm ngoái, trên đường đi xay bột về làm bánh, không may con tôi bị tai nạn giao thông.

Hơn 1 năm sau vụ tai nạn, con vẫn không đứng dậy được. Tôi còn chút sức già, dù không làm được gì nhiều cũng bữa rau bữa cháo chăm con. Chỉ lo mình tuổi cao, ngày mỗi yếu, rồi mẹ con nó sống ra sao?” - bà Trường nói trong dòng nước mắt.

Tàn phế sau tai nạn, mẹ đơn thân nuốt nước mắt thương con không cặp sách vào năm học mới

Bà ngoại năm nay 74 tuổi trở thành chỗ dựa của gia đình người mẹ đơn thân.

Được biết, sau tai nạn, chân phải của chị Khiêm bị gãy 2 khúc. Vào nhập viện rồi mới biết chị vốn bị loãng xương nặng từ lâu. Cũng vì vậy, chấn thương càng phức tạp và việc điều trị, hồi phục đôi chân hết sức khó khăn.

Cả gia đình, xóm làng kêu gọi, gom góp cũng chỉ đủ cho những chuyến chi phí điều trị tạm thời. Còn lâu dài, theo các bác sỹ ở Bệnh viện Trung ương Huế, cần thực hiện kỹ thuật cao để điều trị dứt điểm tổn thương này.

“Nghe bác sỹ nói chỉ riêng số tiền kỹ thuật cao nằm ngoài danh mục bảo hiểm lên tới trên 30 triệu, nếu tính cả đi lại nhiều lần, thuốc thang, sinh hoạt, tổng số tiền còn lớn hơn nhiều, tôi đành xin về nhà lấy thuốc cầm cự qua ngày” - chị Khiêm chia sẻ.

Tàn phế sau tai nạn, mẹ đơn thân nuốt nước mắt thương con không cặp sách vào năm học mới

Sống chung với thuốc giảm đau là lựa chọn duy nhất của chị Khiêm trong lúc này.

Đôi chân không được điều trị, chị Khiêm không những mất khả năng lao động nuôi con mà còn thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau.

“Lúc không chịu nổi, tôi lại vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh truyền một đợt kháng sinh rồi lại lấy thuốc canxi, giảm đau về uống. Dùng các loại thuốc giảm đau thường xuyên nên nhiều bệnh khác phát sinh. Tôi bị tích nước sưng phù và thường xuyên bị đau dạ dày, những lúc đó bác sỹ lại cho thuốc chữa bệnh mới. Dù biết đây chỉ là giải pháp tình thế nhưng tôi cũng không còn cách nào hơn” - chị Khiêm nói.

Tàn phế sau tai nạn, mẹ đơn thân nuốt nước mắt thương con không cặp sách vào năm học mới

Số tiền làm lông mi giả không đủ để chị Khiêm mua thuốc cho bản thân mình.

Từ khi người mẹ đơn thân trở thành tàn phế, cuộc sống 3 mẹ con chỉ dựa vào mấy trăm ngàn trợ cấp cho người tàn tật và số tiền ít ỏi công làm lông mi giả mà chị Khiêm nhận theo đơn đặt hàng. Anh em, làng xóm thỉnh thoảng giúp thêm cho mẹ con ít thức ăn, nắm rau, bát gạo.

Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Thịnh Hà Thị Nhuần cho hay, chị Khiêm sống chan hòa, rất chịu khó, chăm chỉ và là hội viên có trách nhiệm. Được hội kết nối vay vốn để phát triển kinh tế, dù còn nghèo khó nhưng khi còn khỏe mạnh, chưa tháng nào chị để quá đồng tiền lãi.

May mắn là mới đây, qua kêu gọi của xã, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ sửa chữa ngôi nhà xập xệ của mẹ con trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu đôi chân không được chữa trị, hồi phục phần nào thì cuộc sống của mẹ con còn vô cùng khó khăn, nhất là việc học hành của các cháu.

Tàn phế sau tai nạn, mẹ đơn thân nuốt nước mắt thương con không cặp sách vào năm học mới

Năm nay cháu Bình vào lớp 2. Chiếc cặp sách đã rách, sách giáo khoa mới mẹ chưa có tiền mua sắm.

“Chuẩn bị vào năm học mới, em nhỏ (Hà Thị Phương, SN 2017 - PV) học mầm non thì chưa lo, nhưng cháu đầu (Hà Thị Bình, SN 2013 - PV) vào lớp 2 hiện vẫn chưa có cặp, sách, chưa có bộ quần áo mới.

Nhìn con, lòng tôi cồn cào như lửa đốt. Cầu mong cộng đồng, các nhà hảo tâm giúp tôi chữa trị đôi chân để trở lại với nghề bánh lá, với ruộng vườn để nuôi các con ăn học, trưởng thành” - chị Khiêm gửi gắm.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Chị Hà Thị Khiêm, thôn Lai Lộc, xã Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, SĐT: 0334615730; hoặc Báo Hà Tĩnh, số 223 Nguyễn Huy Tự, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh, số tài khoản: 0201000445566, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) - Chi nhánh Hà Tĩnh.

Chủ đề Địa chỉ tình thương

Chủ đề Nhịp cầu nhân ái

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast