Thiếu vốn duy tu, bảo dưỡng đường giao thông

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, bằng nhiều nguồn huy động, tỉnh ta đã đầu tư, xây dựng, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. Song, do nhiều yếu tố khác nhau, một số tuyến đường hiện đã bị xuống cấp, mất an toàn, cần được duy tu, bảo dưỡng kịp thời.

Dọc theo các tuyến đường ĐT.547 (tỉnh lộ 22/12 cũ), ĐT.553 (tỉnh lộ 17 cũ), ĐT.554 (tỉnh lộ 22 cũ) và một số tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn, chúng ta dễ dàng nhận thấy, cùng với sự gia tăng của lưu lượng phương tiện trọng tải lớn, tác động của thiên tai, bão lũ, các tuyến đường này đang bị xuống cấp. Nếu không kịp thời sửa chữa, gia cố, các tuyến đường sẽ có nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông.

Thiếu vốn duy tu, bảo dưỡng đường giao thông ảnh 1

Các đơn vị thi công tiến hành sửa chữa, nâng cấp tuyến đường ĐT.547.

Theo thống kê, tỉnh ta hiện có 17.097 km đường GTNT (trong đó: 1.255 km đường huyện; 1.923 km đường xã; 3.579 km đường trục thôn, liên thôn; 5.108 km đường ngõ xóm và 5.232 km đường trục chính nội đồng). Sau một quá trình đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của các địa phương, hiện nay, một số tuyến GTNT trên địa bàn đã bị xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu lưu thông của các phương tiện. Theo lãnh đạo Sở GTVT, do nguồn vốn hạn hẹp, trước đây, nhiều tuyến đường đầu tư chưa đúng cấp hạng kỹ thuật. Một số địa phương chạy theo số lượng, ít quan tâm đến phát triển bền vững. Bên cạnh đó, do thường xuyên gánh chịu sự tàn phá của lũ, lụt, sự gia tăng về lưu lượng và trọng tải của phương tiện nên nhiều tuyến đường xuống cấp nhanh chóng. Số lượng đường nhựa, bê tông được xây dựng tương đối lớn nhưng so với tiêu chí nông thôn mới, chỉ có khoảng 45% đạt chuẩn; hệ thống cầu cống trọng tải thấp, chủ yếu dưới 10 H.

Từ các nguồn vốn, năm 2014, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành duy tu, bảo dưỡng và bảo trì 290,09 km đường GTNT với tổng kinh phí được phê duyệt hơn 69,6 tỷ đồng. Theo đánh giá của Sở GTVT, bên cạnh những địa phương quan tâm, thực hiện tốt nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng, hiện còn nhiều địa phương (Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh) chưa quan tâm đúng mức việc duy trì, bảo dưỡng các tuyến đường do mình quản lý. Tính đến cuối năm 2014, khối lượng thực hiện so với dự toán phê duyệt còn rất ít (Nghi Xuân 0%, TP Hà Tĩnh 18,1%, TX Hồng Lĩnh 33,6%).

Qua tìm hiểu được biết, một trong những nguyên nhân chính khiến công tác duy tu, bảo dưỡng đường GTNT chưa đạt yêu cầu là do các địa phương không trích nguồn kinh phí đối ứng. Theo quy định của UBND tỉnh về việc giao kế hoạch chi Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh, năm 2014, ngân sách tỉnh bố trí 35 tỷ đồng (tương đương 32% nguồn kinh phí); số kinh phí còn lại, các địa phương phải cân đối bố trí. Tuy nhiên, ngoài huyện Kỳ Anh đã bố trí 26,9% kinh phí đối ứng, các huyện còn lại hầu như chưa quan tâm bố trí nguồn đối ứng mà chủ yếu thực hiện từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và Quỹ Bảo trì đường bộ.

Tương tự các tuyến đường GTNT, hiện nay, việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến tỉnh lộ cũng đang gặp không ít khó khăn do thiếu vốn. Sở GTVT hiện quản lý 10 tuyến đường tỉnh (ĐT.546 ÷ ĐT.555) với tổng chiều dài khoảng 358 km. Theo Ban Quản lý dự án phát triển giao thông tỉnh, hiện tại, nhiều tuyến tỉnh lộ chiều rộng mặt đường hẹp, bị hư hỏng, gây khó khăn cho người dân và phương tiện khi lưu thông. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí thực hiện quản lý, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tháng đầu năm chưa được bố trí kịp thời; mức đầu tư năm 2014 quá thấp so với yêu cầu thực tế, trong khi các tuyến đường chưa được nâng cấp hoàn chỉnh, nhiều đoạn đã quá hạn sử dụng, lưu lượng xe hoạt động trên hệ thống tỉnh lộ lớn nên nhiều đoạn tuyến bị hư hỏng, xuống cấp.

Ngoài ra, kinh phí đầu tư sửa chữa các công trình thấp, vì vậy, một số công trình không thể phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, đảm bảo cho việc sử dụng, khai thác lâu dài. Với tổng mức kinh phí hơn 26 tỷ đồng, năm 2014, Ban Quản lý dự án phát triển giao thông mới chỉ tiến hành sửa chữa và gia cố khoảng 20 km trên 5 tuyến đường trọng yếu đã xuống cấp nghiêm trọng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast