Xã hội hóa giáo dục - nhìn từ các trường tư thục bậc học mầm non

Những năm qua, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục nên bậc học mầm non tỉnh ta có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển hệ thống trường tư thục ở bậc học này đã mang lại hiệu quả nhiều mặt.

Chia sẻ gánh nặng trường lớp

Dù chỉ là thị trấn của một địa phương miền núi nhưng áp lực trường lớp đối với con em bậc học mầm non trên địa bàn thị trấn Hương Khê và các vùng phụ cận khá lớn. Hầu hết các trường công lập, bán công đều trong tình trạng quá tải với số lượng lên tới hàng trăm học sinh (HS), nhất là độ tuổi nhà trẻ.

Khi hoàn thiện, Trường Mầm non Trung Kiên có khả năng tiếp nhận 500 trẻ.
Khi hoàn thiện, Trường Mầm non Trung Kiên có khả năng tiếp nhận 500 trẻ.

Trước nhu cầu đó, Công ty TNHH Đức Thắng đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Trường Mầm non Trung Kiên với tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng, diện tích gần 5.000 m2, nhà 3 tầng với 18 phòng học và phòng chức năng hiện đại, khuôn viên sạch đẹp. Khi hoàn thiện, có khả năng tiếp nhận khoảng 500 trẻ từ 1-5 tuổi. Chị Nguyễn Thu Hoa (khối 2, thị trấn Hương Khê) chia sẻ: “Trường mới được xây dựng tạo điều kiện cho phụ huynh có thêm lựa chọn để trẻ được chăm sóc, giáo dục. Điều quan trọng là khắc phục được tình trạng quá tải”.

Trong bối cảnh hệ thống trường mầm non công lập và bán công đang chịu nhiều áp lực về hệ thống cơ sở hạ tầng thì sự ra đời và phát triển của các trường tư thục đã góp phần giải quyết tình trạng dôi dư HS. Điều này được khẳng định qua những cơ sở giáo dục tư thục đã trở thành thương hiệu như: Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du, Mầm non Hoa Sen (TP Hà Tĩnh). Những cơ sở giáo dục này mỗi năm thu hút hàng ngàn HS, quy mô trường lớp ngày càng mở rộng, tạo được uy tín.

Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục

Với mong muốn tất cả các cháu trong độ tuổi đi học đều được đến trường, tạo điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ tốt nhất ngay từ ban đầu và xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện, hiện đại để ươm mầm tài năng cho tương lai, các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này đang chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, xây dựng đội ngũ giáo viên để hoàn thiện các cơ sở giáo dục đang có. Do đó, chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ ở các trường mầm non tư thục trên địa bàn không hề thua kém các trường công lập, bán công, cá biệt có nhiều mặt vượt trội.

Học mà chơi. Ảnh: Internet
Học mà chơi. Ảnh: Internet

Với ý tưởng xây dựng một mô hình giáo dục có chất lượng mà không dùng đến ngân sách nhà nước, Công ty TNHH MTV Giáo dục HBE đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học hiện đại và xây dựng đội ngũ giáo viên, nhân viên đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng. Vì vậy, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở Trường Mầm non Hoa Sen không ngừng được cải thiện. Phụ huynh ngày càng yên tâm và tin tưởng bởi con em được chăm sóc chu đáo, có xe đưa đón, được theo dõi tình hình của con thông qua hệ thống camera trực tuyến. Đặc biệt, nhà trường chú trọng ươm mầm tài năng thông qua các môn học tự chọn như: âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ, tin học... Việc dạy học theo chủ đề, chủ điểm kết hợp với các môn học tự chọn đã giúp các em từng bước vượt qua quy chuẩn “bé khỏe, bé ngoan” để tiến tới tìm kiếm, lựa chọn “bé thông minh”.

Có lợi cho nhiều phía

Đối với trường mầm non tư thục, Nhà nước chỉ cần cho cơ chế, chính sách, không cần đầu tư ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, trả lương cho giáo viên và duy trì các hoạt động khác. Sự ra đời của các trường tư thục đã giải quyết việc làm cho hàng trăm giáo viên, nhân viên với mức thu nhập trên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục này cũng đã góp phần tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Ông Hồ Gia Bảo - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Giáo dục HBE khẳng định: “Đầu tư cho giáo dục doanh nghiệp không có nhiều lợi nhuận nhưng cộng đồng, xã hội lại được hưởng lợi rất lớn. Điều này đã được kiểm chứng qua những kết quả của Trường Mầm non Hoa Sen. Riêng về phía doanh nghiệp, sau hơn 5 năm đầu tư xây dựng, đến nay mới bắt đầu có lãi”. “Tuy nhiên, muốn kinh doanh trong giáo dục thì không phải có nhiều tiền là làm được tốt mà phải có tâm, sự hiểu biết nhất định về giáo dục hoặc phải có bộ máy chuyên sâu vì nó là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, cho sản phẩm đặc thù” - ông Bảo chia sẻ thêm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast