Chia rẽ chính trị tại Tunisia ngày càng sâu sắc

Đảng Ennahda cầm quyền bị cáo buộc không kiểm soát được phong trào Hồi giáo cực đoan và đã ám sát thủ lĩnh đối lập.

Đảng Hồi giáo Ennahda cầm quyền tại Tunisia hôm 26/8 tuyên bố chấp nhận thành lập một chính phủ kỹ trị ngay sau khi các bên nhất trí về Hiến pháp và thời gian bầu cử.

Đây được coi là một động thái nhượng bộ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tuần qua tại Tunisia.

Tuyên bố của Đảng cầm quyền được đưa ra trong bối cảnh hàng nghìn người ủng hộ phe đối lập tiếp tục xuống đường tuần hành phản đối đảng cầm quyền và yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Ali Larayedh phải từ chức ngay lập tức và hướng tới thành lập một chính quyền phi đảng phái.

Người dân Tunisia chuẩn bị biểu tình (ảnh: Telegraph)

Người dân Tunisia chuẩn bị biểu tình (ảnh: Telegraph)

Phát biểu trên Đài phát thanh quốc gia, ông Ameur Larayedh, một quan chức cấp cao của Đảng Ennahda cho biết, khi đảng này đạt được một thỏa thuận với phe đối lập về hiến pháp, luật bầu cử, cơ quan chịu giám sát các cuộc bầu cử và thời gian bầu cử Tổng thống thì một chính phủ độc lập sẽ được thành lập.

Đây được xem là “bước lùi” mới nhất của Đảng Hồi giáo cầm quyền trước phe đối lập, trong nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Bắc Phi này.

Trước đó, đảng cầm quyền Ennahda cũng tuyên bố nhượng bộ khi chấp nhận đối thoại trên cơ sở sáng kiến của tổ chức công đoàn UGTT, vốn đóng vai trò trung gian hòa giải và coi đây là cơ sở để bắt đầu đối thoại dân tộc, đồng thời khẳng định chính phủ vẫn đang thúc đẩy các cuộc đối thoại hòa giải dân tộc tại nước này.

Theo đó, sáng kiến này bao gồm việc thành lập một chính phủ mới, duy trì hội đồng lập hiến quốc gia và kêu gọi thành lập một chính phủ kỹ trị, chịu trách nhiệm chuẩn bị cho các cuộc bầu cử mới.

Chủ tịch đảng Hồi giáo cầm quyền Ennahda, ông Rached Ghannouchi cho biết: “Cuộc đối thoại vẫn đang được triển khai với các đại diện của tổ chức công đoàn UGTT, vốn đóng vai trò trung gian hòa giải, về sáng kiến của họ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng của đất nước. Tôi tái khẳng định rằng các cuộc đối thoại này vẫn đang tiếp tục và chúng tôi đang hướng tới các cuộc thảo luận chi tiết, như một bước đi cần thiết nhằm thúc đẩy cuộc đối thoại hòa giải dân tộc.”

Giới phân tích cho rằng những động thái nhượng bộ gần đây của đảng cầm quyền có thể làm dấy lên hi vọng rằng cái nôi của làn sóng nổi dậy tại một loạt nước Arab hơn 2 năm về trước, có thể tìm lại sự đồng thuận trong nội bộ nhằm cứu đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố của đảng cầm quyền, hôm qua, các nhóm đối lập vẫn tiếp tục kêu gọi tổ chức các cuộc tuần hành bên ngoài trụ sở Quốc hội tại thủ đô Tunis nhằm gây áp lực yêu cầu chính phủ Hồi giáo phải từ chức ngay lập tức và thành lập một chính phủ độc lập, như một điều kiện để phe đối lập tham gia các cuộc đàm phán về hiến pháp và bầu cử.

Đảng Nidaa Tounes, một trong những đảng đối lập chính tại Tunisia hôm qua cũng tuyên bố tái khẳng định quan điểm này, đồng thời cáo cuộc đảng Ennahda đã không đưa ra câu trả lời một cách nghiêm túc trước các yêu cầu của phe đối lập.

Ông Hamma Hammami, người đứng đầu một nhóm đối lập cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc tuần hành phản đối các nỗ lực chống lại người dân và đất nước Tunisia từ bên trong và bên ngoài.”

Những bất đồng về quan điểm chính trị đang khiến Tunisia ngày càng lún sau vào tình trạng chia rẽ giữa các đảng phái.

Đảng Ennahda cầm quyền bị cáo buộc không kiểm soát được phong trào Hồi giáo cực đoan, bị cho là đã tổ chức ám sát các chính trị gia đối lập trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, đảng Ennahda cũng bị cáo buộc là quản lý kinh tế kém và thất bại trong việc nâng cao đời sống nhân dân.

Trong khi đó, các thành viên cao cấp của đảng Ennahda cho rằng phe đối lập Tunisia đang theo chân phe đối lập Ai Cập, muốn tiến hành một hành động tương tự như việc lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi./.

Theo vov.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast