GDP đầu người của Việt Nam đạt 3.500 USD vào năm 2020

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt 3.200- 3.500 USD vào năm 2020, tăng khoảng 1.000 USD so với hiện nay.

Tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, mục tiêu 5 năm tới (2016-2020) Việt Nam sẽ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế cao hơn giai đoạn trước, dự kiến tăng trưởng bình quân 6,5- 7%/năm.

GDP đầu người của Việt Nam đạt 3.500 USD vào năm 2020 ảnh 1

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 1000 USD trong 5 năm tới.

Thu nhập bình quân đầu người theo đó đạt 3.200- 3.500 USD vào năm 2020, tăng khoảng 1.000 USD so với hiện nay.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Davidne, Đại sứ Cannada cho biết, tăng trưởng GDP đầu người ở Việt Nam đạt trung bình 5,5%/năm kể từ năm 1990 góp phần tăng thu nhập bình quân 3,5 lần, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới.

Ông Davidne cho rằng, cơ chế thương mại mở cửa mang lợi nhiều lợi ích, thúc đẩy cải cách ở Việt Nam. Việc tham gia TPP mang lại cho Việt Nam cơ hội đạt được tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa cao hơn cũng như hội nhập quốc tế và cải cách sâu rộng.

Việt Nam, quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhất trong nhóm, đã có một vị thế tốt để hưởng lợi từ Hiệp định này.

Theo một số ước tính, việc triển khai TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 8% năm 2035. Các ước tính khác còn cho rằng Việt Nam có thể tăng trưởng tới 2 con số, cao hơn nhiều so với bất kỳ một quốc gia TPP nào khác. Hiện nay, các thành viên TPP đang chiếm khoảng 40% sản lượng xuất khẩu, 22% sản lượng nhập khẩu và 38% đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Tuy nhiên Hiệp định TPP cũng mang tới nhiều rủi ro nếu như không có sự triển khai và cam kết cẩn trọng, Việt Nam có thể bị đánh mất nhiều lợi ích.

Bên cạnh việc giảm thuế xuất vào hàng hóa, thương mại, các công cụ giảm rào cản đối với thương mại dịch vụ và các biện pháp phi thuế quan, thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như việc giảm thiểu vai trò của doanh nghiệp nhà nước với thị trường được coi là cơ sở tốt tạo điều kiện cho cải cách cơ cấu và thể chế ở Việt Nam bao gồm cải cách đất đai.

Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ kích thích các cải cách thể chế để tăng cường và chuẩn hóa các quy tắc cũng như tính minh bạch, hỗ trợ, tạo nên các thể chế hiện đại tại Việt Nam.

“TPP cũng sẽ đòi hỏi việc áp dụng tiêu chuẩn về môi trường và lao động nghiêm ngặt, được quy định bởi các nước phát triển. Đây sẽ là thách thức lớn nhưng cũng giúp Việt Nam hướng tới sự phát triển bền vững trong dài hạn”, ông Davidne nói.

Để thực hiện những mục tiêu đề ra trong 5 năm tới, Bộ trưởng Vinh cho biết giải pháp chủ yếu là phải tiếp tục phát triển kinh tế thị trường, tạo môi trường, động lực mới cho phát triển kinh tế- xã hội. Nâng cao chất lượng tăng trưởng nền kinh tế dựa vào tăng năng suất lao động, đóng góp của khoa học công nghệ.

Tập trung phát triển doanh nghiệp: Đẩy mạnh thực chất hơn cổ phần hóa mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, tạo môi trường thuận lợi và cơ chế ưu đãi cho phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Đặc biệt là khởi nghiệp doanh nghiệp, thúc đẩy sáng tạo.

Bên cạnh đó, cơ cấu lại ngành nông nghiệp; chú ý phát triển bền vững xây dựng nền kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; Tái cơ cấu lại Ngân sách Nhà nước, thị trường tài chính theo hướng đảm bảo an toàn nợ công, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả, huy động nguồn lực ngoài ngân sách, chú ý quỹ bảo hiểm xã hội; Tận dụng cơ hội hội nhập vượt qua thách thức…

Theo Infonet

Chủ đề Khu kinh tế Vũng Áng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast