Hoạt động xuất khẩu: Chưa thể “lột xác”!

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, mặc dù tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, nhưng nhìn chung, hoạt động xuất khẩu vẫn chưa qua được ngưỡng khó. Thị trường hạn hẹp, nguồn nguyên liệu khó khăn, sản phẩm chủ lực không có, năng lực doanh nghiệp (DN) yếu, khó tiếp cận nguồn vốn… là những nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu chưa thể bứt phá…

Một trong những khó khăn đầu tiên là các DN tham gia xuất khẩu của tỉnh chưa đủ sức tiếp cận thị trường lớn. Gỗ, cao su… là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu khá của tỉnh ta trong vài năm gần đây, nhưng chỉ dựa vào thị trường truyền thống là Trung Quốc. Bên cạnh rào cản thuế quan, thời gian gần đây, thị trường Trung Quốc (chiếm 48%) hạn chế nhập khẩu hoặc trả giá thấp đối với mặt hàng này nên các DN gặp rất nhiều khó khăn.

Công nhân Công ty CP Chè Hà Tĩnh đóng gói sản phẩm.
Công nhân Công ty CP Chè Hà Tĩnh đóng gói sản phẩm.

Theo thông tin từ Sở Công thương, thời gian qua, do thương lái Trung Quốc hạ giá nhập khẩu gỗ nên nhiều DN trên địa bàn tỉnh có lượng hàng tồn kho trị giá 10-20 tỷ đồng. Thậm chí, có DN tồn đến gần 100 tỷ đồng. Đối với mủ cao su, 8 tháng năm 2013, xuất khẩu đạt 2,64 triệu USD thì cùng kỳ năm nay chỉ được 0,78 triệu USD.

Hầu hết các sản phẩm của tỉnh, trong đó có nhiều sản phẩm chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng giá trị xuất khẩu như khoáng sản, nông sản… cũng không thể vươn ra những thị trường khó tính như châu Âu và các nước có nền kinh tế phát triển.

Việc các DN chưa đủ sức tiếp cận thị trường lớn, có một nguyên nhân quan trọng là nguyên liệu, sản phẩm. Các mặt hàng thuộc danh mục hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh còn hạn chế và chưa được chú trọng áp dụng tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất, chế biến xuất khẩu như ISO, HACCP, GMP… Nhóm hàng xuất khẩu nông sản như: lạc, đậu, ớt chưa được DN quan tâm xuất chính ngạch mà chủ yếu xuất tiểu ngạch.

Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào phục vụ các nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu không đáp ứng về số lượng và chất lượng, khiến các DN phải mua từ các tỉnh khác hoặc nhập khẩu nên khó cạnh tranh về giá. Điển hình như: Công ty cổ phần XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh, hằng năm phải mua nguyên liệu (cá, mực) từ các tỉnh trong nước và nhập từ nước ngoài về để chế biến; Nhà máy Chế biến tinh bột mỳ Hà Tĩnh phải mua thêm nguyên liệu của các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình vì nguồn nguyên liệu trong tỉnh chỉ đáp ứng 30% công suất nhà máy.

Một khó khăn nữa là các DN xuất khẩu khó huy động vốn thông qua các tổ chức tín dụng và tiếp cận với các chính sách ưu đãi khuyến khích xuất khẩu, vì thiếu thông tin, thủ tục rườm rà, thiếu tài sản thế chấp, thời hạn vay ngắn (thông thường 6 tháng)… Trong khi đó, có tới 85% DN, nhất là các DN xuất khẩu gỗ có nhu cầu vay vốn. Nhiều DN phải vay ngoài với lãi suất cao, ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất.

Thị trường xuất khẩu mủ cao su đang gặp khó khăn.
Thị trường xuất khẩu mủ cao su đang gặp khó khăn.

Hạ tầng yếu kém cũng là một trong những nguyên nhân gây khó cho hoạt động xuất khẩu. Mấy năm nay, QL 8A đang được thi công nâng cấp; nhà làm việc kết hợp với Quốc môn chưa xây dựng xong, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Trong khi nhu cầu sử dụng rất lớn nhưng cảng Container tại Vũng Áng chưa đáp ứng được nhu cầu, trên 60% DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh phải vận chuyển hàng qua cảng Hải Phòng và Đà Nẵng với chi phí lớn.

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt - Nhật Vũng Áng Miyazaki Shigeyuki cho biết: Thời gian gần đây, công ty đã ký hợp đồng với chủ tàu nước ngoài vận chuyển nguyên liệu sang Nhật Bản. Khi tàu cập cảng Vũng Áng, do cảng quá tải, tàu phải chờ. Công ty phải trả chi phí 20.000 USD/ngày và mỗi đợt từ 4-5 ngày, thiệt hại lên đến gần 100.000 USD. Đó là chưa kể việc chậm trễ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương, hoạt động xuất khẩu tỉnh ta kém phát triển một phần là do sự hạn chế về trình độ, năng lực của DN. Ông Dũng cho biết, theo khảo sát của đoàn liên ngành do Sở Công thương chủ trì, trên địa bàn tỉnh có 73 DN tham gia hoạt động xuất khẩu thì có đến 28 DN chỉ có 1-2 người (giám đốc, kế toán, thuê văn phòng làm việc hoặc tại nhà riêng); 57% giám đốc DN có trình độ đại học, cao đẳng; 40% còn lại trình độ trung cấp, thậm chí có người không bằng cấp. Đây chính là “điểm nghẽn” lớn trong rất nhiều nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu của Hà Tĩnh chưa thể “lột xác”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast