Thành phố Hà Tĩnh đầu tư nâng cao chất lượng tin học và ngoại ngữ

Trong thời gian qua, thành phố Hà Tĩnh đã không ngừng đầu tư trang thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tin học và ngoại ngữ trên địa bàn. Điều này đã góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của ngành giáo dục

Trường Tiểu học Đại Nài đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảng dạy, học tập
Trường Tiểu học Đại Nài đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảng dạy, học tập

Có thể nói thành phố Hà Tĩnh đã đi trước một bước trong việc nâng cao chất lượng tin học và ngoại ngữ. Ngay từ năm 2008, thành phố đã triển khai thực hiện đề án: “Nâng cao chất lượng tin học và ngoại ngữ” và đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền đoàn thể, các trường học hưởng ứng mạnh mẽ, và điều quan trong là được người dân quan tâm, ủng hộ. Còn nhớ, khi bắt đầu thực hiện đề án còn gặp rất nhiều khó khăn, toàn thành phố mới chỉ có 20 phòng máy, số lượng máy tính chỉ đạt 15 máy/phòng và chưa kết nối mạng nội bộ, mạng Internet.

Trước tình hình đó, thành phố đã tranh thủ hổ trợ của các ngành, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt huy động trong phụ huynh học sinh theo để trang bị các thiết bị ứng dụng CNTT trong dạy học. Chỉ trong thời gian 3 năm, tổng số tiền huy động cho xây dựng phòng tin học, phòng ngoại ngữ, và trang thiết bị giảng dạy ngoại ngữ, thiết bị ứng dụng CNTT đạt gần 10 tỷ đồng, trong đó huy động ngân sách địa phương và xã hội hoá đã chiếm tỷ lệ gần 95% giá trị đầu tư. Đó là một số tiền khá lớn để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị để phục vụ công tác giảng dạy và học tập.

Từ nguồn tiền này, các trường đã xây dựng hàng chục phòng học ngoại ngữ, phòng vi tính, trang bị các thiết bị nghe, nhìn như: máy chiếu projector, máy tính xách tay, màn hình LCD cở lớn, máy cassette, đầu đĩa DVD, hệ thống âm thanh… Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 5 trường đã có phòng học ngoại ngữ, 100% trường tiểu học, THCS có phòng máy vi tính để dạy học tin học, trong đó có 6 trường có 2 phòng máy, số lượng phòng máy ở các trường tiểu học đạt 18/phòng, ở các trường THCS đạt 24 máy/phòng. Toàn ngành giáo dục có gần 100 bộ máy chiếu – máy tính xách tay, 100% trường có máy cassette, đầu đĩa DVD, TV.

Song song với việc huy động xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị thì công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên cũng được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong thời gian qua, thành phố đã phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước để tổ chức 6 khoá bồi dưỡng giáo viên tin học và ngoại ngữ, với 150 lượt người tham gia. Riêng trong 2 năm học gần đây, thành phố đã tổ chức 2 khoá bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh nhằm nâng cao năng lực ngôn ngữ theo chương trình FCE, đặc biệt phối hợp với Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) tổ chức thi khảo sát cho 38 giáo viên tiếng Anh và đã có 34 giáo viên được cấp chứng chỉ B1, B2. Chứng chỉ B1, B2 được đánh giá năng lực ngôn ngữ theo khung tham chiếu Châu Âu.

Ngoài các khoá đào tạo tập trung, thành phố còn triển khai 2 chuyên đề ứng dụng CNTT. Hàng năm, các trường tiểu học, THCS đều tổ chức các chuyên đề, tập huấn về tin học thực hành cơ bản, thực hành ứng dụng CNTT, đổi mới phương pháp dạy học. Thông qua các lớp, các đợt tập huấn, bồi dưỡng mang tính thường xuyên đó nên chất lượng giáo viên tiếng Anh cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học ngoại ngữ, kỹ năng thực hành, giao tiếp của giáo viên được tăng lên đáng kể và phương pháp tổ chức dạy học được đổi mới theo hướng tiếp cận phương pháp tiên tiến. Trao đổi với chúng tôi, thấy giáo Nguyễn Hữu Nghĩa – Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Triển khai đề án Nâng cao chất lượng tin học và ngoại ngữ đã phát huy được tính xã hội hoá rất cao. Từ đó đã đầu tư xây dựng nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, học tập và chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên”.

Khi có đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập, thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng tin học, ngoại ngữ. Đến nay, thành phố đã có 100% trường tổ chức học ngoại ngữ cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Có 1 trường tiểu học, 1 trường THCS thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh mới theo đề án của Bội GD-ĐT, 15 trường tiểu học thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường 4 tiết/tuần cho học sinh từ lớp 3, lớp 4…Việc đa dạng hoá phương thức tổ chức dạy học và các hình thức hoạt động ngoài giờ lên lớp đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh. Thời gian qua, thành phố luôn là đơn vị dẫn đầu của tỉnh về chất lượng đại trà và cả chất lượng mũi nhọn. Trong 2 năm gần đây, thành phố đã có 28 học sinh đạt giải Quốc gia, 69 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh.

Và về tin học, đến nay 100% trường tiếp tục tổ chức dạy học dưới hình thức môn tự chọn, dạy nghề tin học. Học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 đều được tiếp cận, làm quen với máy tính và tin học cơ bản đến nâng cao. Hoạt động dạy học tin học đã hỗ trợ tốt cho các ứng dụng CNTT của học sinh như tham gia các cuộc thi trực tuyến, tin học trẻ,… Trong 3 năm gần đây, thành phố đã có 12 học sinh đạt giải cấp tỉnh, 2 học sinh đạt giải cấp quốc gia cuộc thi tin học trẻ.

Và đặc biệt, hiện nay, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã kết nối internet, 100% trường tiểu học và THCS nối mạng nội bộ. Hệ thống phần mền quản lý giáo dục đang vận hành có hiệu quả, vấn đề quản lý nhân sự, tài chính sản sản, học sinh, thư viện, phổ cấp giáo dục đều được tin học hoá, góp phần nâng cao hiệu quả công việc. Ngoài ra, đến nay, 100% trường tiểu học, THCS cũng đã được chuyển giao phần mềm hỗ trợ giao viên trong soạn giáo án, ra đề thi, sắp xếp thời khoá biểu,… góp phần tăng năng suất, hiệu quả lao động của người giáo viên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast