Lộc Hà: Bệnh nhi tăng do ý thức phòng bệnh thấp

Trong thời gian này tại Khoa Nhi ở các bệnh viện từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh, trẻ em nhập viện tăng. Một trong những nguyên nhân đó là do ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân còn thấp.

Bệnh nhi tăng

Theo báo cáo của Khoa Nhi - Cấp cứu - Lây, Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà, từ đầu tháng mười đến nay, tại Khoa Nhi mỗi ngày có từ 6 đến 10 cháu nhập viện. Quân bình mỗi ngày có 20 bệnh nhân nhi dưới 6 tuổi điều trị tại khoa, trong khi đó khoa chỉ có 14 giường bệnh giành cho cả người lớn và bệnh nhi nên không tránh khỏi có ngày bệnh nhân nhi phải nhằm từ 2 đến 3 cháu/1 giường.

Một bBệnh nhân nghi bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện đa khoa Lộc Hà
Một bBệnh nhân nghi bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện đa khoa Lộc Hà

Bác sỹ Trần Thị Thu - Phó trưởng khoa Nhi - Cấp cứu - Lây, Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà cho biết: “So với thời điểm này tháng trước thì bệnh nhi dưới 6 tuổi tại khoa tăng 50%, hầu hết các cháu bị viêm phổi, có một số cháu nghi bệnh tay chân miệng, nhưng chúng tôi đã kịp thời cứu chữa nên hầu hết điều trị tại địa phương từ 3 đến 7 ngày thì khỏi bệnh, có một số cháu bệnh nặng phải điều trị trên 10 ngày. Thời điểm từ nay cho đến tết sẽ có nguy cơ bệnh nhi còn tăng mạnh”.

Nhận thức của người dân về phòng bệnh còn thấp

Tình trạng bệnh nhân nhi tại Lộc Hà đều dưới 6 tuổi. Ở độ tuổi này, sức đề kháng của các cháu còn kém, vì thế các cháu dễ bị bệnh tật tấn công, cộng với ý thức của cha mẹ, người nuôi trẻ về phòng chống dịch bệnh cho trẻ còn thấp, môi trường bị ô nhiễm thì nguy cơ các cháu mắc phải một số bệnh là rất lớn.

Bà Trần Thị Văn - xóm 7 - Thạch Bằng vừa kể vừa gạt nước mắt: “Con dâu sinh đôi, khi mới sinh cả hai cháu đều khỏe mạnh, nhưng do nhà chật chội, mẹ nó hơ, sấy, xông luôn trong phòng và phòng lúc nào cũng đóng kín cửa. Bây giờ các cháu chỉ mới hơn một tháng nhưng cháu viêm phổi cháu viêm tai. Mẹ cháu sinh xong được 20 ngày thì phải mổ ruột thừa nên sức khỏe yếu, nên cả 2 bà nội, ngoại mặc dù gần 70 tuổi nhưng phải đi chăm cháu. Khi mới vào cháu ho, thở khò khè, hay khóc, nôn nhưng sau khi điều trị được 3 ngày thấy cháu đỡ hơn nhiều ăn không nôn, ít khóc, thở nhẹ hơn chị ạ”.

Nằm cạnh giường là con Chị Lê Thị Nhung - Xóm 14 - Bình Lộc, mẹ cháu nghẹn ngào trong giọng nói: “Cháu mới được 5 tháng nhưng đã bị viêm đường hô hấp trên, mặc dù gia đình chăm sóc cháu chu đáo nhưng do nhà tôi ở gần chợ, phía sau nhà có đóng rác to, các chất thải ra từ chợ nên mùi hôi thối bay lên nồng nặc. Đến đây cháu được chăm sóc chu đáo nên sau 3 ngày cháu đỡ hơn nhiều”.

Còn cháu Phạm Thảo Nguyên 13 tháng - xóm 13 - Thạch Mỹ, Khi vào viện trong tình trạng sốt, tay chân có nhiều đốm đỏ, nghi bệnh tay chân miệng. Sau khi điều trị được 7 ngày cháu đã đỡ hơn nhiều. Cháu là con đầu được mẹ trực tiếp chăm sóc, nhưng do mẹ chủ quan, không hiểu biết nhiều nên thường cho cháu chơi các đồ chơi bẩn, sau đại, tiểu tiện thường rửa qua nước lạnh nên cháu mới bị bệnh. Bây giờ thấy cháu khóc lóc, đau đớn tôi rất hối hận. Chị Nguyễn Thị Hạnh kể trong nước mắt.

Chủ động phòng chống dịch bệnh.

Bác sỹ Thu cho biết thêm: Để cho trẻ có sức khỏe tốt, phát triển toàn diện các bậc cha mẹ khi thấy trẻ có các biểu hiện: ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi thì nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, hướng dẫn và điều trị kịp thời. Tốt nhất là hãy chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp đơn giản như: khi trời lạnh không nên cho các cháu nhỏ ra ngoài trời. Nếu buộc phải cho cháu ra ngoài khi trời lạnh cần hết sức chú ý, cho mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người, đặc biệt giữ ấm cổ. Tăng cường dinh dưỡng trong bữa ăn. Giữ nhiệt độ phù hợp cho trẻ, không để trẻ tiếp xúc với không khí nóng, lạnh đột ngột. Tránh một số thói quen có hại như hút thuốc ở trong nhà có trẻ nhỏ. Các bà mẹ đang cho con bú cần ủ kín bầu sữa khi đi ra ngoài trời lạnh. Giữ gìn vệ sinh cho trẻ. Đối với các bà mẹ vừa mới sinh nên hơ, sấy riêng phòng khác không nên hơ, sấy trong phòng có trẻ. Tiêm phòng vacxin đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast