Về miền đất mẹ anh hùng

Trong những ngày cuối xuân xôn xao gió mới, khi tâm trạng còn chưa nguôi những xúc cảm dành cho người mẹ hiền, chúng tôi có dịp ghé thăm Nam Đàn – quê hương của bao người con anh hùng, lỗi lạc. Đấy cũng chính là dịp chúng tôi có cơ hội nghiêng lòng cùng những người mẹ dịu hiền đã sinh ra và nuôi nấng nên nhân tài cho Tổ quốc…

Đường về quê Bác
Đường về quê Bác

Những bà mẹ Việt trong thời kỳ phong kiến chính là những người phụ nữ mẫu mực của công, dung, ngôn, hạnh. Họ với tấm lòng bao dung, đã một đời hy sinh trong thầm lặng để chăm sóc gia đình, con cái. Chính những tình cảm thiêng liêng ấy đã là động lực phấn đấu cho nhiều người con trở thành người anh hùng dân tộc. Và trong chuyến đi ấy chúng tôi đã có dịp dành những khoảng lặng của lòng mình tưởng nhớ 2 bà mẹ vĩ đại của vua Mai Hắc Đế và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mai Thúc Loan quê vốn ở làng Mai Phụ (Lộc Hà) nhưng mẹ ông đã lưu lạc sang sinh sống ở Nam Đàn khi ông còn nằm trong bào thai. Vốn thiếu thốn tình cảm của cha, thuở nhỏ Mai Thúc Loan đã nhận được sự bù đắp từ người mẹ hiền. Để nuôi con trai khôn lớn, một mình bà lầm lụi lên rừng kiếm củi bán. Chính trong những lần mưu sinh trên núi ấy, bà đã bị hổ vồ. Ký ức đau thương về người mẹ hiền tần tảo hôm sớm cộng với những khí chất thông minh, khảng khái thiên bẩm đã hình thành nên trong cậu bé Mai Thúc Loan chí khí khác người. Để về sau trong những diễn biến của lịch sử, đất Nam Đàn đã có một trang hào kiệt, là thủ lĩnh của một nghĩa quân hùng mạnh chống lại ách đô hộ của nhà Đường (Trung Quốc) và tự xưng đế lấy hiệu là Mai Hắc Đế. Từ cuộc khởi nghĩa Hoan Châu ấy, dưới sự lãnh đạo của vua Mai toàn bộ đất nước được giải phóng và nền độc lập ấy kéo dài trong 10 năm liền. Để tưởng nhớ công ơn của vị anh hùng dân tộc, nhân dân làng Ngọc Trừng (Xã Nam Thái) đã lập miếu mộ và đền thờ ông.

Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của anh Nguyễn Lâm Sơn - Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy Nam Đàn chúng tôi đã được đến thăm quần thể di tích văn hóa – lịch sử miếu mộ, đền thờ thân mẫu vua Mai và vua Mai. Trải qua hơn 13 thế kỷ, động Cồn Chén – nơi vua Mai được sinh ra và lớn lên giờ chỉ còn là bãi đất bằng phẳng cây cối um tùm nằm yên bình trong thung lũng Hùng Sơn. Dẫu ngôi nhà vua Mai từng sống cùng người mẹ dịu hiền của mình chưa được xây dựng lại nhưng trong thành tâm tưởng niệm, tôi vẫn mường tượng về một ngôi nhà lá đơn sơ có chiếc xa kéo sợi bên khung cửi, có chiếc võng đưa cùng lời ru của mẹ. Và cạnh bên giếng ngọc là người mẹ tảo tần đang dành phút thảnh thơi gội đầu….Anh Sơn cho biết: “ Thân mẫu vua mai được thờ trong Thượng điện đền thờ Mai Hắc Đế và vào những ngày giỗ mẫu thân hoặc giỗ vua, bà con nhân dân nơi đây thường đến thắp hương, tưởng nhớ rất đông”. Tại khuôn viên đền thờ chúng tôi đã được đọc những lời ca ngợi người con anh hùng: Hùng cứ châu Hoan đất một vùng/ Vạn An thành lũy khói hương xông/ Bốn phương Mai Đế lừng uy đức/ Trăm trận Lý Đường phục võ công/ Lam Thủy trăng in, tăm ngạc lặn/ Hùng Sơn gió lặng, khói lang không/ Đường đi cống vải từ đây dứt/ Dân nước đời đời hưởng phúc chung. Thời gian đã phủ rêu mốc lên từng phiến ngói, cảnh cũ đổi thay nhưng tôi biết núi Vệ Sơn và thung lũng Hùng Sơn luôn lưu giữ những hình ảnh, những câu chuyện huyền thoại về vị vua lỗi lạc đã được sinh ra và nuôi nấng bởi một bà mẹ nghèo hết sức bình thường mà vô cùng vĩ đại.

Đền thờ thân mẫu vua Mai và vua Mai dưới thung lũng Hùng Sơn
Đền thờ thân mẫu vua Mai và vua Mai dưới thung lũng Hùng Sơn

Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước, hầu như thời kỳ nào, đất thiêng Nam Đàn cũng xuất hiện những người con tuấn kiệt, trong đó lỗi lạc nhất có lẽ là người anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh. Và bất kỳ lúc nào, mỗi lần nghĩ về Người, tôi cũng nghĩ về thân mẫu Hoàng Thị Loan. Bà Hoàng Thị Loan sinh ra trong một gia đình nho học truyền thống lâu đời, nếp sống hàng ngày của các thành viên trong gia đình ẩn chứa, tích tụ nhiều phẩm chất văn hóa cao đẹp của quê hương Nam Đàn, của xứ sở Hồng Lam. Từ nhỏ bà đã được sống trong bầu văn hóa của hát ví phường vải và sớm bộc lộ là người con gái thông minh, kín đáo. Đến tuổi cập kê, bà sớm nghe lời cha mẹ kết hôn với cậu học trò nghèo Nguyễn Sinh Sắc. Cũng từ đó, bà Hoàng Thị Loan trở thành người vợ, người mẹ tảo tần, hôm sớm một lòng làm lụng chăm con, nuôi chồng lều chõng đi thi. Sau này, khi đã vào kinh thành Huế sống cùng chồng con, bà Hoàng Thị Loan đã mưu sinh và nuôi sống cả gia đình bằng nghề dệt vải. Chiếc khung cửi đã giúp bà dệt nên muôn nghìn tấm vải nuôi lớn ý chí, khát khao khoa cử của ông Nguyễn Sinh Sắc và dường như cũng dệt nên cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của cậu con trai tuấn kiệt Nguyễn Sinh Cung. Cuộc đời gian truân và cái chết đột ngột của bà Hoàng Thị Loan để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng Nguyễn Sinh Cung (khi đó mới 10 tuổi phải đứng đầu để lo tang lễ cho mẹ). Chính những ký ức đẹp đẽ và đau thương về người mẹ dịu hiền ấy đã góp phần hun đúc nên những giá trị đạo đức của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh về sau.

Ban nữ công Báo Hà Tĩnh dưới chân mộ bà Hoàng Thị Loan
Ban nữ công Báo Hà Tĩnh dưới chân mộ bà Hoàng Thị Loan

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, mộ bà Hoàng Thị Loan giờ đây an định trên núi Động Tranh (xã Nam Giang). Từ chân núi Động Tranh đi theo lối lên là phần mộ bà Hà Thị Hy, bà nội của Bác Hồ mới được tu bổ. Phần mộ bà Hoàng Thị Loan có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 là tuổi đời của bà. Phía trên mộ là giàn hoa cách điệu hình khung cửi. Hai cụm cây hoa giấy che mát phần mộ bà được lấy giống từ Huế - nơi bà mất và khu lăng mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Khe trước phần mộ trồng nhiều cây quí từ nhiều miền đất nước.

Phần mộ bà Hoàng Thị Loan được giữ nguyên theo hình mẫu ban đầu, được ốp bên ngoài bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch liền khối. Phần trên mộ được xây dựng theo hình khung cửi cách điệu, gợi nhớ cuộc đời canh cửi vất vả để nuôi chồng, nuôi con thuở sinh thời. Phía sau phần mộ là bức phù điêu bằng đá trắng khắc họa hình những cánh sen thanh cao, tinh khiết của quê nhà và cũng là biểu tượng về cuộc đời, nhân cách của bà.

Thắp hương tưởng nhớ 2 bà mẹ, trong lòng tôi chợt dâng lên niềm thương nhớ rưng rưng. “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý sống tốt đẹp muôn đời của người Việt và trong những tình cảm đối với nhiều vị anh hùng dân tộc, bao giờ người ta cũng dành riêng một góc trang trọng đối với các bậc sinh thành, trong đó người mẹ hiền luôn luôn là một hình ảnh ấm áp nhất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast