Nghề công tác xã hội - bất cập cả lượng lẫn chất

Các công tác chăm sóc, trợ giúp những người yếu thế (còn gọi là nghề công tác xã hội (CTXH)) đã và đang được các cấp chính quyền, các ngành, các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh quan tâm và từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, nhân lực tham gia hoạt động này ở Hà Tĩnh vẫn còn thiếu so với nhu cầu.

Theo khảo sát của Sở LĐ-TB&XH, hiện Hà Tĩnh có số người cần trợ giúp của các dịch vụ xã hội chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh. Trong đó, hơn 159.000 người cao tuổi; 53.250 đối tượng người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh; 46.183 đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng; 67.733 đối tượng tàn tật, gần 99.100 hộ nghèo và cận nghèo; 15.516 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc ngành LĐ-TB&XH. Hàng năm, các trung tâm này tiếp nhận, quản lý thường xuyên hàng trăm đối tượng già cả, cô đơn, tàn tật, trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa, các đối tượng xã hội khác…

Dạy nghề cho người khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm cho người khuyết tật Hà Tĩnh.
Dạy nghề cho người khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm cho người khuyết tật Hà Tĩnh.

Theo bà Lê Thị Thanh Nhàn - Phó phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh), hiện toàn tỉnh có khoảng 1.000 cán bộ làm CTXH trong các lĩnh vực khác nhau: ngành LĐ-TB&XH, GD-ĐT, Y tế, Tư pháp, các đoàn thể chính trị xã hội… Đội ngũ cán bộ đa số được đào tạo qua các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, có chuyên môn nhưng hầu hết chưa được trang bị những kiến thức và kỹ năng làm CTXH. Nhất là cán bộ làm việc trực tiếp với đối tượng xã hội đã gặp không ít khó khăn trong tiếp cận, tư vấn, hướng dẫn và thực hiện chính sách xã hội ở cơ sở.

Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh là mái ấm của nhiều mảnh đời bất hạnh. Hiện, Làng có 21 CBNV chăm sóc, nuôi dưỡng 58 trẻ mồ côi và 4 người già. Trong số những cán bộ đang công tác tại Làng thì chỉ có 2 người được đào tạo chuyên ngành về CTXH, 6 người được tập huấn lớp ngắn ngày của Bộ LĐ-TB&XH. Giám đốc Dương Quỹ Đạo cho biết: Cán bộ công tác tại Làng chủ yếu được tuyển dụng từ năm 1996, đa số chưa được đào tạo đúng chuyên ngành CTXH nên gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận, nắm bắt tâm lý, kỹ năng chăm sóc đối tượng.

Công tác xã hội là một nghề “đặc biệt”, bởi nó giúp giải quyết những tác động xã hội, do đó, đòi hỏi cán bộ phải có phẩm chất và nghiệp vụ “đặc biệt”. Người làm CTXH cần phải có cái tâm, có sự đồng cảm sâu sắc nếu không sẽ rất khó hoàn thành tốt công việc. Ví dụ, với trẻ sơ sinh thì rất cần kỹ năng chăm sóc; đối với trẻ mẫu giáo bé, mẫu giáo lớn ngoài kỹ năng chăm sóc thì cần phải có kỹ năng chia sẻ, nâng niu. Với trẻ từ 14 - 16 tuổi lại cần kỹ năng lắng nghe và chia sẻ…

Phát triển nghề CTXH trong cộng đồng là cách thiết thực nhất để thực hiện các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, trợ giúp các đối tượng yếu thế; thực hiện các biện pháp ngăn chặn, loại bỏ những nguy cơ dẫn đến bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi… Phát triển tốt nghề CTXH sẽ là giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế ngay tại địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh, phát triển xã hội công bằng, hài hòa và bền vững. Tuy nhiên, ý thức coi CTXH là một nghề của các cấp, ngành và cộng đồng vẫn còn hạn chế, nhiều cán bộ cơ sở chưa hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, trợ giúp làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội tại địa phương.

Để nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về nghề CTXH và thu hút nhân lực, các cơ quan liên quan cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức, các nhân viên CTXH cung cấp các dịch vụ, lồng ghép công tác tuyên truyền, tư vấn, kết nối, can thiệp và hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng tại cộng đồng. Ngành LĐ-TB&XH cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghề CTXH cho cán bộ lãnh đạo các cấp, ngành, đoàn thể, cộng tác viên...

Ngày 28/12/2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 3924/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch triển khai đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (Đề án 32). Đề án 32 ra đời với mục tiêu chung là nâng cao nhận thức của xã hội về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ CBCNV và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phát triển CTXH thành một nghề, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội, tăng cường và phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast