Dạy, học bù sau lũ

(Baohatinh.vn) - Mưa lũ liên tiếp đã khiến nhiều trường ở Hà Tĩnh bị gián đoạn việc dạy, học trong một thời gian dài. Ngay sau lũ các trường đã khẩn trương tổng vệ sinh để đón học sinh quay trở lại học tập, đồng thời lên kế hoạch dạy bù để đảm bảo chương trình quy định cho học sinh.

Sau lũ, chúng tôi đã đến những vùng bị ngập sâu Sơn Bằng (Hương Sơn), Đức Lĩnh (Vũ Quang), Đức Tùng, Đức Châu (Đức Thọ)..., cảm động chứng kiến cảnh nhiều phụ huynh cùng thầy cô giáo mặc dù nhà đang ngập nước rất cần người dọn dẹp vệ sinh nhưng vẫn lao đến trường để tham gia tổng vệ sinh, đẩy bùn cát ra khỏi lớp học...

Đến sáng ngày 23/10, cơ bản 100% số trường và điểm trường trong tỉnh đã đón các em học sinh trở lại học bình thường. (Ảnh minh họa)

Đến sáng ngày 23/10, cơ bản 100% số trường và điểm trường trong tỉnh đã đón các em học sinh trở lại học bình thường. (Ảnh minh họa)

Đến sáng ngày 23/10, cơ bản 100% số trường và điểm trường trong tỉnh đã đón các em học sinh trở lại học bình thường. Đây được xem là nỗ lực của ngành giáo dục Hà Tĩnh cùng sự giúp sức của cả cộng đồng trong việc hỗ trợ vệ sinh trường lớp ngay sau khi nước lũ rút.Trường THCS Lê Hồng Phong nằm ở xã Trường Sơn thuộc vùng ngoài đê La Giang của huyện Đức Thọ. Đây là năm đầu tiên trường sáp nhập thêm học sinh các trường ở ba xã bên cạnh. Trường đã hoàn thành việc tổng vệ sinh ngay sau lũ rút dưới sự giúp sức của các xã viên HTX Môi trường của xã.

Do học sinh và thầy cô đều sinh sống ở vùng ngoài đê - nơi chưa mưa đã lụt, nên từ khi khai giảng đến nay, mới 8 tuần học mà trường đã ba lần phải cho học sinh nghỉ học 15 ngày do ảnh hưởng các cơn bão. Đợt nghỉ do ảnh hưởng của bão số 11 này là dài nhất, gần một tuần lễ. Mưa lũ không chỉ làm chậm lịch của học sinh toàn trường mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi, nâng cao chất lượng mũi nhọn của nhà trường.

Tuy nhiên, theo thầy hiệu trưởng Nguyễn Tiến Trung: Thuận lợi của trường là cơ sở vật chất đủ đáp ứng việc học một ca nên việc học bù có thể tiến hành vào buổi chiều và ngày thứ 7. Nhằm tránh áp lực cho học sinh, nhà trường đã lên kế hoạch, phân công giáo viên bố trí dạy bù rải cho đến hết học kỳ 1.

Thầy Trung còn cho biết thêm: Do có kinh nghiệm ứng phó ở vùng lũ, Ban giám hiệu đã lên kế hoạch dạy, học bù (khoảng 3 tuần) ngay từ hôm chuẩn bị khai giảng. Thời khóa biểu của các lớp luôn phải thay đổi theo “thời tiết” của từng cơn bão để cân đối việc học bù của các em cho hợp lý và đảm bảo chất lượng.

Giáo viên Trường mầm non Liên Minh (Đức Thọ) vệ sinh bàn ghế, đồ dùng dạy - học sau lũ.
Giáo viên Trường mầm non Liên Minh (Đức Thọ) vệ sinh bàn ghế, đồ dùng dạy - học sau lũ.
Giáo viên Trường mầm non Liên Minh (Đức Thọ) vệ sinh bàn ghế, đồ dùng dạy - học sau lũ.

Các trường học ở dọc triền sông hay vùng rốn lũ như Liên Minh, Đức Quang, Đức Châu (Đức Thọ); Sơn Bằng, Sơn Thịnh (Hương Sơn), Hương Thủy, Phương Mỹ (Hương Khê)... các thầy cô cùng phụ huynh và các lực lượng hỗ trợ khác đã “hy sinh” cả ngày nghỉ cuối tuần và Phụ nữ Việt Nam 20-10 để “đánh vật” dọp lớp bùn dày ra khỏi các lớp học và tổng vệ sinh...

Nhiều trường còn phải lo sửa chữa số bàn ghế, thiết bị dạy học bị hư hỏng, phần điện phòng thực hành công nghệ bị gián đoạn; phơi sách báo, tạp chí, tài liệu và đồ dùng dạy học bị ẩm, ướt... Có trường do không đủ phòng học phải học hai ca, nên lịch dạy, học bù được nhà trường phải bố trí học vào ngày chủ nhật và tuần nghỉ giữa học kỳ 1. Việc nghỉ giữa kỳ học kỳ 1 để giáo viên tổ chức sinh hoạt chuyên môn, triển khai tập huấn sinh hoạt chuyên đề nhưng ở vùng ngập lụt Hà Tĩnh được thay bằng việc tranh thủ dạy, học bù...Vì vậy, thầy cô giáo ở đây sẽ vất vả hơn.

Thầy Trần Đình Hùng- Trưởng Phòng Giáo dục huyện Hương Khê cho biết: “Giáo dục Hương Khê là một trong đơn vị thiệt hại nặng nề nhất với 38 trường bị ngập nước với tổng thiệt hại cơ sở vật chất hơn 3,9 tỷ đồng; trong đó có 9 trường ngập sâu thiệt hại nặng nề... Ngay sau khi nước rút, phòng đã chỉ đạo các trường tập trung khắc phục cơ sở vật chất để tổ chức dạy, học kịp thời. Các trường đều lên kế hoạch dạy bù vào thời gian nghỉ giữa kỳ hoặc tăng tiết học trong những buổi học chính, nhất là đối với trường học hai ca...

Qua những đợt đi thực tế bão lũ, chúng tôi nhận thấy, tại vùng lũ, đội ngũ Ban Giám hiệu và giáo viên đều luôn chủ động trong phòng chống lũ bão, đảm bảo an toàn cho bản thân và các em học sinh; đặc biệt các thầy cô đều nêu cao tính chủ động trong việc hoàn thành chương trình, nội dung giảng dạy do ngành giáo dục đặt ra, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Nhiều giáo viên lạc quan: Việc dạy, học bù sau lũ, chúng tôi có đầy kinh nghiệm, nhất là năm 2010, xẩy ra trận lũ lịch sử kéo dài đúng một tháng ròng.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục Hà Tĩnh: Mưa lũ đã làm 227 trường học ngập sâu trong nước, hơn 62 nghìn học sinh tất cả cấp học ở Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ... phải nghỉ học. Nhiều trường bị đổ sập tường rào, cổng trường; toàn bộ thiết bị của các trường, nhất là trường mầm non (chăn màn, gối đệm, đồ dùng, đồ chơi của học sinh, thiết bị nghe nhìn...) cùng tài sản của giáo viên nội trú bị trôi, vùi sâu trong bùn đất; nhiều trường không có sách vở, tranh ảnh, thiết bị, đồ dùng phục vụ việc dạy học sau này. Tổng thiệt hại toàn ngành ước 7,8 tỷ đồng; trong đó Phòng Giáo dục: Hương Khê 3,9 tỷ, Hương Sơn 2,35 tỷ, Vũ Quang 1,5 tỷ.... Hầu hết các trường đều phải cho học sinh nghỉ học ít nhất cũng dăm bảy ngày.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast