Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cấp bách đối phó rét đậm, rét hại

(Baohatinh.vn) - Những ngày qua, không khí lạnh đã ảnh hưởng mạnh đến sản xuất và đời sống trên địa bàn Hà Tĩnh với nền nhiệt độ thấp nhất từ 10 - 12oC. Và, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, thời tiết còn diễn biến phức tạp khi tiếp tục chịu ảnh hưởng của các đợt rét đậm, rét hại.

Trong khi đó, tính đến ngày 10/1/2018, toàn tỉnh đã bắc 528,3ha mạ (tương ứng với diện tích cấy khoảng 9.319ha), gieo thẳng 150ha; đặc biệt, một số địa phương vẫn còn hiện tượng trâu bò thả rông, bắt trâu bò làm việc những ngày nhiệt độ dưới 13oC.

chu tich ubnd tinh chi dao cap bach doi pho ret dam ret hai

Cách làm sáng tạo này của người dân vùng thượng Kỳ Anh vừa giúp chống rét, vừa nâng cao khả năng sinh trưởng cho cây mạ.

Để chủ động đối phó với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện/thành phố/thị xã, Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc Sở GD&ĐT tổ chức thực hiện tốt các nội dung quan trọng.

Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Phòng GD&ĐT, Phòng NN&PTNT, các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ sở giáo dục trên địa bàn khẩn trương chỉ đạo các cơ sở giáo dục (nhất là các cơ sở mầm non, tiểu học, các cơ sở có tổ chức học bán trú, các cơ sở vùng sâu, vùng xa, miền núi...) thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống rét, đảm bảo sức khỏe và việc học tập cho học sinh trên địa bàn; sửa chữa, che chắn phòng học, các khu chức năng, thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn gia đình và các em học sinh giữ ấm, đảm bảo sức khỏe; có biện pháp hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các cháu mầm non, tiểu học phòng, chống rét trong những ngày rét đậm, rét hại; thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến thời tiết để kịp thời thông báo cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống thấp theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TU ngày 02/01/2018 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp năm 2018; Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 08/12/2017 và Công điện số 25/CĐ-UBND ngày 20/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tập trung chỉ đạo phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành nông nghiệp.

Chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát đồng ruộng, kiểm tra và bổ cứu kịp thời công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi; cân đối, chủ động các phương án đảm bảo nguồn giống cây trồng, tuyệt đối không được để thiếu giống phục vụ sản xuất; có kế hoạch chuẩn bị giống ngắn ngày dự phòng trong điều kiện rét đậm, rét hại kéo dài gây chết mạ, chết lúa gieo thẳng; xiết chặt công tác quản lý nhà nước về việc kinh doanh vật tư nông nghiệp, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Tập trung chỉ đạo hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi.

Giao Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi; phân công lãnh đạo và cán bộ chuyên môn bam sát cơ sở; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các biện pháp tại các địa phương để kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo.

Giám đốc Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các địa phương có các giải pháp đồng bộ trong việc phòng, chống rét, đảm bảo việc học tập và sức khỏe cho học sinh trên địa bàn; chỉ đạo các cơ sở giáo dục thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn học sinh giữ ấm, có biện pháp hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không để các em bị ốm, nghỉ học do không có điều kiện mặc đủ ấm; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, thị xã căn cứ quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến thời tiết để kịp thời thông báo cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống thấp theo quy định.

Sở TT&TT, Báo Hà Tĩnh, Đài PTTH tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tích cực, chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tuyên truyền, vận động, đưa tin thường xuyên về tình thời tiết, khí hậu; quy trình kỹ thuật; biện pháp canh tác, phòng chống đói, rét, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi để người dân biết, chủ động tổ chức sản xuất vụ Xuân 2018 đạt hiệu quả.

Chủ tịch UBND tĩnh cũng đề nghị UBMTTQ tỉnh, các cơ quan đoàn thể tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, người dân về các biện pháp phòng, chống đói, rét dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi để người dân chủ động thực hiện.

Các biện pháp kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi

- Đối với diện tích mạ đã bắc, thường xuyên kiểm tra việc che phủ nilon đảm bảo chống rét cho mạ khi nhiệt độ xuống thấp; tuyệt đối không bón thúc phân đạm, duy trì đủ nước tạo điều cho mạ sinh trưởng tốt, theo dõi rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn để chủ động phòng trừ trước khi xuống cấy, không xuống cấy khi nhiệt độ dưới 15oC.

Đối với diện tích lúa đã gieo thẳng, đảm bảo chế độ nước thích hợp phù hợp với sinh trưởng của lúa trên đồng ruộng, không được để ruộng thiếu nước hoặc ngập úng, khi thời tiết thuận lợi tiến hành chăm sóc, không bón đạm vào những ngày nhiệt độ dưới 15oC.

Đối với trà bắt đầu xuống giống (các giống Nhị ưu 838, N98, N87, Hương thơm 1, Khang dân 18, Khang dân đột biến, VTNA2): Thời vụ xuống giống trùng với đợt rét sắp tới nên bố trí cuối lịch thời vụ để tránh rét, đối với ruộng gieo thẳng tiến hành bắc mạ dự phòng có phủ nilon góc ruộng để dặm tỉa; trường hợp đã ngâm ủ khuyến cáo bắc mạ che phủ nilon đúng quy trình kỹ thuật.

Đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ làm đất và tu sửa hệ thống thuỷ lợi nội đồng chuẩn bị cấy lúa Xuân; đồng thời chuẩn bị các loại vật tư cần thiết để triển khai sản xuất các loại cây trồng cạn như lạc, ngô, khoai và các loại rau màu vụ Xuân 2018 khi thời tiết thuận lợi, đặc biệt lưu ý cần chủ động nguồn lạc giống phục vụ sản xuất.

- Về chăn nuôi - thú y, tổ chức kiểm tra hướng dẫn phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, chú trọng khu vực miền núi những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói rét; thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi; những ngày giá rét, khi nhiệt độ ngoài trời dưới 130C, không thả rông trâu bò hoặc bắt trâu bò làm việc, đưa trâu bò về chuồng nuôi nhốt có kiểm soát, che chắn chuồng trại đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi; chủ động, dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm xử lý kịp thời diện hẹp, tuyệt đối không được giấu dịch. Đối với các địa phương đang có dịch LMLM gia súc phải tập trung chỉ đạo huy động nhân lực, kinh phí để tổ chức bao vây nhanh chóng, dập tắt các ổ dịch không để dịch kéo dài và lây lan trên diện rộng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast