Cửa Nhượng, cảnh đẹp, làng vui

(Baohatinh.vn) - Nhượng Bạn ngày xưa và Cẩm Nhượng ngày nay thuộc vùng biển cửa, núi sông, danh thắng kỳ vĩ và những câu ví, điệu hò mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Nơi đây, một thời từng được mệnh danh là xứ kinh kỳ của dãy đất miền Trung, đang vươn mình trỗi dậy xây đắp cuộc sống mới.

Cách thị trấn Cẩm Xuyên khoảng 15 km về phía Ðông, Cửa Nhượng được hình thành cách đây hơn 600 năm. Cư dân vùng biển Cửa Nhượng lập nên làng Nhượng Bạn, cuộc sống chủ yếu dựa vào nghề khai thác, đánh bắt hải sản, cung cấp cho thị trường nhiều thứ đặc sản biển nổi tiếng. Đây là vùng biển cửa sơn thủy hữu tình với những sinh hoạt văn hóa tinh thần như đánh cờ người, hội chèo bơi, hò chèo cạn, hò đẩy thuyền… mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, hấp dẫn du khách muôn phương. Tọa lạc trên một doi cát hình bán nguyệt, phía Bắc Cửa Nhượng giáp núi Thiên Cầm (còn gọi là rú Cùm) gắn với câu chuyện lịch sử về Hồ Quý Ly và triều đại nhà Hồ thời Minh thuộc. Phía Đông nam có núi Voi (Tượng Lĩnh) chắn gió. Nơi đây, hàng năm, đến tháng 6 âm lịch, có những đàn chim cu kỳ bay về rợp trời. Đó là loài chim mỏ đỏ, thịt chắc và thơm lừng. Cu kỳ và đẻn (rắn biển) là đặc sản của vùng này, ai được nếm một lần sẽ nhớ mãi.

Đền Cả được xây dựng vào khoảng giữa triều Lê (1428 - 1527).

Đền Cả được xây dựng vào khoảng giữa triều Lê (1428 - 1527).

Tương truyền, đất Hà Hoa xưa, có một người con gái đẹp người, đẹp nết lại hát hay, tên là Hoàng Càn. Bà được tiến làm cung phi cho vua Trần. Đây là người có công lớn đối với làng Nhượng Bạn, về sau, được dân lập đền thờ. Cùng với đền thờ bà Hoàng Càn, ở Nhượng Bạn có một ngôi đền lớn, có giá trị kiến trúc đặc sắc là đền Cả. Chung quanh đền có thành, gọi là thành đền, trong đền có nhiều bức tượng tựu trung cả hai nền nghệ thuật điêu khắc phía Bắc và phía Nam.

Nói về sử tích đền Cả, cụ Trần Xuân Tích (84 tuổi) – người trông coi đền cho hay: Đây là ngôi đền hợp tự, được xây dựng vào khoảng giữa triều Lê (1428 - 1527), thờ những người có công lớn với nước, tiêu biểu là Lý Nhật Quang (hoàng tử triều Lý); Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu; danh tướng Lê Khôi (các vị này có đền thờ riêng và được thờ ở nhiều nơi). Lý Nhật Quang là người có công đầu mở mang vùng đất Nghệ Tĩnh. Bà Nguyễn Thị Bích Châu (quê Nam Định) là cung phi của vua Trần Duệ Tông, có tài trị nước, nhìn xa, trông rộng, từng dâng “Kê minh thập sách” (Mười kế sách trị nước) cho vua.

Nằm về phía Đông theo hướng biển còn có chùa Yên Lạc, tọa lạc trên mảnh đất đầu làng, là một công trình kiến trúc cổ độc đáo với bộ tượng Phật khá đầy đủ, nguyên bản nhất tại vùng Hà Tĩnh đang được bảo quản, thờ phụng trang trọng trong các tam tòa. Trải qua hàng trăm năm với bao biến động của tự nhiên, đổi thay của lịch sử, song, với ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa, chính quyền và nhân dân địa phương đã thực hiện tốt công tác bảo quản, giới thiệu, tiếp đón khách trên mọi vùng, miền đến tham quan, nghiên cứu. Ngày nay, chùa Yên Lạc được khẳng định là nơi bảo lưu tốt hệ thống tượng pháp và các hiện vật có giá trị nhất trong vùng. Di tích chùa Yên Lạc nằm trong vành đai của khu nghỉ mát Thiên Cầm và là một trong những điểm tham quan của tuyến du lịch Hà Tĩnh. Du khách có dịp về chùa Yên Lạc thắp nén hương thơm thành kính và có những giây phút tĩnh lặng nơi cửa chùa, ngắm những tuyệt tác mỹ thuật, những hiện vật quý giá của người xưa để lại để thấu hiểu phần nào lịch sử hình thành, phát triển của một vùng đất, về tính cách con người, nét đặc trưng văn hóa tín ngưỡng của người dân Nhượng Bạn.

Cùng với các giá trị văn hóa vật thể tiêu biểu còn được lưu giữ, những làn điệu dân ca ví, giặm, hò, vè, được cư dân Nhượng Bạn lưu giữ từ hàng ngàn đời nay là báu vật mang đậm giá trị văn hóa tinh thần. Điệu “Hò chèo cạn” tạc vào cốt cách, tâm hồn cư dân vùng biển cửa như một nét đẹp đầy nhân văn. Nghệ nhân hò chèo cạn nổi tiếng của làng Nhượng Bạn - ông Trương Văn Hứa (87 tuổi) chia sẻ: “Hò chèo cạn” có từ xa xưa, được gắn với lễ hội cầu ngư. Những cung bậc âm thanh sâu lắng, trữ tình, thấm đẫm tình người của điệu hò chèo cạn với ý niệm cầu mong mưa thuận, gió hòa, tôm cá đầy khoang”. Đầu xuân, cư dân trong làng tổ chức lễ hội cầu ngư như một nét tín ngưỡng dân gian xưa - nay”.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng khẳng định: Cẩm Nhượng, vùng đất hiện hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị. Ðó là những bằng chứng sinh động, gắn liền với những biến cố lịch sử thăng trầm của ngư dân vùng biển cửa. Đặc biệt, cùng với danh thắng hữu tình, những giá trị văn hóa truyền thống là mạch nguồn bồi đắp để Cẩm Nhượng thực hiện tốt nghị quyết của Đảng về xây dựng con người, văn hóa Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển của quê hương, đất nước trong giai đoạn mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast