Tai nạn giao thông vẫn ở mức báo động

Theo báo cáo của Phòng CSGT - Công an Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, tình hình trật tự ATGT diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là TNGT vẫn đang ở mức đáng báo động và tăng trên cả 3 mặt. Toàn tỉnh xẩy ra 230 vụ TNGT (tăng 57 vụ) làm chết 249 người (tăng 41 người), bị thương 144 (tăng 23 người), thiệt hại tài sản ước tính hơn 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, cũng trong năm 2010, va chạm giao thông xảy ra 262 vụ, làm bị thương nhẹ 261 người, hư hỏng 4 xe ô tô, 156 xe mô tô và 16 xe đạp.

Trong số 230 vụ TNGT nói trên thì quốc lộ 1A chiếm phần lớn với 115 vụ, quốc lộ 8A 25 vụ, tỉnh lộ 23 vụ, đường liên xã 43 vụ... Địa bàn xẩy ra TNGT nhiều nhất là Kỳ Anh với 58 vụ (tăng 29 vụ), 50 người chết (tăng 15 người), 56 người bị thương (tăng 9 người). Tiếp đó là Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Can Lộc. Nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu do chạy quá tốc độ quy định, đi sai phần đường, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật và điều khiển phương tiện tránh xe sai quy định...

Đa số vụ tai nạn xảy ra từ đầu năm đến này chủ yếu giữa ô tô với xe máy
Đa số vụ tai nạn xảy ra từ đầu năm đến này chủ yếu giữa ô tô với xe máy

Đáng chú ý là số vụ TNGT liên quan đến xe ô tô với xe mô tô chiếm phần lớn với 96 vụ (chiếm gần 50%) và thời gia xảy ra chủ yếu từ 12 - 24h (chiếm 80%).

Trong năm, lực lượng CSGT Hà Tĩnh đã lập biên bản xử lý 59.668 trường hợp vi phạm, trong đó, 12.356 xe ô tô, 47.295 xe mô tô, 17 xe khác với số tiền phạt gần 16 tỷ đồng. Cùng đó, cơ quan CSGT tạm giữ 1.586 phương tiện, trong đó, 1.538 mô tô, 48 ô tô, tước GPLX 455 trường hợp.

Được xác định là lực lượng nòng cốt trong việc đảm bảo ATGT, Phòng PC67 luôn chú trọng đến công tác tham mưu cho lãnh đạo các cấp kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự ATGT trong từng trường hợp, từng thời điểm cụ thể, đồng thời triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên nhằm góp phần ổn định tình hình trật tự ATGT trên địa bàn.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh đã phối hợp với Công an các huyện, thị, thành phố phân công các lực lượng trên các khu vực trong đô thị tập trung phòng chống và xử lý hiện tượng đua xe trái phép, gây ùn tắc tại các khu vực trung tâm. Đối với các huyện, giao cho các đội TTKS phụ trách tuyến và địa bàn cùng với lãnh đạo Phòng phụ trách địa bàn đó khảo sát các điểm, tuyến phức tạp để có phương án, kế hoạch chủ động phối hợp giải quyết.

Cũng theo tinh thần chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an Hà Tĩnh, trong năm 2010, lực lượng CSGT chỉ tập trung xử lý nghiêm đối với người điều khiển xe mô tô vi phạm các lỗi như: không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, đi sai phần đường, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Đối với xe ô tô thì tập trung vào các loại xe chở khách và các lỗi vi phạm như chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ, đi sai phần đường, ngồi trên xe không thắt day an toàn… Riêng lỗi chở quá số người quy định thì xử lý nghiêm ngoài việc buộc chủ xe phải sang khách thì còn bị tạm giữ phương tiện từ 15-30 ngày và phạt tiền từ 4-5 triệu đồng.

Đại tá Nguyễn Thanh Bảo - Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an Hà Tĩnh cho biết: khác với những năm trước, trong năm 2010, lực lượng CSGT đã được tăng cường TTKS 24/24 giờ tại 3 điểm gồm phía Bắc và phía Nam quốc lộ 1A, 1 điểm trên quốc lộ 8A, ngoài ra còn phối hợp với lực lượng của Cục CSGT lập 1 đội cơ động tuần tra ngoài giờ để hạn chế các phương tiện lợi dụng lúc nghỉ trưa và thời gian giao ca để vi phạm. Đồng thời, Phòng cũng tập trung xử lý tốc độ đối với các loại xe khách nhằm hạn chế tình trạng chạy quá tốc độ để đón khách nên đã hạn chế tối đa tình trạng phóng nhanh vượt ẩu và chở quá số người quy định.

Theo đánh giá của Đại tá Nguyễn Thanh Bảo, ngoài những nguyên nhân khách quan như lỗi do thời tiết trời mưa nhiều, hệ thống đường giao thông còn nhiều bất cập, thì chủ yếu TNGT xẩy ra vẫn là do ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện giao thông quá yếu kém, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô uống rượu bia, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng, chạy quá tốc độ quy định.

Nỗ lực lập lại TTATGT của lực lượng CSGT Công an Hà Tĩnh đã góp phần hạn chế nhưng chưa thể giảm số vụ, số người chết và số người bị thương. Đây cũng là câu hỏi làm dư luận đang hết sức quan tâm. Liệu các biện pháp tuyên truyền và công tác tuền tra kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT nói riêng và các ngành chức năng nói chung từ trước tới nay đã hợp lý chưa hay là đang thực hiện theo kiểu chiếu lệ?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast