Viết sách lịch sử phảI tôn trọng sự thật

Ngày 12-5 năm 2009, xã Xuân Hồng (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) xuất bản cuốn sách: "Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Hồng (1930-2005)". Cuốn sách sau đó được đông đảo bạn đọc quan tâm, đặc biệt là đối với những người con quê hương đang sống và làm việc trên khắp mọi miền của đất nước. Tuy nhiên cuốn lịch sử này cũng thực sự gây “sốc” đối với một trong những nhân chứng còn sống khi có một vài sự thật bị bóp méo. Khi vụ việc được phát giác, người chủ biên chịu trách nhiệm xuất bản lại tìm mọi cách né tránh

Bìa cuốn sách "Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Xuân Hồng".
Bìa cuốn sách "Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Xuân Hồng".

Dày 200 trang, có thể nói cuốn sách lịch sử phản ánh khá đầy đủ và toàn diện bức tranh về quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Hồng (Nghi Xuân). Với Ban Chỉ đạo Biên tập và những cây bút không “chuyên” tham gia biên soạn cuốn lịch sử thì đó cũng là một nỗ lực rất lớn trong việc tìm hiểu, thu thập thông tin nhằm đáp ứng mong mỏi của đông đảo độc giả. Điểm nổi bật bao trùm lên toàn bộ cuốn lịch sử chính là cách trình bày, sắp xếp bố cục đều có sự chọn lọc kỹ càng.

Ngoại trừ giai đoạn từ 1964 -1975, cuộc chiến tranh chống Mỹ đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất nhưng trong sách không đề cập. Có lẽ do không thu thập được tư liệu nên cả người viết và người biên soạn đã bỏ ngỏ. Điều này thật dễ hiểu bởi rất khó để sưu tầm và biên soạn một cuốn sách với đầy đủ các thông tin liên quan trong chặng đường 75 năm. Bên cạnh ưu điểm nổi bật, cuốn sách lịch sự cũng bộc lộ những hạn chế. Trong phần phụ lục còn sót họ tên của một cán bộ chủ chốt xã Xuân Hồng là Phó Chủ tịch ủy ban Hành chính Kháng chiến xã Xuân Hồng năm 1948

Nhưng nguy hại nhất là nhóm biên soạn đã viết sai sự thật, ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của một trong những nhân chứng lịch sử quan trọng nhất, đó là cụ Trần Tự Trân - Lý trưởng thôn Tam Xuân Thượng.

Ơ tuổi 93, nhưng cụ Trân vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. 65 năm đã trôi qua nhưng cụ vẫn còn nhớ như in lời căn dặn của người bạn quá cố sáng ngày 17-8-1945 (cụ Nguyễn Năm cán bộ năm 30-31 làng Yên Trừng): "Tình hình thay đổi rồi, anh vận động nhân dân xuống huyện cướp chính quyền".

Lập tức chiều hôm đó, cụ Trân cho đánh mõ rao khắp làng thông báo cho bà con nhân dân trong thôn biết. Sáng ngày 18- 9, đích thân cụ Trân đánh 3 hồi, 9 tiếng trống rồi cùng bà con nhân dân kéo nhau xuống huyện tham gia cướp chính quyền.

Trang 56- trang viết sai sự thật lịch sử về cụ Trần Tự Trân
Trang 56- trang viết sai sự thật lịch sử về cụ Trần Tự Trân

Thế nhưng ở trang 56 của cuốn sách lại viết: Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 19-8-1945, đồng chí Thân Quốc Bảy chỉ huy hơn 200 quần chúng ở các xã Tam Xuân Thượng và Tam Xuân Hạ dương cao ngọn cờ đỏ sao vàng, khẩn trương kéo xuống huyện lỵ, dọc đường họ bắt gặp một số người dân trong xã Tam Xuân Thượng trên đường xuống đi kiện lý trưởng được người chỉ huy vận động, họ tình nguyện gia nhập vào đoàn biểu tình

Phần chú thích ghi: "Lý trưởng Tam Xuân Thượng là Trần Tự Trân nổi tiếng xảo quyệt trong việc vơ vét công quỹ, kìm kẹp, hống hách với nhân dân nên bị dân trong xã đi kiện" . Rất dễ nhận thấy điều mâu thẫn trên cụm từ trên. Phần trên phản ánh khí thế đấu tranh hừng hực của người dân, nhưng phần dưới lại được người chỉ huy vận động khiến người độc giả rơi vào “mê hồn trận” không thể hiểu nổi đâu là sự thật. Tiếp đó, trước uy thế của Việt Minh, các tên lý trưởng Đoàn Trinh và Võ Trọng Lạng cúi đầu làm theo mệnh lệnh của Việt Minh. Riêng lý trưởng Tam Xuân Thượng là Trần Tự Trân lúc đầu còn do dự, im lặng, có ý lẫn tránh trách nhiệm nhưng liền bị tự vệ uy hiếp cuối cùng y phải làm theo mệnh lệnh của Việt Minh. Trong khi Trần Tự Trân còn chần chừ chưa chịu đánh trống điểm mục họp dân thì ông Sửu Thấu một người hăng hái đã ra đình nổi trống.

Những dòng chữ này đã thực sự gây “sốc” với cụ Trân và người thân trong gia đình. “ một sự vu khống, bịa đặt không thể chấp nhận được. Trống được đặt ngay tại nhà tôi và do tôi đánh chứ không phải ai khác” cụ Trân khẳng định.

Không chỉ sai lệch về bản chất vụ việc, ở cụm từ này, tác giả đã sử dụng từ miệt thị. Nên nhớ y và thị là cách nói thông thường không nằm trong hệ thống văn bản pháp quy và chỉ được sử dụng đối với các đối tượng sau khi bản án đã được tuyên. Cụ Trần Tự Trân chỉ làm lý trưởng thôn Tam Xuân Hạ (xã Xuân Hồng) 6 tháng trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Theo lời kể của cụ thì trong khoảng thời gian đó cụ chỉ làm nhiệm vụ thu thuế của dân rồi nộp vào cho Nhà nước (Phong kiến), chứ không hề làm gì sai trái đối với nhân dân. Tháng 10-1945, cụ được giữ chức vụ Trung đội trưởng dân quân do xã cử, năm 1948 cụ đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch ủy ban hành chính kháng chiến xã Xuân Hồng

Trong suốt chặng đường 30 năm, kể từ khi CMTT thành công, cụ Trân đã có những cống hiến to lớn đối với quê hương đất nước. 20 năm cụ đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng tiểu học các xã: Xuân Viên, Xuân Mỹ, Xuân Giang2. Cụ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như:

‘Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất “. huy hiệu “vì sự nghiệp giáo dục”, được suy tôn danh hiệu “Nhà giáo vẻ vang”.

7 người con của cụ đêu thành đạt, trong đó có 1 liệt sỹ hy sinh năm 1972, hai quân nhân đang tại ngũ..

Không chấp nhận việc thanh danh của cụ và gia đình bị bôi nhọ, ngày 27-10-2009, anh Trần Cao Văn, con trai cụ hiện đang công tác tại trường quân sự Quân khu 4 đã gửi đơn kiến nghị đến Đảng ủy xã Xuân Hồng, Huyện ủy huyện Nghi Xuân.

Ngày 11-5-2010 đảng ủy xã Xuân Hồng có công văn phúc đáp số 03 do Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hồng, ông Nguyễn Ngọc Nghĩa - chủ biên cuốn sách ký, về việc trả lời đơn thư khiếu nại của cụ Trần Tử Trân với những lời lẽ trịch thượng: “Qua thực tế lịch sử, cụ cũng phải thừa nhận với chúng tôi rằng, những người đúng ra làm việc phục vụ cho chế độ cũ, được chế độ đó bảo hộ, tất nhiên là phải theo sự cai quản của chúng. Không chỉ vậy, người chủ biên một lần nữa khẳng định tiếng trống đánh vào thời khắc thiêng liêng đó là do ông Sửu Thấu đánh. Trớ trêu là đoạn trước của công văn lại ghi phần lớn cuốn sách dựa vào ý kiến của những bậc cao niên nên …nhớ không hết, mong đồng bào, đồng chí …tiếp tục đóng góp ý kiến.

Có một nghịch lý là khi làm việc với chúng tôi, ông Nghĩa khẳng định trước khi xuất bản cuốn sách, chúng tôi đã tổ chức nhiều lần hội thảo lấy ý kiến của cán bộ đảng viên và được họ đồng tình, đồng thời căn cứ vào lời kể của cụ Trân. Thế nhưng bút tích của nhiều người lại khẳng định qua hai lần hội thảo, họ không hề thấy tên cụ Trần Tự Trân. Như vậy, có thể nhận thấy tên cụ Trân được xuất hiện ở cuốn sách có sự sắp xếp của người chủ biên. Còn cụ Trân cho rằng trong quá trình làm sách không có ai gặp cụ.

Sách viết về lịch sử có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục các thế hệ nối tiếp về một chằng đường vẻ vang của địa phương, vì vậy những thông tin khách quan trung thực về địa điểm, thời gian, sự kiện, nhân chứng là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên khi những yếu tố này bị xem nhẹ thì việc phản tác dụng là điều khó tránh khỏi. Để làm rõ vụ việc, đồng thời trả lại thanh danh cho một gia đình có công với cách mạng, đề nghị Lãnh đạo huyện Nghi Xuân sớm điều tra làm rõ vụ việc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast