Vinamilk kiến nghị Quốc hội tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển

(Baohatinh.vn) - Đoàn công tác của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn vừa có chuyến thăm, đến làm việc với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Vinamilk kiến nghị Quốc hội tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển ảnh 1

Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, lãnh đạo Vinamilk đã báo cáo với đoàn kết quả thực hiện đề án cổ phần hóa từ năm 2003, kết quả sản xuất kinh doanh sau khi cổ phần hóa đến nay, những khó khăn tồn tại cần được tháo gỡ về cơ chế chính sách.

Trong 12 năm kể từ khi cổ phần hóa (cuối năm 2003), Vinamilk đã đạt được những kết quả ấn tượng. Năm 2004 - một năm sau khi Vinamilk cổ phần hóa, doanh thu của công ty là 4,227 tỷ đồng thì đến năm 2014, sau 10 năm cổ phần hóa, tổng doanh thu của Vinamilk đã đạt 34.977 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân về mặt doanh thu khoảng 22% mỗi năm, tăng gấp 8,3 lần so với năm 2004, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước là gần 19.000 tỷ đồng. Kế hoạch doanh thu của Vinamilk đã được Đại hội Cổ đông thông qua trong năm 2015 sẽ đạt 38.424 tỷ đồng.

Về vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của Vinamilk cũng tăng trưởng mạnh và tốt, tăng gấp 10 lần so với năm 2004. Trong đó, vốn điều lệ của công ty tăng từ 1.569 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường của Vinamilk hiện nay khoảng hơn 5 tỷ USD, đứng thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau 10 năm cổ phần hóa.

Vinamilk kiến nghị Quốc hội tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển ảnh 2

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc

Vinamilk hiện cũng là công ty sữa lớn nhất Việt Nam và nắm giữ hơn 50% thị phần với một danh mục sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu khách hàng ở mọi lứa tuổi như: sữa nước, sữa chua uống, sữa chua ăn, sữa bột và bột dinh dưỡng, sữa đặc, kem, nước giải khát… Hiện Vinamilk chiếm khoảng 53% thị phần ngành hàng sữa nước, 84% thị phần sữa chua và 80% thị phần sữa đặc. Vinamilk cũng có hệ thống phân phối bán hàng rộng khắp Việt Nam, sản phẩm Vinamilk hiện có mặt tại hơn 212.000 điểm bán lẻ, 100 cửa hàng giới thiệu sản phẩm của chính công ty, và 650 siêu thị trên toàn quốc.

Không chỉ lớn mạnh ở thị trường trong nước, Vinamilk còn không ngừng phát triển thị trường xuất khẩu. Hiện Vinamilk đã xuất sản phẩm đi hơn 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng hơn 200 triệu USD Mỹ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Đông và Châu Á. Vinamilk đang tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường sang Châu Âu, Châu Phi, Nam Mỹ,… Doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ lệ từ 8% - 24% tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk. Tốc độ tăng trưởng bình quân của xuất khẩu là 17%/năm trong 10 năm qua. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sữa bột và sữa đặc.

Về việc phát triển vùng nguyên liệu, hiện nay, tổng đàn bò bao gồm từ trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là hơn 90.000 con bò, mỗi ngày cung cấp khoảng 650 tấn sữa bò tươi nguyên liệu. Vinamilk hiện có 7 trang trại đang hoạt động và đang xây dựng 2 trang trại mới với qui mô tổng đàn khoảng 24.000 con. Tất cả bò của Vinamilk là bò cao sản và được nhập hầu hết từ Úc, Mỹ. Sản lượng và giá trị Vinamilk thu mua sữa tươi nguyên liệu cho nông dân trong nước cũng liên tục tăng cao. Mức tăng trưởng bình quân hàng năm trong 8 năm (từ năm 2007 đến năm 2014) là 8,4% về sản lượng và 21,8% về giá trị. Tổng số tiền Vinamilk trợ giá cho nông dân làm thay vai trò của Nhà nước trong 8 năm này là gần 1.900 tỷ đồng.

Không chỉ quan tâm đến sản xuất kinh doanh, Vinamilk đã và đang tham gia rất tích cực vào các hoạt động cộng đồng. Trong rất nhiều hoạt động gần 40 năm qua, có nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn như: chương trình “Sữa học đường”, Quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam”, Quỹ “Một triệu cây xanh cho Việt Nam”.

Chương trình sữa học đường (SHĐ) có ý nghĩa rất lớn mang tầm quốc gia. Chương trình được thực hiện nhằm nâng cao thể chất, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em, hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ của người Việt Nam. Vinamilk thực hiện chương trình SHĐ đầu tiên trên cả nước vào năm 2007 tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Tiếp đó, Vinamilk tiếp tục triển khai chương trình SHĐ tại Bắc Ninh từ năm học 2013-2014 (đây cũng là tỉnh phía Bắc đầu tiên thực hiện chương trình này) và tại Đồng Nai năm 2014. Chương trình được triển khai trên cơ sở ngân sách địa phương hỗ trợ 50%, 50% chi phí còn lại do phụ huynh học sinh và Vinamilk đóng góp. Vinamilk chịu trách nhiệm sản xuất phi lợi nhuận và chuyên chở đến tận các trường học.

Quỹ sữa Vươn Cao Việt Nam được thành lập từ năm 2008, dưới sự chủ trì của Quỹ BTTEVN - Bộ LĐTBXH cùng phối hợp với Vinamilk là một chương trình hết sức có ý nghĩa về nhân văn. Quỹ sữa Vươn Cao Việt Nam được thành lập nhằm mục đích hướng đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước, với hành động tưởng chừng như đơn giản nhưng lại hết sức thiết thực - trao tận tay các em những ly sữa bổ dưỡng nhằm góp phần giúp các em có được cơ hội phát triển toàn diện hơn về thể chất và trí tuệ để có một tương lai tươi sáng hơn. Tính đến nay tổng số lượng sữa mà Quỹ sữa đã đem đến cho hơn 333 ngàn trẻ em khó khăn tại Việt Nam trong 8 năm hoạt động là gần 26 triệu ly sữa, tương đương khoảng 94 tỷ đồng.

Vinamilk còn phối hợp Tổng cục Môi trường (VEA) triển khai Chương trình Quỹ “1 triệu cây xanh cho Việt Nam”. Từ năm 2012 đến 2014, chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam đã tổ chức trồng cây tại 11 tỉnh thành trên toàn quốc với tổng số gần 150.000 cây xanh các loại tại nhiều địa phương trong cả nước, với mục tiêu cải thiện môi trường sống xanh, sạch cho người dân Việt Nam.

Bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk báo cáo với đoàn công tác về kết quả thực hiện Đề án cổ phần hóa Vinamilk từ năm 2003 đến nay.

Bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk báo cáo với đoàn công tác về kết quả thực hiện Đề án cổ phần hóa Vinamilk từ năm 2003 đến nay.

Theo yêu cầu của Ủy ban Kinh tế và đoàn công tác của Quốc hội, lãnh đạo Vinamilk cũng đã chia sẻ những vướng mắc, khó khăn hiện tại của công ty về cơ chế chính sách và kiến nghị: Vinamilk là một công ty cổ phần đại chúng niêm yết có vốn đầu tư của nhà nước, mong muốn có một cơ chế quản lý vốn nhà nước được vận hành phù hợp Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Điều lệ công ty và các thực hành quản trị tốt.

Vinamilk kiến nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ đạo xem xét sửa đổi Quy chế Người đại diện vốn nhà nước cho đúng với Nghị định 99/2012/NĐ-CP và Thông tư 21/2014/TT-BTC của Chính phủ và Bộ Tài chính ban hành. Trong đó, vai trò của Người đại diện, vai trò thành viên HĐQT và mối quan hệ với doanh nghiệp có vốn đầu tư được xác lập và thực hiện một cách phù hợp, tách bạch và rõ ràng trên cơ sở tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc của pháp luật, đảm bảo quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, tránh cơ chế xin cho và làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp cổ phần có vốn của Nhà nước.

Đồng thời, theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 sẽ có hiệu lực vào 01/07/2015, có quy định Người đại diện phải báo cáo, xin ý kiến của doanh nghiệp cử đại diện trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên trong tất cả các trường hợp mà không có sự phân chia về tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước như Nghị định 99 và Thông tư 21. Điều này sẽ tiếp tục dẫn đến các khó khăn cho doanh nghiệp như đã nêu trên.

Vinamilk mong Quốc hội xem xét lại điều khoản này để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay cho doanh nghiệp trước khi Luật này có hiệu lực và áp dụng vào thực tiễn. Xem xét về tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước trong công ty cổ phần ở một mức hợp lý để hài hòa lợi ích các bên liên quan, đặc biệt là trong các công ty cổ phần đang có tỷ lệ vốn nhà nước lớn mà Nhà nước không cần nắm giữ tỷ lệ vốn lớn như ngành sữa, thực phẩm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast