Các công trình thủy lợi đang thi công "cảnh giác" cao với mưa lũ

Theo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, đến thời điểm này, các công trình thủy lợi trên địa bàn cơ bản hoàn thành khối lượng vượt lũ. Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của thời tiết - gần nhất là dự báo thêm một đợt mưa lũ mới do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường - bên cạnh tranh thủ đẩy nhanh tiến độ thi công, những ngày qua, các chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu chủ động đảm bảo an toàn công trình cũng như giữ vững khối lượng đạt được.

Dù chỉ là một hạng mục nhỏ, nhưng cống lấy nước dưới đập phụ Kẻ Gỗ (thuộc Dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Bộc Nguyên) lại có tính chất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của cả công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ trong mùa mưa bão năm nay. Bởi thế, trước khi tiến hành thi công cống, đơnvị thi công phải đắp một quai sanh thượng lưu có khả năng chống đỡ ở lượng mưa gần 1.000mm.

Thân cống Kẻ Gỗ đã hoàn thành khối lượng đổ bê tông

Thân cống Kẻ Gỗ đã hoàn thành khối lượng đổ bê tông

Theo anh Nguyễn Tiến Hợi - Cán bộ kỹ thuật thuộc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Thành, sau hơn 3 tháng tập trung cao độ, đến nay, công trình thi công đạt trên 85% khối lượng, trong đó: phần thân cống đã hoàn thành khối lượng đổ bê tông gần 1.500m3; phần nắn tuyến đập đã đạt cao trình 34,5/35,6m với khối lượng đất đào đắp 80/95 ngàn m3. Tiếp đây, cùng với đổ bê tông tháp công, đơn vị thi công tập trung lát mái thượng lưu và hạ lưu, đồng thời hoàn thiện hệ thống kênh dẫn trước cống. Tuy đã hoàn thành vượt lũ nhưng với tinh thần chủ động ứng phó trước mưa lũ, đơn vị thi công đã chuẩn bị sẵn 10.200m2 bạt xác rắn, 12 ngàn bao tải cát để chống xói quai sanh và mái thượng - hạ lưu tuyến nắn đập. Ngoài ra, đơn vị thi công còn huy động đến công trường 4 xe đào xúc, 4 xe ủi, 4 xe lu, 1 cẩu và 8 ô tô tải để ứng cứu đập khi cần thiết.

Không nóng bỏng như cống lấy nước dưới đập phụ Kẻ Gỗ, nhưng việc đảm bảo khối lượng đã đạt được của công trình hồ chứa nước Khe Xai (xã Thạch Xuân - Thạch Hà) luôn được chủ đầu tư đặt lên hàng đầu. Do thiếu vốn (mới được cấp 15/125 tỷ đồng) nên tiến độ hồ Khe Xai không như dự kiến. Song, đặt trong bối cảnh khó khăn chung của lạm phát dẫn đến cắt giảm đầu tư công từ đầu năm đến nay thì việc công trình đã hoàn thành phần đổ bê tông 2 cống lấy nước, bóc phong hóa đập đất, đổ 50% khối lượng bê tông lót đáy và đỉnh tràn là nỗ lực lớn của các đơn vị thi công.

Cống lấy nước số 2 hồ Khe Xai chuẩn bị đắp sét quanh mang cống
Cống lấy nước số 2 hồ Khe Xai chuẩn bị đắp sét quanh mang cống

Theo ông Phạm Đăng Nhật - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Kẻ Gỗ (chủ đầu tư công trình), hồ chứa nước Khe Xai có tổng mức đầu tư gần 127 tỷ đồng, đảm bảo tưới cho 975 ha đất canh tác, trong đó: 590 ha trên mực nước khống chế tưới tự chảy của kênh N1 Kẻ Gỗ thuộc vùng cao các xã Thạch Xuân, Nam Hương, Bắc Sơn và 385 ha bổ sung nguồn cho kênh N1 Kẻ Gỗ để tưới cho vùng Bắc Thạch Hà. Ngoài ra, công trình còn có nhiệm vụ góp phần tạo môi trường sinh thái, phòng lũ cho hạ du, phòng chống cháy rừng và tạo cảnh quan cho vùng phía Tây thành phố Hà Tĩnh.

Nhận biết, đợt không khí lạnh tăng cường hiện nay có thể gây mưa vừa đến mưa to trên địa bàn Bắc Trung bộ, mấy ngày qua, Công ty CP Xây dựng Phương Đông đã tập trung nhân lực, thiết bị để tranh thủ đổ xong 2 trụ bin nhằm sớm hoàn thành phần thân cống Voọc Sim (xã Thạch Long - Thạch Hà).

Công nhân Công ty CP Xây dựng Phương Đông rải sắt đổ bê tông trụ bin cống Voọc Sim
Công nhân Công ty CP Xây dựng Phương Đông rải sắt đổ bê tông trụ bin cống Voọc Sim

Ông Phan Văn Hữu - Giám đốc Công ty CP Xây dựng Phương Đông cho biết, đến thời điểm này, phần thân cống đã đạt trên 80% khối lượng xây lắp với trên 600m3 bê tông; phần đê bao Thạch Long đã đắp đất gần đạt mặt cắt và cao trình thiết kế. Sau khi hoàn thành đổ bê trụ bin, đơn vị tiếp tục đặt rãnh phai thương lưu để sẵn sàng cho việc lắp cánh cống để vận hành bằng việc kéo tay trong tình thế buộc phải chống lũ.

Điều mà ngành NN&PTNT ghi nhận ở công trình cống Voọc Sim và đê bao Thạch Long là dù phải thi công trên cơ sở phá dỡ cống cũ (tiêu tốn nhiều thời gian cho xử lý bê tông lẫn nền móng) nhưng đơn vị thi công luôn đảm bảo tiến độ lẫn chất lượng công trình, đặc biệt là rất chú trọng việc an toàn chống lũ. Thể hiện rõ nhất là đơn vị thi công đã đắp kiên cố gần 300m đê quai sanh thượng và hạ lưu cống, trong đó: quai sanh thượng lưu đắp đỉnh rộng 2m, chân rộng trên 20m; quai sanh hạ lưu bố trí thêm 300 rọ đất có đường kính 1,5m xếp thành nhiều hàng sát nhau.

"Hệ thống quai sanh của chúng tôi có thể chịu được ở lượng mưa 300mm", sự tự tin của ông Hữu khiến không ít đơn vị thi công các công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn phải ngước nhìn, nhất là sau sự cố vỡ hệ thống quai sanh ở công trường thi công cống - tràn Cầu Sú trong đợt áp thấp gây mưa vừa, cách đây 2 tuần.

Theo ông Trần Quốc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, từ giữa tháng 7 đến nay, Sở đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra tiến độ thi công và phương án PCLB của các công trình thi công trong thời điểm trước, trong mùa mưa bão. Đến thời điểm này có thể khẳng định, các công trình cơ bản hoàn thành vượt lũ. Vấn đề đặt ra lúc này là cùng với tranh thủ thời tiết để đẩy nhanh tiến độ, các đơn vị thi công cần có biện pháp phòng, chống xói lở, sạt trượt đất, đồng thời bảo đảm nguyên vật liệu đã tập kết tại chân công trình cũng như giằng néo chắc chắn hệ thống cốt pha nhằm đảm bảo thi công các công trình đạt chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast