Hệ thống cửa hàng xăng dầu bán lẻ ở Hà Tĩnh “chật vật” hoạt động

(Baohatinh.vn) - Ngoài nguồn cung gặp khó khăn, các cửa hàng xăng dầu bán lẻ trên địa bàn Hà Tĩnh đang phải đối mặt với mức chiết khấu thấp, không đủ chi phí trang trải hoạt động, có thời điểm càng bán càng lỗ.

Công ty CP Xây dựng Hồng Sơn có 3 cửa hàng xăng dầu bán lẻ tại các xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh), Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) và Tân Lâm Hương (Thạch Hà). Đơn vị phân phối xăng dầu cho doanh nghiệp này là Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng (PV OIL).

Hệ thống cửa hàng xăng dầu bán lẻ ở Hà Tĩnh “chật vật” hoạt động

Cửa hàng xăng dầu bán lẻ tại xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) của Công ty CP Xây dựng Hồng Sơn.

Ông Dương Duy Liên - Giám đốc Công ty CP Xây dựng Hồng Sơn cho hay: “Căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn và giá xăng dầu thế giới tăng mạnh. Do vậy, các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối chỉ cung ứng theo tiến độ, thậm chí “nhỏ giọt” khiến các cửa hàng xăng dầu bán lẻ rất bị động”.

Nguồn cung khó khăn đã đành, thời gian gần đây, doanh nghiệp này còn rơi vào tình trạng càng bán ra nhiều càng lỗ do chiết khấu của đầu mối cho cửa hàng xăng dầu bán lẻ rất thấp. Nhiều thời điểm chiết khấu 0 đồng và cửa hàng xăng dầu bán lẻ phải chịu chi phí vận chuyển.

“Với chiết khấu 0 đồng, chúng tôi không đủ chi phí để trang trải hoạt động như: chi phí vận chuyển, chi phí duy trì bán hàng, khấu hao... Kinh doanh xăng dầu là ngành nghề có điều kiện nên dù có lỗ chúng tôi cũng không được tự ý tạm ngừng hoạt động nếu chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng. Tiềm lực kinh tế khó khăn nên doanh nghiệp phải “bấu víu” các ngân hàng để có nguồn lực phục vụ kinh doanh” - Giám đốc Công ty CP Xây dựng Hồng Sơn Dương Duy Liên nhấn mạnh.

Hệ thống cửa hàng xăng dầu bán lẻ ở Hà Tĩnh “chật vật” hoạt động

Với chiết khấu thấp như hiện nay, các cửa hàng xăng dầu bán lẻ của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Phương càng bán ra nhiều càng lỗ.

Tương tự, thời gian qua, 2 cửa hàng xăng dầu bán lẻ tại đường Đặng Dung (TP Hà Tĩnh) và xã Thạch Đài (Thạch Hà) của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Phương cũng trong cảnh không đủ chi phí trang trải hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Lộc - Kế toán Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Phương chia sẻ: “Chúng tôi nhập xăng dầu của Công ty TNHH Lưu Nga (TP Vinh - tỉnh Nghệ An). Khi giá xăng dầu tăng cao, tỷ lệ chiết khấu từ đơn vị phân phối thấp (hiện nay là 50 đồng/lít, có thời điểm 0 đồng - PV). Theo tính toán, mức chiết khấu phải đạt từ 700 - 800 đồng/lít thì doanh nghiệp chúng tôi mới đủ khỏa lấp các chi phí vận chuyển, nhân công, dịch vụ khuyến mãi khách hàng, hao hụt... Vì thế, doanh nghiệp càng bán ra càng lỗ”.

Theo ghi nhận, không riêng các doanh nghiệp nhỏ lẻ mà những doanh nghiệp có tiềm lực, là đơn vị đầu mối, phân phối xăng dầu cho các cửa hàng xăng dầu bán lẻ như Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh hiện cũng gặp không ít khó khăn.

Hệ thống cửa hàng xăng dầu bán lẻ ở Hà Tĩnh “chật vật” hoạt động

Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh có 80 cửa hàng xăng dầu bán lẻ trực thuộc và 28 cửa hàng thương nhân nhượng quyền.

Ông Trương Doãn Đức - Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi có 80 cửa hàng xăng dầu bán lẻ trực thuộc và 28 cửa hàng thương nhân nhượng quyền. Bình quân mỗi tháng sản lượng công ty bán ra khoảng 15.000m3 xăng dầu, trong đó 11.000m3 bán lẻ và 4.000m3 bán nhượng quyền cho các cửa hàng xăng dầu bán lẻ bên ngoài. Thời gian qua, thị trường xăng dầu cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng gặp khó khăn do giá xăng dầu thế giới tăng cao, chiết khấu ở mức thấp, nguồn cung hạn chế. Tuy vậy, Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh vẫn nỗ lực đảm bảo cung ứng xăng dầu cho hệ thống cửa hàng bán lẻ và thương nhân nhượng quyền của mình theo tiến độ và kế hoạch”.

Cũng theo ông Trương Doãn Đức, những bất lợi trong kinh doanh thời gian qua đã khiến tình hình hoạt động của Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh bị ảnh hưởng. Cụ thể, trong 2 tháng (tháng 7, 8 năm 2022), doanh nghiệp liên tiếp lỗ. Với diễn biến này, doanh nghiệp khó có thể hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận kinh doanh đã đặt ra trong năm 2022.

Số liệu từ Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 2 kho xăng dầu với tổng trữ lượng 69.000m3, có 9 thương nhân phân phối xăng dầu; 230 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Nhìn chung, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu này đều đang gặp khó khăn và không mặn mà trong kinh doanh.

Trước những khó khăn nêu trên, các chủ cửa hàng xăng dầu tại Hà Tĩnh đề nghị Liên Bộ Tài chính - Công Thương nghiên cứu, xem xét quy định về mức chiết khấu tối thiểu cho các cửa hàng xăng dầu bán lẻ, đảm bảo cho các đơn vị duy trì hoạt động.

Hệ thống cửa hàng xăng dầu bán lẻ ở Hà Tĩnh “chật vật” hoạt động

Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn.

Đại diện các cửa hàng xăng dầu bán lẻ trên địa bàn cũng kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo sát sao, điều tiết cung - cầu đảm bảo nguồn cung cho hệ thống xăng dầu cả nước. Cần phối hợp các ngành, địa phương nghiên cứu đề xuất thay đổi quy định về thương nhân phân phối, nhất là quy định 1 cửa hàng xăng dầu chỉ được mua xăng dầu từ 1 đầu mối duy nhất; có giải pháp tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa để cửa hàng xăng dầu bán lẻ được nhập hàng từ nhiều nguồn hàng, xóa bỏ tính độc quyền (về chất lượng, chiết khấu, việc cung ứng nguồn hàng khi giá cả biến động) của thương nhân phân phối, vừa tạo tính cạnh tranh lành mạnh, vừa nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.

Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Các đầu mối, thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo cung ứng xăng dầu cho hệ thống phân phối và thương nhân nhượng quyền của mình theo tiến độ và kế hoạch. Theo đó, hệ thống cửa hàng xăng dầu bán lẻ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Sở tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh, phối hợp thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn. Cùng đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về đầu cơ tích trữ, găm hàng trục lợi hay đóng cửa hàng khi không thông báo với cơ quan chủ quản”.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast