Thúc đẩy giải ngân ODA với nhóm 6 ngân hàng phát triển

Sáng 29/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA giữa Ban chỉ đạo và Nhóm 6 ngân hàng phát triển.

Theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, điểm nổi bật trong năm 2013 là giải ngân vốn ODA đã có bước đột phá lớn. Đây là kết quả của sự quyết tâm và nỗ lực cao của Chính phủ với khẩu hiệu “Năm 2013 là năm đột phá về giải ngân”. Các bộ, ngành và địa phương đã phối hợp chặt chẽ với nhà tài trợ cải thiện tình hình thực hiện và thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA với nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện.

Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân năm 2013 đạt 5.137 triệu USD (ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi: 4.686 triệu USD; ODA viện trợ không hoàn lại: 451 triệu USD), cao hơn 23% so với năm 2012. Các nhà tài trợ quy mô lớn vẫn tiếp tục được duy trì mức giải ngân cao (Nhật Bản (JICA): 1.686 triệu USD, WB: 1.359 triệu USD). Riêng ADB đã có sự đột phá về mức giải ngân năm 2013, lần đầu tiên tổng giải ngân của ADB vượt ngưỡng 1.300 triệu USD.

7 thách thức lớn trong triển khai các dự án

Tuy nhiên, theo đánh giá chung tại Hội nghị, mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực song công tác quản lý và thực hiện nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi vẫn còn những tồn tại và hạn chế. Ý kiến từ các nhà tài trợ, cơ quan quản lý cho thấy, có tới 7 vấn đề vẫn là thách thức lớn trong triển khai các dự án.

Thứ nhất, trong quá trình xây dựng báo cáo khả thi, cơ quan chủ quản chưa thực sự sát sao trong việc giám sát chất lượng báo cáo do tư vấn lập, đặc biệt các vấn đề mang tính kỹ thuật nên khi triển khai thực hiện, thường phải điều chỉnh, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, trong nhiều trường hợp dẫn đến việc tăng vốn.

Tiếp theo, công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục chưa được cải thiện ở nhiều dự án đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, phát triển đô thị. Sự khác biệt về chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư giữa Việt Nam và nhà tài trợ, sự khác biệt về mức giá đền bù giữa các địa phương liền kề ở cùng một dự án. Quy hoạch ở các địa phương không ổn định đã dẫn đến việc phải điều chỉnh dự án và thiếu vốn đối ứng cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Tình trạng thiếu vốn đối ứng cũng xảy ra đối với các dự án đầu tư xây dựng. Mặc dù Chính phủ luôn ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi, song do ngân sách của Trung ương và của các địa phương bị hạn chế nên trong nhiều trường hợp chưa đáp ứng được nhu cầu tiến độ thực hiện, đặc biệt đối với các chương trình, dự án đầu tư.

Các cơ quan quản lý dự án cũng phản ánh tình trạng năng lực nhà thầu hạn chế, đơn cử như một số nhà thầu Hàn Quốc trong Dự án đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai. Bên cạnh đó, năng lực của các Ban Quản lý dự án còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vốn vay ưu đãi. Từ đó, vấn đề về quản lý hợp đồng (điều chỉnh giá, công thức tính trượt giá, lệnh thay đổi, chi phí kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng…) là một vấn đề gặp phải ở một số dự án ODA và vốn vốn vay ưu đãi.

Cuối cùng, việc điều chỉnh quy mô dự án do trượt giá phát sinh từ việc thực hiện dự án chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị

5 nhóm giải pháp lớn

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để cải thiện tình tình thực hiện và thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi, cần 5 nhóm giải pháp lớn.

Thứ nhất, nhóm giải pháp về hoàn thiện chính sách, thể chế cần mạnh mẽ đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, quy định ODA và vốn vay ưu đãi trong Luật Đầu tư công. Tiếp tục hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ, đặc biệt trong lĩnh vực GPMB và tái định cư, đấu thầu, quản lý tài chính, kiểm toán...

Thứ hai, các cơ quan quản lý Nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, cập nhật để có những điều chỉnh thể chế kịp thời phù hợp với từng giai đoạn.

Thứ ba, về nhóm giải pháp về điều hành thực hiện chính sách, cần tăng cường vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi trong việc xử lý các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị, chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án; xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo ODA và Nhóm 6 Ngân hàng phát triển (NHPT), chủ trì, phối hợp với Nhóm 6 NHPT định kỳ 03 tháng/lần tổ chức cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án chậm tiến độ, giải ngân thấp và có nhiều vấn đề vướng mắc

Thứ tư, nhóm giải pháp về đảm bảo các theo cam kết của phía Việt Nam cần đảm bảo các điều kiện liên quan đến công tác tổ chức bộ máy và năng lực quản lý của chủ dự án và Ban QLDA; bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng; thực hiện tốt công tác đền bù, GPMB và tái định cư...

Mặt khác, cần đảm bảo công tác giám sát và đánh giá các chương trình, dự án đạt hiệu quả cao, giải quyết kịp thời và có hiệu quả các vướng mắc phát sinh trong quá trình chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án.

Cuối cùng, cần nâng cao hiệu quả viện trợ, đảm bảo các chương trình, dự án được thực hiện và hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, xã hội và tài chính, đóng góp vào việc cải thiện đời sống của nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast