Độc giả phản hồi kết luận của VFF: Các vị tưởng chúng tôi là ai?

Sau một tuần chờ đợi kể từ thất bại muối mặt của tuyển U23 Việt Nam trước Myanmar trong trận “an ủi” tranh HCĐ, liên đoàn bóng đá Việt Nam cuối cùng cũng tổ chức một buổi “phê bình và tự phê bình” dài gần 3 tiếng đồng hồ...

Trong buổi họp báo với giới truyền thông, ông Nguyễn Lân Trung - PCT VFF phụ trách truyền thông và đối ngoại - là người đại diện cho VFF để công bố các kết luận chính thức. Phải nói rằng, những kết luận mà VFF đưa ra không có gì mới lạ, nếu không muốn nói là rất đáng thất vọng.

Độc giả phản hồi kết luận của VFF: Các vị tưởng chúng tôi là ai? ảnh 1
Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung

Điều thất vọng đầu tiên ở chỗ VFF đã quá coi thường người hâm mộ. Dù ông Trung đã công tác trong LĐBĐ Việt Nam một thời gian khá lâu nhưng ông chỉ là người chuyên ngồi bàn giấy, không phải là người làm bóng đá chuyên nghiệp. Không hiểu vì sao VFF lại chỉ cử một mình ông Trung ra tiếp chuyện các nhà báo, phải chăng vì ông Trung có chức danh phụ trách truyền thông? Ông Phạm Ngọc Viễn (PCT phụ trách chuyên môn) và ông Sỹ Hiển (Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia) đều là những người hiểu rõ chuyên môn nhất trong “bộ sậu” BCH VFF nhưng lại không ra mặt trả lời.

Vì không phải là người có chuyên môn nên ông Trung chỉ biết nhìn văn bản đọc và đọc. Lý do thất bại theo VFF là gì? Có khá nhiều gạch đầu dòng nhưng có thể tóm gọn trong 1 từ: “V-League”. Vị PCT giải thích rằng tại V-League có quá nhiều cầu thủ ngoại, mà đối tượng này chiếm hầu hết suất trên hàng công vì thế tiền đạo của ta không có… đất sống. “Cầu thủ ta trải nghiệm ít, kinh nghiệm còn non. V-League thi đấu một kiểu, đội tuyển ta không có VĐV ngoại nên thi đấu một kiểu khác”, ông Trung nói.

Trước hết cần phải nói rằng SEA Games là sân chơi dành cho những cầu thủ trẻ dưới 23 tuổi. Khó người khó ta, cầu thủ ta trải nghiệm ít chẳng lẽ các đội bạn có khá hơn? Hơn nữa, VFF vẫn luôn vỗ ngực tự hào là giải đấu do họ tổ chức hấp dẫn nhất, cạnh tranh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Không đâu như ở Việt Nam, các cầu thủ trẻ của chúng ta lại có điều kiện quan sát, tập luyện, học hỏi từ những “đàn anh” người nước ngoài dễ dàng như thế. Trải nghiệm quá đi chứ.

Lật lại vấn đề, nếu các CLB ở V-League chưa tin vào các cầu thủ trẻ, tại sao các CLB này không học tập các giải bóng đá hàng đầu châu Âu bằng cách đem cho các CLB hạng Nhất mượn? Khi thường xuyên được thi đấu, những cầu thủ trẻ này chắc chắn sẽ có điều kiện cải thiện chuyên môn. Phải chăng các CLB thuộc V-League cũng không “dư dả” quân để đem cho mượn? Mà như thế, chuyện đào tạo trẻ lại liên quan tới những kế hoạch vĩ mô của LĐBĐ Việt Nam rồi.

Tiếp đến, ông Trung cho rằng V-League thiên về bóng dài còn Falko Goetz chỉ biết… chỉ đạo các học trò đá bóng ngắn (?!). Trong quá trình tìm hiểu để đi tới ký kết HĐ cũng như trong thời gian thử việc, chẳng lẽ ông Falko Goetz không thể nhận ra mình có thể làm được gì cho tuyển U-23? Có quá liều không khi ông đăng ký (hay VFF giao chỉ tiêu?) là phải lọt vào trận chung kết? Tại sao các cầu thủ Brazil quen thi đấu bóng dài ở châu Âu khi về ĐTQG vẫn có thể thi đấu theo lối bóng ngắn được? Phải chăng các cầu thủ của chúng ta không tài năng để thích ứng được như thế hay do sự kém cỏi của HLV trưởng?

Chiếu theo nội dung như bản kết luận trên, bất cứ một HLV nào dẫn dắt tuyển Việt Nam mà gặp thất bại hoàn toàn có thể đổ lỗi cho V-League. Rồi đây, tất thảy sẽ áp dụng lối chơi “tiqui-taca” cho tuyển Việt Nam. Như thế, HLV vừa được tiếng thức thời, vừa có thể chiều theo ý của các CĐV khó tính lại vừa không sợ… mất việc.

Nếu nguyên nhân thất bại của tuyển Việt Nam là do giải V-League thì điều đó cũng đồng nghĩa VFF nhận hết lỗi thay cho Falko Goetz. Nhưng ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm? Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, trưởng đoàn và cũng là Tổng thư ký Quốc Tuấn? hay các vị “bình phong” trong hội đồng chuyên môn? Rốt cuộc là chẳng có một ai “xung phong” nhận trách nhiệm về mình cả. Ông HLV người Đức cũng đã thừa nhận trách nhiệm nhưng kèm theo những lý do… trời ơi đất hỡi, không xứng tầm với người có bằng cấp chuyên môn như ông Falko Goetz.

Người viết giả thiết rằng một khi Falko Goetz đã “nhận trách nhiệm” thì VFF hoàn toàn có quyền sa thải mà không phải lo lắng quá nhiều vì chuyện đền bù hợp đồng. Nhưng vì đâu VFF vẫn “trao thêm cơ hội” cho Falko Goetz? Liệu có phải VFF sợ bị đánh giá sai lầm trong việc thuê ông “Quyết”? Trong thể thao, thưởng phạt khá nghiêm minh. Cầu thủ ghi bàn lẫn cầu thủ kiến tạo bàn thắng đều có thưởng, người dính thẻ đỏ do có hành vi bạo lực thì bị phạt. Vậy tuyển U-23 của chúng ta không hoàn thành chỉ tiêu, thi đấu vô hồn, bạc nhược lại không có ai phải chịu phạt? Đóng cửa bảo nhau để êm ấm nhưng liệu có tốt cho sự phát triển?

Xin được mượn lời phát biểu của bầu Kiên trong hội nghị tổng kết mùa giải V-League 2011 thay cho lời kết bài này: “Các vị tưởng chúng tôi là trẻ con học lớp 1, lớp 2 hay sao?”.

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast