Ngược dốc

Tôi đứng trên tảng đá cao nhìn xuống vách núi tai mèo. Gió chiều lồng lộng. Xa tít tắp là màu xanh thăm thẳm, trùng trùng núi đồi nối đuôi nhau. Tôi dang tay, ngước mặt lên trời, hít thật sâu, nghe gió tràn qua mắt, qua mũi, cảm nhận được cả mùi của núi rừng. Thanh tao. Khi ấy, tôi mới giật mình nhận ra trái tim vẫn còn đang đập trong lồng ngực. Hóa ra, trái tim vẫn chờ tôi trở lại.

Truyện ngắn của Tiểu Quyên

Ngược dốc ảnh 1

Nhà văn trẻ Tiểu Quyên ở Madagui - Lâm Đồng đầu tháng 10.2014

Phía hốc đá bên kia, hình như có một đôi mắt tròn xoe, ngơ ngác nhìn.

***

Tần bỏ đi rồi.

9 tháng sau ngày Ruby bỏ đi.

Văn ngồi với tôi suốt buổi chiều, Sài Gòn vẫn đầy khói bụi. Văn mở cho tôi nghe Melody of rain. Nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần, rồi Văn chở tôi về. Hai đứa đi giữa lòng thành phố mà lòng tôi như đang ở cõi nào xa xôi.

Tôi cũng đã bỏ tôi đi, bao nhiêu lâu rồi không biết nữa. Để chiều nay nhặt lại mình giữa lòng thành phố, nghe trái tim mình đập những nhịp không phải của mình.

***

Ngày trời trở gió, những cơn đau trở đi trở lại hành hạ má. Đó là dư chấn của vết thương phía sau đầu má, bị người ta lấy dừa khô chọi thẳng vào. Hai cú ném nhẫn tâm, một trái trúng sau lưng, một trái trúng ngay đầu. Má kéo tôi bỏ chạy, nhưng không kịp. Má khuỵu xuống giữ ruộng, tôi khóc xanh mắt, khản giọng gọi người ta đến cứu. Làng ùa ra, làng xốc má đưa đi bệnh viện. Tôi hớt hải vừa khóc vừa quẹt nước mắt chạy phía sau. Trống ngực đập thình thịch, sợ hãi và căm hận. Tôi chạy đi mà bước chân cứ muốn quay trở lại. Trả thù.

Nếu người làng không kéo tôi đi, có lẽ tôi đã nhặt hai quả dừa khô đó ném trả lại gã người kia. Cho dù có phải đi tù.

Gã người đó là cậu út tôi, Chủ tịch xã Tân Lập, người chức cao vọng trọng nhất của làng Đình.

Người đó má tôi cả một quãng đời khó nhọc bồng bế trên tay, chăm bẵm. Đến cả chiếc kẹp tóc cũng mang đi bán để mua bánh cho gã ăn lúc gã chỉ biết ngồi choi choi nghịch cát. Con người mà má tôi đã phải mất cả tuổi thơ, đi qua thời con gái tảo tần vẫn hy sinh cho ăn cho học. Cuối cùng gã trả cho tình thương của má bằng hai quả dừa khô chí mạng. Má không chết. Nhưng lòng má héo rũ. Mắt má ngày càng trũng sâu, khuôn mặt già đi, cằn cỗi. Má sống trong hình hài quắt khô của sự chịu đựng. Nước mắt chảy xuôi.

Má không còn khỏe nữa, trời trở gió là đầu má lại đau. Có khi giữa đêm không ngủ được, má lặng lẽ trở dậy đốt đèn dầu, ra bàn thờ thắp nhang cho ông bà ngoại. Cái dáng cong cong dấu hỏi in trên vách đi ngược vào giấc mơ tôi. Trái tim đứa trẻ 10 tuổi oằn lên dấu lặng của hình hài. Tôi không còn vô tư chạy chơi vui đùa với chúng bạn, đứa trẻ con trong tôi đã biết ngồi hàng giờ ngoài bờ ao, nghĩ về cả những điều mông lung vượt quá sức mình. Nghĩ về 10 năm sau, rồi 10 năm sau nữa.

Mà làm sao tôi có thể biết Ngày Mai là cái gì sẽ đến trong đời?

***

Không biết được, nên khi tôi trở về từ Ngày Mai thì cậu út tôi đã mất.

Cậu mất vì đột quỵ. Mợ Út khóc ngất lên ngất xuống mấy đêm liền. Má tất tả chạy ngược chạy xuôi lo đám tang. Tôi ngồi xụi lơ nhìn má. Tôi không còn là đứa trẻ năm nào để ngồi bù lu bù loa khóc trên đồng, nước mắt chảy ngược vào trong. Trong lòng tôi không có cậu từ ngày cậu ra tay tàn độc với má. Mãi đến sau này, tôi mới biết được rằng đó là vì má nói với cậu, nếu cậu làm việc không thanh liêm chính trực, má sẽ nói cho cả làng biết, cả làng sẽ kiện lên trên, cái chức chủ tịch xã của cậu đừng mong mà giữ lại.

Mợ Út chửi má xối xả, cầm chổi quét đuổi má ra ngoài. Cậu Út lao vào đánh má, má bỏ chạy, vừa chạy vừa kêu cứu. Tôi ngồi chơi ở sau nhà cậu hoảng hốt chạy theo, còn kịp hứng lấy những nhát chổi thù của mợ. Má không chết, nhưng trái tim má chết. Trở về từ bệnh viện, làng hỏi gì má cũng không nói. Cả làng chửi cậu ăn ở ác đức, nhưng chỉ chửi sau lưng. Ai mà dám nói gì khi sau này việc gì từ lớn đến nhỏ tất tần tật đều phải nhờ con dấu của cậu.

Mỗi lần ra bờ tre sau nhà đứng nhìn về phía nhà cậu, trong lòng tôi cứ cồn lên câu hỏi: tại sao người ta ác, ác với một người vốn chỉ dành cho họ tình thương? Câu hỏi này một đứa trẻ không trả lời được. Mà người lớn có khi cũng không. Giống như má, bất lực trước câu hỏi về cái chết của ba, suốt 6 năm không tìm được câu trả lời. Câm lặng. Người ta nói ba chết vì tai nạn lao động. Công ty xây dựng trả ba về với má cùng số tiền bồi thường, hỗ trợ chôn cất ba. Khi ấy tôi chỉ mới 4 tuổi, hồn nhiên đeo tang trắng. Chỉ một mình má không biết thả nước mắt về đâu.

Làng tôi, từ thời bà ngoại, người ta sinh ra từ đồng ruộng, sống cũng nhờ ruộng đồng. Làng nhọc nhằn mà thanh bình cho đến khi người ta bắc cây cầu qua sông, người phía bên kia thành phố đổ về mở đất làm ăn, nhiều công trình được xây lên. Nhưng cũng từ đó bến sông không còn dành cho lũ trẻ con ra tắm. Dòng nước đục ngầu, hôi rình, có khi đầy những vết dầu loang, đến cả rửa chân cũng ngại. Cậu Út làm việc không ngơi nghỉ, những con dấu đỏ được đóng liên tục, nhà cậu phất lên, chẳng mấy chốc xây hai ba tầng lầu. Mợ Út đeo vàng đỏ tay. Thằng Ku con cậu mợ trở thành cậu ấm, trên người nó cũng dát lên đủ thức vàng lóng lánh dù chưa nói được một tiếng nào, cũng chưa biết cái gì gọi là “số hưởng”. Cậu cứ ung dung ngồi bàn giấy liên tục với những dấu mộc đỏ, mặc kệ dân kêu trời. Đồng ruộng cũng bị nhiễm độc vì những hố hóa chất ngụy trang là nơi xử lý chất thải an toàn. Trẻ con ghẻ mọc đầy khi lội ruộng bắt cua đồng, làng bắt đầu có người bị ngộ độc thực phẩm.

Tóc má bạc đi thấy rõ.

Rồi một hôm má đi đâu từ tờ mờ sớm, đến chiều hôm mới về. Má mang cho tôi mấy ổ bánh mì nóng giòn mua từ chợ huyện – ngày ấy, có bánh mì không ăn vặt đã là một mơ ước. Bữa cơm có khi chỉ là rau muống luộc chấm với nước tương.

Từ đó đêm nào má cũng trở dậy giữa đêm thắp nhang bàn thờ ông bà ngoại. Cái dấu hỏi trên vách ngày một cong thêm. Tôi ngủ trong những giấc mơ cong hình dấu hỏi.

Một tuần sau, công an huyện, rồi công an tỉnh xuống điều tra. Cả làng không ai đứng về phía cậu. Những con dấu đỏ quay lưng, trở thành vết đen trong đời cậu. Chức chủ tịch xã không còn, cậu bị tuyên án tham nhũng, đi tù 4 năm. Mợ Út thôi vênh váo, bán lúa bán vàng “chạy” cho cậu. Sự thật là sự thật. Vùng đất nghèo Tân Lập trở nên nổi tiếng, nhờ cậu. Má lầm lũi trên đồng, đêm về ngồi rất lâu bên bàn thờ ngoại. Nước mắt má chảy mãi. Ông bà ngoại ở trên trời, đau nỗi đau nào của thứ tha?

Má dắt tôi đi chùa. Làng không ai trách gì má. Cả làng đều biết, chính má là người đã thay làng lên huyện tố cáo cậu. Chỉ một mình má dám làm điều này. Cậu biết rõ điều đó. Cậu sợ duy nhất má và cũng là lý do cậu lao vào đánh má “đánh cho bà chừa”, cậu thẳng tay ném vào đầu má những quả dừa khô đủ sức làm lãng quên ký ức của một con người. Những ngày gió ấy, tôi lẽo đẽo theo má đi chùa. Nước mắt má không ngừng chảy – như ngày đã khóc cho ba. Mợ Út nhìn má đầy căm hờn. Tôi đi học về gặp mợ ẵm thằng Ku đi ngược chiều, tôi chào, mợ liếc xéo, đi ngoe nguẩy. Thằng Ku day day tóc mợ, nhe răng cười với tôi. Cái thằng. Chẳng biết gì.

Nửa năm sau thì nó chết. Té hố. Cái hố ngày trước ba nó đóng dấu mộc đỏ cho người ta làm nơi thải hóa chất. Khi tiêu cực bị phanh phui, cái hố bị đào lên, người ta làm hệ thống sát trùng. Cái hố vẫn chưa kịp san lắp khi mùa mưa tới. Mợ Út xác xơ, gầy rộc. Làng dang tay đón. Mợ đi đâu cũng được người làng an ủi. Thôi thì ráng sống mà còn đợi cậu Út về.

Thằng Ku được chôn cất ngay sau nhà cậu mợ. Số vàng lóng lánh trên người nó được tháo ra, để lại trần gian. Tôi ngồi bên nấm mộ khum khum của nó, rớt nước mắt. Nó nhỏ quá, có biết gì đâu mà phải chết?

***

Ruby của tôi cũng nhỏ lắm, có kịp biết gì đâu mà phải chết?

Tôi quặn lòng khi ngồi với nấm đất tôi xây và đặt tên Ruby. Phía bên dưới chỉ có bộ quần áo trẻ con, đôi giày len tôi mua cho mà Ruby chưa một lần nào được mang. Tần lặng thinh. Anh cứ hốt từng nắm đất đắp lên ngôi mộ gió. Anh vỗ về ngôi mộ như thể đó thật sự là Ruby yêu thương của chúng tôi.

Sau cái chết của Ruby, cả tôi và Tần đều trở thành hai con người khác. Tần lặng lẽ, đốt thuốc triền miên, còn tôi ra vào căn nhà của mình như người mất hồn. Tôi ốm liệt giường trốn không gặp ai, trầm cảm u uất suốt nhiều ngày sau đó. Ruby đã chọn tôi để hóa thân nhưng tôi đã không thể cho con tôi có được một cuộc đời.

Tôi bỏ thành phố về nằm trong lòng má. Tóc má đã bạc hơn nửa mái đầu. Đêm đêm vẫn trở dậy thắp nhang cho ông bà ngoại. Bây giờ điện đã sáng khắp thôn làng ngõ xóm. Không còn cái bóng cong cong dấu hỏi in trên vách nhau.

Tần bảo: “Em đừng làm báo nữa, được không?”

Má bảo: “Con gái mà theo nghề báo thì khổ lắm”.

Tôi ra ngồi một mình ở bến sông. Ngày xưa tôi đã từng mong ước gì cho cuộc đời mình? Tôi xòe bàn tay mình. Bàn tay này đã nhặt được gì, cầm nắm được gì? Hay chỉ là đánh mất?

Cuối cùng, tôi nộp đơn xin nghỉ việc ở Thời Đại. Buổi chiều rời cơ quan, tôi đứng nhìn nơi mình đã gắn bó suốt cả thời tuổi trẻ, nước mắt lưng tròng. Tôi phải rời khỏi Thời Đại, để tìm lại cho Ruby một hình hài khác. Vì Tần. Tôi chạy xe về nhà, băng qua gió chiều nghe lòng mình như chiếc lá héo úa. Gần 10 năm của tôi, cả một tuổi trẻ bất kể ngày đêm, băng rừng lội suối, đi bất cứ nơi đâu mà những bí mật được che giấu, tìm đến những tội lỗi, hàm oan của con người. Tôi và Văn không ngại lang bạt kỳ hồ, tham gia những cuộc điều tra gay góc nhất để đưa những khuất tất phơi bày ra ánh sáng. Phía sau lưng tôi là báo Thời Đại, điểm tựa của niềm tin và công lý cứ đưa tôi đi, đi mãi, vào tận những làng quê hẻo lánh, những rặng núi xa xôi. Tôi biết, những nơi này luật làng quyết định tất cả. Ngày xưa, nếu có nhà báo nào đó tìm đến Tân Lập sớm hơn, có lẽ mọi thứ sẽ không trở thành tồi tệ.

Đứa trẻ 10 tuổi năm đó sẽ không đánh mất tuổi thơ trong trẻo, ký ức không hằn sâu vết sẹo đau đớn của tình thâm. Đứa trẻ đó lớn lên có thể trở thành cô giáo làng như mong ước của má, hoặc sẽ làm điều gì đó trong đời. Hun hút trong tiềm thức là ước nguyện sâu thẳm khiến tôi lao đi. Tôi không muốn cuộc đời sẽ có thêm những Tân Lập khác, người dân sống co ro luồng cúi, chịu đựng những điều trái tai gai mắt mà cun cút sợ hãi chỉ vì biết đời con, đời cháu vẫn lệ thuộc vào những con dấu đỏ…

Bây giờ, giấc mơ đi ngược chiều gió là dáng má cong cong dấu hỏi giữa đêm. Má và mợ Út, hai người đàn bà tóc trắng tựa vào nhau. Cậu không còn nữa, mợ bơ vơ sống như gió trên đồng. Hai người mong Ruby chào đời có khi còn hơn cả tôi. Vậy mà tôi đánh mất. Tôi để mất Ruby khi cùng Văn theo đuổi vụ điều tra khuất tất ở công trình xây dựng. Trưởng ban thời sự bảo tôi để người khác làm thay, nhưng trực giác cho tôi biết mình đang đi đúng hướng và không thể bỏ cuộc. Tôi chỉ mới mang thai ba tháng, không bị nghén lại chưa cảm thấy vấn đề gì to tát về sức khỏe. Tôi nói với Tần, xong vụ này tôi sẽ không tham gia viết bài điều tra nữa. Nhưng cả tôi và Văn đều không hề biết, khi chúng tôi âm thầm điều tra thì cả hai cũng đã ở trong tầm ngắm.

Khi đã thu thập được hết bằng chứng, Văn chở tôi vội vã trở về cơ quan. Quãng đường 70km. Cả hai chỉ mong nhanh chóng về viết bài cho tòa soạn. Tôi tranh thủ sắp xếp câu chữ trong đầu, không mảy may nghĩ rằng kẻ ác có thể bỏ tiền ra mua mạng người có thể làm bất cứ điều gì. Một chiếc xe máy từ sau lao tới với tốc độ chóng mặt, người ngồi sau đá mạnh vào xe chúng tôi. Văn mất lái, lảo đảo. Chiếc xe trượt bánh trên đường nhựa khét lẹt. Tôi bị hất lên, văng xuống ruộng, bất tỉnh. Tôi không biết gì cho đến khi tỉnh lại trong bệnh viện. Văn bị gãy chân, chấn thương vùng đầu. Câu hỏi đầu tiên của tôi là: “Máy ảnh, tư liệu của tôi đâu?”

Nhưng câu trả lời của cô y tá lại là: “Chị nằm nghĩ, đừng chấn động”. Đến lúc ấy tôi mới cảm nhận cái đau trên cơ thể mình, nhìn xuống bụng, tim đau thắt. “Bác sĩ…”. Quai hàm tôi cứng lại. Nhiều giây sau, tôi mới được nghe: “Chúng tôi đã cố gắng nhưng không giữ đứa bé lại được, chị mất máu quá nhiều”.

Tôi ngã ra phía sau, trần nhà chỉ còn lại một khoảng tối mênh mông. Từ phía ấy, đôi mắt má đang nhìn. Tôi thấy mình rã rời, kiệt sức.

Bài điều tra không được hoàn thành, hình ảnh tự liệu đã bị lấy mất. Người gây tai nạn cho chúng tôi trước cơ quan điều tra khai báo là say rượu không kiểm soát được tay lái và chấp nhận bồi thường. Văn uất ức. Nhưng không có bằng chứng gì để chứng minh. Công an hỏi về tài sản chúng tôi báo mất, họ nói không biết. Văn bất lực. Lần đầu tiên tôi thấy người đồng nghiệp rắn rỏi, can trường bên cạnh tôi bật khóc.

***

2 tháng ở nhà quẩn quanh, tôi bị stress. Ngày ngày đi ra đi vào với nấm mộ bé con của Ruby, tôi sống lãng đãng như linh hồn. Tần đưa tôi ra khỏi thành phố, nhưng mọi thứ vẫn không khá hơn. Tần cũng già đi bên cạnh tôi. Chưa lúc nào tôi thấy đời mình bế tắc đến như vậy.

Tôi về, Văn giới thiệu cho vào làm ở Sóng Trẻ-trang báo điện tử, chuyên mảng giải trí. Văn nói:

Nghi cũng nên thay đổi cho khuây khỏa tinh thần. Lao vào công việc cũng là cách để lãng quên.

Tôi cũng không muốn nằm nhà nghỉ quẩn. Tôi đến làm việc tại Sóng Trẻ. So với ở Thời Đại thì công việc mới của tôi khá nhàn. Chủ yếu là tiếp xúc người nổi tiếng, tham dự các sự kiện giải trí, nghệ sĩ phát ngôn này nọ. Phóng viên được săn đón, thư mời tận tay, rồi phong bì, quà cáp chẳng phải mất công dang nắng dầm mưa đeo bám địa bàn, bị đuổi, bị cấm cửa vẫn ráng tiếp cận cho được. Chưa lúc nào tôi thấy nghề viết của mình lại sung sướng đến vậy. Đồng nghiệp cũ gặp, đùa: “Phóng viên thời sự nội chính giờ qua làm giải trí, thấy sao?”. Tôi cười, bảo: thấy “sao”.

Mỗi ngày tôi vẫn theo dõi tin tức thời sự nóng, còn cái tôi viết mỗi ngày là những thông tin có lẽ người dân nghèo sẽ chẳng quan tâm. Những vùng đất tôi đi qua người ta không có rạp để xem phim điện ảnh, càng không cách gì xem được những chương trình ca nhạc đắc đỏ. Người ta không quan tâm chuyện ca sĩ S. đồng tính, diễn viên Y. phát biểu gây sốc, chiêu trò PR hay những kiểu tạo xì-căng-đan để nổi tiếng của các người đẹp chân dài. Tôi từng là người không quan tâm đến những điều đó, nhưng bây giờ tôi phải lao vào guồng quay đó. Vì Sóng Trẻ cần, vì bạn đọc của Sóng Trẻ cần. Và vì Tần cần nhìn thấy tôi bình yên. Má, mợ Út cần tôi ngày về báo tin vui vì một Ruby khác.

Nhưng Ruby không trở lại.

Giống như thằng ku con mợ Út đã không trở lại.

Câu chữ của tôi vô hồn. Tôi viết mà thờ ơ với cả bút danh Phương Nghi của mình. Cái tên ở Thời Đại, mỗi một lần ký dưới bài viết là một lần nặng mang trách nhiệm. Với cơ quan, với nhân vật, với cả chính mình. Còn Sóng Trẻ là báo mạng, nên lúc nà cũng đòi hỏi cao lượng người đọc. Bài viết tít càng sốc thì càng thu hút người xem. Không riêng mảng giải trí, các thông tin thời sự nhất là mảng “tình tiền tù tội” đều được đặt cho những tiêu đề gây hoảng hồn đủ để người đọc nhấp chuột vào. Sếp Tổng trong buổi họp chuyên môn còn thẳng thừng bảo, làm thế nào giật tít càng câu khách thì càng tốt. Bài viết nào có số lượng người đọc cao vượt trội phóng viên sẽ được thưởng. Các phóng viên trẻ vỗ tay rào rào. Cậu phóng viên cùng ban tôi rỉ tai đắc ý “kiểu này đi rình các người đẹp lộ hàng là ra tiền”. Tôi ngồi cứng đơ.

“Lộ hàng” – thuật ngữ có lẽ chỉ có báo mạng thời hiện đại mới sử dụng. May mà tôi chỉ viết những bài phân tích vấn đề, không đến nỗi phải vác máy đi săn chân dài ngực khủng.

Nhưng cũng từ đó tôi bắt đầu hay cáu bẳn, mệt mỏi. Tôi không còn hào hứng kể chuyện công việc với Tần nữa. Anh là người rất thông cảm cho công việc trước đây của tôi nhưng bây giờ tôi có gì đâu để kể, chẳng lẽ về nói với anh rằng hôm nay ca sĩ C. họp báo phân trần scandal tình ái, rồi ca sĩ L. về nước giới thiệu hình ảnh sau chuyển đổi giới tính. Có gì hay ho. Những bữa cơm lặng lẽ hơn. Càng lúc tôi càng thấy khoảng cách giữa tôi và Tần trở nên xa dần. Những đêm anh làm việc khuya, tôi nằm trong phòng nhìn mảnh trăng dát bạt ngoài cửa sổ, thấy chúng tôi hình như đã đánh mất sự gắn kết từ lúc nào. Tôi không còn có thể chấp nhận Tần. Tôi đau khi anh cố gắng tìm lại Ruby. Cảm giác bất an thường trực khiến tôi rã rời. Những khoảnh khắc cùng Tần, ký ức với những mảng màu sáng tối chạy sượt qua đầu, liên tục như một cuốn phim chiếu chậm. Quá nhiều thứ khiến tôi rời rã như một người chịu đựng quá nhiều vết thương. Tôi khiến Tần cũng rời rã. Lạc điệu. Giấc ngủ đã bắt đầu quay lưng vào nhau như hai nửa trái tim đi ngược chiều.

Tôi mụ mị sống như một bóng ma đi lang thang trong ngôi nhà mình. Tần đi sớm hơn, về trễ hơn. Có đêm không về. Những bài báo viết xong tôi không thèm đọc lại. Showbiz cứ liên tục những xì-căng-đan mệt mỏi. Ngôi nhà của chúng tôi lạnh tanh, mỗi ngày tôi đều thắp hương lên nấm mộ gió của Ruby sau vườn nhà, cho gió thổi hương trầm ấm cúng.

Tôi quay quắt, tôi lầm lũi, u uất rồi tôi bỏ trốn. Trốn khỏi thành phố mỗi ngày 24 giờ đồng hồ quay cuồng nhanh chóng và mọi thứ đều dễ lãng quên. Tôi một mình một xe máy chạy băng băng trên xa lộ. Chạy mãi. Như cái thời mới ra trường tôi đã chạy chinh phục khắp các cung đường từ ven biển đến Tây Nguyên, từ miền Nam ra tận miền Trung. Bây giờ tôi chạy như kẻ mộng du. Bất kể thành phố. Bất kể Tần.

Tôi cứ chạy, cho đến khi tôi thấy mình đứng trên tảng đá cao nhìn xuống vách núi. Gió chiều lồng lộng. Xa tít tắp là màu xanh thăm thẳm, trùng trùng núi đồi nối đuôi nhau. Tôi dang tay, ngước mặt lên trời, hít thật sâu, nghe gió tràn qua mắt, qua mũi, cảm nhận được cả mùi của núi rừng. Thanh tao.

Phía bên kia hốc đá là đôi mắt tròn xoe, ngơ ngác nhìn.

Thằng nhóc đội mũ tai bèo, đi nhặt củi. Tôi cười với thằng bé, rồi nhớ sao là nhớ cái thời tôi cũng cong lưng đi ôm củi khô về chất đầy phía sau nhà.

Tôi chở thằng bé xuôi đèo về nhà. 5km vậy mà ngày nào nó cũng ngược con dốc ra chợ, gánh nước, nhặt củi, bẻ ngô. Lần đầu tiên kể từ ngày Ruby mất, tôi mới thấy lòng mình nhẹ tênh trước những câu chuyện kể ngây ngô của thằng bé con đen nhẻm. Tôi ở lại núi tai mèo lang thang trong những con đường mòn. Thấy mình nhỏ bé giữa đất trời bao dung. Tôi ngước mặt nhìn trời xanh, hỏi ông trời tôi đã sai gì mà phải đánh đổi, phải mất mát. Tôi còn lại gì cho mình sau những năm tháng bươn đi cho nguyện ước hằn sâu trong tiềm thức, để ngày tháng xếp chồng như đá núi. Ngày không có Tần, tôi còn Thời Đại và lý tưởng sống chưa bao giờ cạn. Tôi về với Tần, đánh mất Ruby và đánh mất cả câu chữ của chính mình. Lựa chọn nào là không mất mát.

“Về đi em! Về nhà mình. Không có em, Ruby sẽ buồn lắm”

Bất ngờ là tin nhắn của Tần. Tôi bã bời hỏi lại:

“Anh ở đâu?”

“Nhà mình. Đợi em”.

“Vậy sao?”

“Anh biết em cần được một mình, để biết em phải làm gì, cần gì. Nhưng anh không muốn em phải một mình quá lâu. Như vậy là đã đủ rồi Nghi, chúng ta sống, ở mỗi thời điểm đều cần trả lời cho mình câu hỏi: bây giờ cái gì là quan trọng? Anh yêu em!”

Tôi nhắm mắt. Bây giờ cái gì là quan trọng? Từ ngày mất Ruby, rời khỏi Thời Đại, ôm nỗi đau xao xác quay lưng về phía Tần, tôi cũng đã bỏ tôi đi, bao nhiêu lâu rồi tôi cũng không còn nhớ nữa, cũng không có gì với tôi là quan trọng. Để chiều nay nhặt lại mình giữa lòng núi mênh mông, đâu đó trong lồng ngực rã rời, tự tìm về với nhịp tim của chính mình. Bây giờ, cái gì là quan trọng? Tôi cứ hỏi như thế. Lẩm nhẩm. Lẩm cẩm.

Rối cứ thế leo ngược con dốc. Rời thung lũng tai mèo. Để được đường về. Để được lựa chọn.

Mà, trong bất kỳ đoạn đời nào, lựa chọn cũng là mất mát.

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast