Núi Nài niềm tự hào đi cùng năm tháng

(Baohatinh.vn) - Tiểu đội trưởng Tiểu đội Nữ dân quân tự vệ Thạch Hòa (phường Đại Nài ngày nay) Lê Thị Yên cùng tôi lên thăm lại nơi diễn ra trận đánh núi Nài lịch sử. Không còn dấu tích trạm ra-đa huyền thoại của đơn vị phòng không - nơi giặc Mỹ điên cuồng trút mưa bom năm xưa...

Chỉ có dáng núi bình yên, xanh mướt cỏ cây cùng tiếng chuông chùa Cảm Sơn trầm mặc ru giấc ngủ của hơn 1.200 anh hùng liệt sỹ ở Nghĩa trang liệt sỹ Núi Nài.

nui nai niem tu hao di cung nam thang

Quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 12 máy bay Mỹ trong 45 phút ở trận địa ra-đa rú Nài. Ảnh tư liệu

Dừng chân bên tháp cấp nước trên đỉnh núi Nài, bà Yên bùi ngùi kể: “Nơi đây chính là điểm đặt trạm ra-đa năm xưa. Còn bao quanh ngọn núi là hệ thống giao thông hào chạy hàng km qua nhiều làng xóm. Lực lượng dân quân tự vệ Đại Nài đã dựa vào thế trận này để bám trụ cùng các lực lượng bộ đội đánh Mỹ hàng chục trận mà chỉ xảy ra rất ít thương vong. Ngày đó, tôi là Trung đội trưởng Trung đội Dân quân tự vệ Hòa Hợp (một trong hai trung đội dân quân của xã). Sau này, các lực lượng tự vệ mới kiện toàn lại và tôi trở thành Tiểu đội trưởng 10 nữ dân quân”.

Ánh mắt bà Yên lấp lánh niềm tự hào, giọng nói run run khi trở về với diễn biến của “trận đầu thắng Mỹ”: “Sáng 26/3, tôi đi dự Đại hội phụ nữ tỉnh ở xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà) thì nhận được tin hoãn họp vì chiều sẽ có trận đánh lớn. Đi bộ một mạch về nhà, quên cả đói khát, tôi lập tức cùng anh em tự vệ sẵn sàng vào trận để hỗ trợ bộ đội bắn máy bay Mỹ. Trận đánh đầu tiên của không quân Mỹ ác liệt chưa từng thấy. Hàng chục chiếc máy bay đủ loại, chia thành nhiều tốp bay từ phía biển thi nhau lao xuống, bắn xối xả vào núi Nài và khu vực xung quanh.

Cả thị xã rung chuyển trong khói bụi mịt mù. Ngụy trang dưới giao thông hào, chúng tôi nghe tiếng máy bay bay ràn rạt ngay trên đầu và nhìn rõ cả những tên phi công trong buồng lái. Chẳng hiểu sức mạnh nào khiến anh chị em quên hết hiểm nguy, cứ nhắm thẳng chúng mà nã đạn. Gần 3 tiếng đồng hồ giao tranh, trận đánh kết thúc nhưng đến tận chiều tối, chúng tôi mới được tin chiến thắng”.

Trở về với đời thường, dẫu không có được niềm hạnh phúc làm mẹ nhưng, “10 đứa cháu gọi tôi bằng o, bằng dì đều thành đạt. Chúng rất tự hào về tôi và chăm sóc tôi như mẹ của chúng. Còn ngôi nhà nhỏ này là món quà của một doanh nghiệp tặng tôi hơn 20 năm trước. Tôi thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều người khi được an vui trong những năm tháng đất nước bình yên”.

Còn Xã đội trưởng đầu tiên của xã Thạch Hòa, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã từ những năm 1960 - ông Nguyễn Hữu Nguyên năm nay đã 97 tuổi. Tuổi già với đôi chân thương tật khiến dáng đi không còn nhanh nhẹn nhưng ông vẫn cần mẫn giữ nghề bốc thuốc nam chữa bệnh cứu người. Câu chuyện về những năm cả xã đào hầm tránh bom, làm nhà đất sơ tán, về trận đánh oanh liệt 26/3 vẫn rành rọt trong từng chi tiết.

“Làm nên trận đầu thắng Mỹ là cả quá trình hàng năm trời chuẩn bị của nhiều lực lượng. Trong đó, đầu tiên chính là quá trình tuyên truyền để nhân dân tin vào chiến lược của Đảng ta, hiểu rõ âm mưu của kẻ thù và xây dựng lập trường: máy bay Mỹ chẳng có gì đáng sợ. Thế trận nhân dân được dựng lên vững tựa thành đồng khi cả xã Thạch Hòa già trẻ, gái trai cùng tình nguyện tham gia cầm súng bắn “thần sấm Mỹ”. Hai trung đội dân quân tự vệ với 75 người đã góp sức cùng lực lượng bộ đội pháo cao xạ địa phương làm nên chiến thắng trời quê lừng lẫy, bắn hạ 9 máy bay Mỹ” - cựu chỉ huy trưởng lực lượng dân quân tự vệ trong trận đánh núi Nài tự hào kể.

nui nai niem tu hao di cung nam thang

Tiểu đội trưởng 10 nữ dân quân tự vệ Đại Nài -  bà Lê Thị Yên kể về trận đầu thắng Mỹ 

Cũng theo ông Nguyên, gắn với núi Nài, sông Phủ cũng là điểm bắn phá ác liệt của quân thù nhằm cắt đứt tuyến đường chi viện chủ yếu cho chiến trường miền Nam. Kiên cường, bền chí, vừa chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất, Đảng bộ và nhân dân Đại Nài đã góp phần cùng nhân dân cả nước chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.

Niềm tự hào về lịch sử hào hùng của đất nước và quê hương Đại Nài đang được nhân lên trong trái tim các thế hệ tương lai trên mảnh đất ngoan cường. Không chỉ vươn lên vị trí tốp đầu về thành tích dạy và học, Đại Nài còn thường xuyên đi đầu trong giáo dục các giá trị truyền thống. Trường Tiểu học Đại Nài là mô hình điểm của phong trào hát “Giai điệu tự hào” ở các trường tiểu học TP Hà Tĩnh; THCS Đại Nài đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc Nghĩa trang liệt sỹ Núi Nài và Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ phường.

“Em rất xúc động và tự hào khi thường xuyên được cùng thầy cô và các bạn chăm sóc phần mộ các liệt sỹ. Chúng em sẽ phấn đấu học tập và rèn luyện để góp sức xây dựng đất nước đẹp giàu, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ”, em Nguyễn Thị Phương Thảo - học sinh lớp 9B, Trường THCS Đại Nài chia sẻ.

Từ một địa phương thuần nông, xã Đại Nài đã tiến lên trở thành phường với sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại – dịch vụ. Viết tiếp trang sử truyền thống của mảnh đất thiêng, Đảng bộ và nhân dân Đại Nài hôm nay luôn giữ quyết tâm vượt mọi khó khăn, hoàn thành các tiêu chí xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị trước năm 2018. Và núi Nài, sông Phủ với trầm tích văn hóa ngàn đời, với truyền thống hào hùng, oanh liệt đang góp sức cùng TP Hà Tĩnh vươn mình lớn mạnh trong dòng chảy văn hóa, lịch sử đất Thành Sen.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast