Thêm một tàu ngầm Kilo chuẩn bị về Việt Nam

Thêm một chiếc tàu ngầm đang trên đường về Việt Nam, con tàu này sẽ đón Năm mới trên đại dương và gia nhập Lực lượng Hải quân vào tháng 1/2016.

Tàu ngầm diesel lớp Varshavyanka.

Tàu ngầm diesel lớp Varshavyanka.

Đây là tàu ngầm thứ năm trong số sáu chiếc thuộc đề án Varshavyanka chạy diesel-điện, lớp Kilo theo phân loại phương Tây, vận hành bởi 52 thủy thủ được Việt Nam đặt mua của Nga.

Tàu có thể đạt tốc độ tối đa dưới nước 20 hải lý, có độ sâu hoạt động 300 mét và dự trữ hành trình đến 45 ngày. Tàu ngầm đồ án Varshavyanka trang bị 6 ống phóng ngư lôi và tổ hợp tên lửa Kalibr (phiên bản xuất khẩu — Club) chống hạm và chống ngầm.

Chính những tên lửa Kalibr có cánh loại tấn công mục tiêu trên đất liền đã được các chiến hạm Nga phóng từ Biển Caspian ngày 7/10/2015, vượt gần 1,5 nghìn cây số giáng đòn chính xác vào các cơ sở IS trên lãnh thổ Syria. Tất cả các mục tiêu được đề ra đã bị tiêu diệt. Sai số chính xác của tên lửa không quá ba mét.

Theo các chuyên gia quân sự, phạm vi tấn công của Kalibr có thể được nâng lên đến bốn ngàn cây số. Nga sẵn sàng trang bị Club cho các tàu khu trục tên lửa đồ án Gepard đang đóng cho Việt Nam — điều này đã được nhắc tới trong cuộc trao đổi giữa tư lệnh hải quân hai nước tại St. Petersburg vào mùa thu năm 2015.

Hiện hai khu trục hạm Gepard đã có mặt tại Việt Nam, hai chiếc nữa trong quá trình lắp đặt vũ khí. Có thể bố trí Club trên cả các tàu tuần tra đồ án Molnya được đóng tại Việt Nam theo giấy phép của Nga.

Ngoài ra, tên lửa Club có khả năng triển khai trên các chiến đấu cơ đa năng Su-30 và MiG-35. Trong năm 2015, việc Nga bàn giao cho Việt Nam một lô tiêm kích Su-30 đã được hoàn thành.

Trong biên chế Không quân và Phòng không Việt Nam hiện có 36 máy bay thuộc lớp này. Ngoài ra, các tiêm kích MiG-35 hiện đại của Nga cũng có triển vọng xuất khẩu tại Việt Nam, vào thời điểm khi MiG-21 của Không quân Việt Nam sắp hết hạn sử dụng. Chủ đề này đã được đề cập tại Hội chợ Hàng không vũ trụ quốc tế 2015 tại Nga. MiG-35 là máy bay chiến đấu đa năng sử dụng các loại vũ khí đối không, đối đất và chống hạm chính xác cao.

Cuối năm 2015, Việt Nam nhận được từ Nga đợt thứ ba thiết bị điện tử dẫn đường phạm vi gần và hạ cánh để phục vụ các sân bay quân sự. Kỹ thuật cho phép xác định máy bay, dẫn máy bay tới địa điểm chỉ định và tổ chức hạ cánh 24/24 giờ không đòi hỏi sự có mặt thường trực của nhân viên không lưu.

Theo ý kiến nhận xét của Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, năm 2015 là giai đoạn tích cực đi sâu mở rộng hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Nga và Việt Nam. Thông qua sự hợp tác này, Việt Nam có một cơ hội tuyệt vời để tăng cường tiềm năng bảo vệ quốc phòng. Các hợp đồng Nga bán vũ khí cho Việt Nam được thực hiện đầy đủ và đúng tiến độ.

Sang năm 2016, bổ sung cho sự hợp tác của hai nước trong lĩnh vực quốc phòng sẽ là hoạt động tập trận quân sự chung trên lãnh thổ Việt Nam. Người Nga từng có dịp kề vai chiến đấu với các bạn Việt Nam trong cuộc Kháng chiến cứu nước lần thứ hai, nhưng đây là lần đầu tiên đại diện quân đội Nga sẽ tham gia tập trận chung với những chiến sĩ Quân đội Việt Nam.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast