Gồng mình chống chọi!

Vốn được coi là “xương sống” của kinh tế tỉnh nhà, nhưng lạm phát, suy giảm kinh tế kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) cảm thấy hụt hơi. Sự đuối sức nhanh chóng xuất phát từ những lỗ hổng bấy lâu nay trong đội ngũ DN. Quyết tâm “cứu” DN bằng mọi cách, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp...

Doanh nghiệp thời suy giảm kinh tế

Chông chênh như “kiềng 2 chân”

Bí thư Đảng ủy Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Thủy Bùi Trần Hoàn không thể nhớ hết những giai đoạn hoàng kim của nhà máy, nhưng “mốc son” về việc đầu tư ồ ạt lại rõ mồn một trong ký ức. “Từ năm 2005-2008, Công ty triển khai đồng loạt 79 gói thầu với tổng mức đầu tư 924 tỷ đồng. “Khúc dạo đầu” về khủng hoảng kinh tế vào năm 2008 cũng đánh dấu sự tuột dốc không phanh của Công ty”. Theo điều tra của chúng tôi, năm 2011, Công ty lỗ 20 tỷ đồng; năm 2012, tổng doanh thu của Công ty đạt 36 tỷ đồng nhưng chi phí mất gấp đôi.

Vấn đề ổn định sản xuất, GQVL cho người lao động tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Thủy hiện đang là bài toán chưa có lời giải.
Vấn đề ổn định sản xuất, GQVL cho người lao động tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Thủy hiện đang là bài toán chưa có lời giải.

Cuối năm 2012, Công ty đã tiếp cận được với nhà thầu Sam Sung thuộc dự án FORMOSA. Nhà thầu này lập tức ký kết hợp đồng với Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Thủy đóng 7 con tàu công suất từ 900-1.800 tấn. Thế nhưng, cơ hội đã tuột khỏi tầm tay. 4 chiếc tàu sau khi hoàn thành đã không thể bàn giao được vì không đảm bảo yêu cầu của chủ đầu tư. Cho đến nay, mọi việc vẫn dẫm chân tại chỗ vì “không thể vay thêm được vốn ở các ngân hàng nữa. Tất cả những gì thế chấp được, chúng tôi đã “ném” hết vào các ngân hàng” - ông Hoàn thừa nhận.

Sau chuỗi thành công, giờ đây, Mitraco Hà Tĩnh cũng đang gánh những nỗi lo triền miên. Với tổng doanh thu đạt được trong năm 2012 là 1.256 tỷ đồng (110%) kế hoạch đặt ra thì mục tiêu 1.300 tỷ đồng trong năm 2013 là con số không xa; nhưng với những rào cản mang tính đặc thù thì rất khó hoàn thành. Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn chưa cho phép xuất khẩu khoáng sản thô trong khi lượng hàng tồn kho của Mitraco vẫn còn trên 300 tỷ đồng.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó, “giá cả thị trường trong nước giảm mạnh, thậm chí sản phẩm zircon siêu mịn giảm thấp hơn ½ so với cùng kỳ năm trước. Đã thế, sản phẩm này tiêu thụ cũng rất khó, bởi do khó khăn về tài chính nên đối tác lấy hàng nhỏ giọt, trong khi đó, đối tác nước ngoài liên tục tung “chiêu” chào hàng giá rẻ” - Tổng Giám đốc Mitraco Dương Tất Thắng chia sẻ.

Chủ nợ cũng là… con nợ

Cơn “bão” lạm phát tràn qua, rồi suy thoái kinh tế kéo dài, khiến DN ngày càng bế tắc. DN vừa là những chủ nợ “bất đắc dĩ” đối với chủ đầu tư, đối tác, bạn hàng, nhưng cũng là những “con nợ” của ngân hàng, BHXH, thuế… Mặc dù không được công bố chính thức nhưng theo một nguồn tin đáng tin cậy, ở thời điểm hiện tại có khoảng 30-40 DN nợ ngân hàng lên đến cả chục tỷ đồng.

Năm 2012, Nhà máy Gạch Cẩm Minh chỉ hoạt động vỏn vẹn 3 tháng
Năm 2012, Nhà máy Gạch Cẩm Minh chỉ hoạt động vỏn vẹn 3 tháng

Trong số 25 DN nợ BHXH từ 3 tháng trở lên tính đến cuối tháng 2/2013 có các DN từng “ăn nên làm ra”, như: Công ty Tư vấn và Xây dựng Thành Sen, Công ty Đầu tư và Xây dựng Hà Thành… Có những DN nợ thuế trên dưới 5 tỷ đồng như: Công ty Sắt Vũ Quang, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Thủy…

Ngược lại, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại có hơn 1.000 tỷ đồng chủ đầu tư là huyện, xã trong toàn tỉnh đang nợ DN, trong đó huyện Đức Thọ nợ 170 tỷ đồng, Hương Khê 85 tỷ đồng…

Cho đến nay vẫn chưa có con số thông báo chính thức từ BHXH về số DN nợ và với số tiền bao nhiêu? Chỉ có điều trong số hàng chục DN nợ BHXH có rất nhiều DN “chây ỳ” nhiều năm. Trong số 3.407 DN và HTX chỉ có khoảng 1.200 DN đóng nộp BHXH. 974 DN ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản chưa phải là con số cuối cùng. Mặc dù không còn “sức đề kháng” nhưng DN vẫn mặc nhiên tồn tại để giải quyết những tồn đọng và thu hồi những món nợ… khó đòi.

Người lao động mòn mỏi trông… việc làm

Đã qua rồi thời hoàng kim với 861 CBCNV, đến nay, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Thủy chỉ còn lại 316 người. Không chỉ nợ lương mà Công ty còn nợ BHXH 32 tháng của 253 lao động với tổng số tiền xấp xỉ 6 tỷ đồng! Người lao động lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan” - đi cũng dở, ở không xong. “Mắt xích” nối họ gắn bó với DN hiện nay chính là các khoản BHXH, BHYT… đang “treo” lơ lửng!

Tuy thu nhập không cao nhưng công nhân Công ty CP May Hà Tĩnh vẫn an tâm vì có việc làm thường xuyên trong thời khủng hoảng
Tuy thu nhập không cao nhưng công nhân Công ty CP May Hà Tĩnh vẫn an tâm vì có việc làm thường xuyên trong thời khủng hoảng

Công ty CP Sắt Vũ Quang từ tháng 7/2012 đến nay, lượng hàng tồn kho đã lên đến 150 tỷ đồng, trong khi đó, Công ty còn nợ ngân hàng 80 tỷ đồng. Hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, khiến 221 lao động không có việc làm. Ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn, trong số 330 lao động, đã có hơn 100 người mất việc. Còn Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hà Tĩnh, từ chỗ 150 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/ tháng, hiện chỉ còn khoảng 70 lao động tồn tại một cách hắt hiu.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 7.000 lao động trong toàn bộ khối DN mất việc làm. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính những người trong cuộc thì con số này chưa phản ánh đầy đủ và chính xác. Đơn giản là “chỉ có 265 tổ chức công đoàn trong các DN nên rất khó thống kê” - Trưởng ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Trọng đánh giá. Người lao động bị mất việc làm trong DN xảy ra ở hầu hết lĩnh vực SXKD, nhưng nhiều nhất là ở các đơn vị liên quan đến hoạt động xây lắp, xây dựng, xuất khẩu. TP Hà Tĩnh, Hương Sơn là những địa phương có số lượng DN bị ảnh hưởng nhiều nhất.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast