Xét xử vụ "cát tặc": Nhiều "góc khuất" cần làm rõ!

(Baohatinh.vn) - Sáng nay (29/5), phiên xử vụ "cát tặc" chiếm đoạt hơn 15.000m3 cát của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) chính thức bước vào phần thẩm vấn.

Xét xử vụ cát tặc: Nhiều

9h sáng nay, phiên tòa chính thức bước vào phiên thẩm vấn

Móc nối chiếm đoạt cát

Hành vi của Phạm Công Tùng và đồng bọn được bản cáo trạng số 04 ngày 17/1/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh mô tả: Ngày 1/7/2013, Formosa ký hợp đồng với Công ty TNHH Xây dựng HUNGYI để thi công công trình “Hồ chứa nước lũ và hệ thống đấu nối thoát nước” (hồ lắng) với nhiều hạng mục khác nhau. Thời hạn thực hiện từ 1/7/2013 đến ngày 20/1/2015 và Công ty HUNGYI có trách nhiệm giám sát.

Tuy vậy, Công ty HUNGYI không trực tiếp thi công mà ký hợp đồng với 3 nhà thầu khác gồm: Công ty Thượng Hải (vào ngày 20/7/2013), Công ty GEOHARBOUR Thượng Hải và Công ty JIO (ngày 2/1/2014). Công ty Thượng Hải lại "nhường" trách nhiệm thi công bằng việc ký hợp đồng với Công ty TNHH Thành Tâm (ngày 4/9/2013) và Công ty Hòa Việt (ngày 26/6/2014).

Ngày 12/6/2014, Công ty Thành Tâm giao kết bằng văn bản với Công ty TNHH Vượng Trường Lộc. Ngày 7/8/2014, việc thi công hồ lắng lại được đẩy sang cho Công ty TNHH Hải Anh.

Ngày 27/6/2014, Công ty Hòa Việt ký hợp đồng với Công ty Phúc Huy Thương. Và đầu tháng 7/2014, công ty này ký hợp đồng với Phan Xuân Cương (SN 1980, trú Thanh Chương, Nghệ An) và Đặng Xuân Bắc (SN 1981, trú Lục Nam, Bắc Giang) trực tiếp thi công.

Xét xử vụ cát tặc: Nhiều

Phạm Công Tùng và đồng bọn tại phiên xử sơ thẩm sáng nay (29/5)

Đến đầu tháng 7, tháng 8/2014, Phan Xuân Cương, Đặng Xuân Bắc, Dương Hữu Hải (SN 1979, trú xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) nhận hợp đồng thi công hạng mục đào xúc, vận chuyển, san ủi đất, cát từ hồ lắng đến bãi tập kết của Formosa. Lợi dụng việc Formosa giao toàn bộ quá trình thi công, thấy cát sạch nên Tùng đã bàn với Cương và Trần Xuân Hợp (SN 1988, trú phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh) lấy bán cho Công ty Liên Thành với giá 155 ngàn đồng/m3.

Từ ngày 15/7/2014 đến 31/7/2014, 3 đối tượng đã lấy 467 chuyến xe tải với khối lượng 9.670,36 m3 cát. Sau đó, Hợp sử dụng tờ phiếu “danh sách nhập xưởng nguyên liệu nhà thầu công trình” viết giả họ tên nhân viên bảo vệ cổng của Formosa chở đến bán cho Công ty Liên Thành với tổng giá trị cát gần 390 triệu đồng.

Cuối tháng 7/2014, Cương không đồng ý cho Tùng lấy cát bán cho Hợp nên Tùng làm việc cho Hải. Lúc này, Tùng bàn với Hải và Hợp tiếp tục lấy cát để bán cho Công ty Liên Thành. Do vậy, từ ngày 11/8/2014 đến 27/8/2014, Hợp, Hải và Tùng tiếp tục hành vi nói trên với 106 chuyến xe tải có khối tượng 2.312,38 m3, trị giá gần 92,5 triệu đồng.

Trần Xuân Hợp đã thanh toán cho Phạm Công Tùng 220 triệu đồng và Phạm Công Tùng trả công cho Dương Hữu Hải 45 triệu đồng; số tiền còn lại Tùng chi tiêu hết vào việc ăn uống, sửa chữa máy móc, tiền dầu.

Thời gian từ ngày 10/8/2014 đến ngày 27/8/2014, Bắc đã thông qua một số nhà thầu chở cát đến bán cho Công ty Liên Thành tổng cộng 134 chuyến xe tải với khối lượng 3.100 m3, trị giá 124 triệu đồng. Bắc đã nhờ nhân viên bảo vệ của Formosa viết giả khoảng 300 tờ “Danh sách nhập xưởng nguyên liệu nhà thầu công trình". Đầu năm 2016, Bắc được thanh toán số tiền 400 triệu đồng.

Như vậy, Phạm Công Tùng và đồng bọn đã chiếm đoạt của Formosa tổng cộng 707 chuyến xe tải cát với tổng khối lượng trên 15.000m3. Trong đó, Tùng và Hợp chiếm đoạt số tài sản gần 480 triệu đồng; Cương chịu trách nhiệm với số tiền gần 387 triệu đồng; đối với Bắc là 124 triệu đồng và Hải là 92,5 triệu đồng.

Để hợp thức nguồn gốc và làm cơ sở thanh toán số cát chiếm đoạt của Formosa bán cho Công ty Liên Thành, đồng thời tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng khi vận chuyển cát, Hợp đã thuê Nguyễn Văn Phượng (SN 1991, trú phường Kỳ Phương, TX Kỳ Anh) với tiền công 10 triệu đồng để Phượng viết giả họ tên nhân viên bảo vệ của Formosa dạng chữ Trung Quốc vào khoảng 600 tờ phiếu “danh sách nhập xưởng”. Song, Phượng không biết mục đích của Hợp sử dụng để chiếm đoạt cát của Formosa.

Các bị cáo đề nghị làm rõ tội danh

Tại phiên thẩm vấn, Phạm Công Tùng và đồng bọn cho rằng, không rõ cát thuộc sở hữu của ai và cũng không có văn bản nào quy định về việc xử lý số cát này như thế nào?

Xét xử vụ cát tặc: Nhiều

Phạm Công Tùng: "Do tin tưởng Cương là người được giao quản lý cát cho bán nên bị cáo thỏa thuận mua bán với Hợp. Giữa bị cáo và Cương, Hợp không có bàn bạc, trao đổi về việc chiếm đoạt cát của công ty FHS"

Phan Xuân Cương được Công ty Phúc Huy Thương cho thi công bằng... miệng với tư cách cá nhân. Đây cũng là nhà thầu ký kết hợp đồng với bị cáo Đặng Xuân Bắc trên tư cách cá nhân. Dương Hữu Hải được Công ty Vượng Trường Lộc cho tự chịu trách nhiệm về bãi đỗ mà không quy định đổ tại nơi nào.

Trong quá trình thi công, nhận thấy cát có màu vàng, đẹp và cho rằng lãng phí nếu đổ ra bãi thải nên Phạm Công Tùng đã gọi điện xin Cương. "Bị cáo và Cương chỉ là mối quan hệ làm ăn bình thường. Khi được sự đồng ý của Cương, bị cáo mới điện cho Hợp đến bán. Mỗi xe cát bán được, bị cáo trả cho Cương 200 ngàn đồng và Hợp trả cho bị cáo 500 ngàn đồng", Tùng trình bày.

Xét xử vụ cát tặc: Nhiều

Bị cáo Phan Xuân Cương cho rằng mình là người được Công ty Phúc Huy Thương giao thi công bằng... miệng, không quy định chi tiết, bắt buộc phải đổ cát này ở đâu nên nghĩ bản thân có quyền bán lại cho Tùng.

Do Công ty Phúc Huy Thương không quy định rõ phải đổ cát ở đâu, trách nhiệm như thế nào nên Cương nghĩ mình có quyền xử lý. Về phía Phạm Công Tùng, do thấy Cương làm quản lý thi công nên cho rằng số cát này thuộc sở hữu của Cương. Còn Trần Xuân Hợp, khi nghe Tùng gọi điện bán cát, đinh ninh đây là tài sản của đối tác.

"Do hợp đồng của Công ty Phúc Huy Thương ràng buộc rõ trách nhiệm nên khi thấy cát đổ ra ở bãi thải phí, vì vậy, bị cáo đã bán lại để kiếm tiền xăng dầu", Đặng Xuân Bắc cho biết.

"Chúng tôi chỉ yêu cầu về phần dân sự"

Tại phiên tòa, người đại diện theo pháp luật của Công ty Formosa là ông Trương Phục Ninh không tham dự. Người được ủy quyền với tư cách nguyên đơn dân sự có mặt tại buổi xét xử là ông Phạm Chí Trung.

Xét xử vụ cát tặc: Nhiều

Ông Phạm Chí Trung - người đại diện cho Công ty Formosa trả lời câu hỏi từ phía Hội đồng xét xử

"Năm 2014 (thời điểm xảy ra vụ án - PV), Formosa mới chỉ là công trường khổng lồ nên chúng tôi không thể kiểm soát. Để xảy ra vụ việc này, trong đó có một phần do sơ suất của Formosa", ông Trung thừa nhận.

Ông Phạm Chí Trung đánh giá việc định giá tài sản cát đã bị thất thoát là thấp và đưa ra yêu cầu bồi thường về dân sự số tiền gần 4,6 tỷ đồng. Đồng thời nhấn mạnh, "khi tham dự phiên tòa, chúng tôi chỉ có yêu cầu về mặt dân sự. Những việc còn lại, công ty đã cung cấp tại liệu đầy đủ tại cơ quan điều tra".

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận để làm sáng tỏ các tình tiết.

Chủ đề Tòa tuyên án

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast