Nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ

(Baohatinh.vn) - Giám sát, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao vai trò của tổ chức mặt trận cũng như xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Thời gian qua, công tác này đã được MTTQ các cấp thực hiện thường xuyên và đã có những đóng góp nhất định, nhưng nhìn chung, chưa rõ nét. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, MTTQ các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động.

Ông Hồ Văn Thái - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạch Tân (Thạch Hà) cho biết: Khó khăn lớn cần quan tâm nhất trong thực hiện giám sát, phản biện chính là yếu tố con người. Nhân lực phục vụ hoạt động này phải hiểu biết về pháp luật và có tâm huyết. Thứ nữa là về cơ chế hoạt động, theo quy định, chế độ chi trả cho ban thanh tra, giám sát cộng đồng tối thiểu không quá 3 triệu đồng/công trình, trong khi đó, có những công trình kéo dài cả năm. Mặt khác, trình độ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện cũng là vấn đề cần bàn”.

Nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ ảnh 1

Triển khai làm nhà ở cho hộ nghèo luôn có sự giám sát của các tổ chức thành viên thuộc Ủy ban MTTQ các cấp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác giám sát, phản biện của MTTQ các cấp, trong đó, chủ yếu là do trước đây chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của cấp trên về nhiệm vụ MTTQ cần làm trong giám sát, phản biện xã hội nên một số địa phương còn lúng túng hoặc lơ là; nhiệm vụ giám sát còn thực hiện chung chung, không xây dựng kế hoạch cụ thể và không chú trọng những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, thể hiện rõ vai trò của mặt trận, nhất là chưa tổ chức được các hoạt động giám sát riêng mà chủ yếu tham gia phối hợp với các đơn vị khác; chưa có chế tài cụ thể để xử lý vi phạm; kinh phí, các điều kiện thực hiện giám sát còn khó khăn. Còn đối với nhiệm vụ phản biện thì các cấp mặt trận có tham gia, nhưng còn mờ nhạt.

Cuối năm 2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW về “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền”.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhân Sâm cho biết: “Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị là tiền đề và căn cứ để MTTQ các cấp làm tốt hơn chức năng giám sát và phản biện xã hội. MTTQ tỉnh đã ban hành kế hoạch và tổ chức tập huấn triển khai thực hiện 2 quyết định trên cho các đối tượng là thường trực ủy ban MTTQ và lãnh đạo các tổ chức thành viên trực thuộc từ huyện, thành phố, thị xã đến xã, phường, thị trấn; giao cấp cơ sở tiếp tục tập huấn đến tận các khu dân cư. Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiến hành kiện toàn các hội đồng tư vấn (gồm các chuyên gia, những người có kinh nghiệm trên mọi lĩnh vực) làm nòng cốt để thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ ảnh 2

Hoạt động giám sát của Ban Thanh tra cộng đồng sẽ góp phần quan trọng tăng tính minh bạch và nâng cao chất lượng các công trình xây dựng ở cơ sở.

Cũng theo ông Sâm, MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuyên đề giám sát năm 2015, gồm 2 nội dung: giám sát việc thực hiện dân chủ trong huy động sự đóng góp của nhân dân để xây dựng nông thôn mới và các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh, học sinh ở các bậc học năm học 2014-2015. Đồng thời, triển khai các chương trình phối hợp giám sát với các tổ chức thành viên, Viện KSND, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư… theo chức năng. Về phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ đã kiện toàn hội đồng tư vấn, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi cấp ủy, chính quyền có yêu cầu. Đặc biệt, thời gian này, tập trung tham gia lấy ý kiến góp ý vào các văn kiện đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020 và chương trình, dự án lớn của tỉnh…

Giám sát, phản biện xã hội nhằm phát huy tính dân chủ, đại diện cho quyền, lợi ích của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Để MTTQ các cấp phát huy được vai trò, thiết nghĩ, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, còn cần sự quan tâm của cấp ủy trong công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ “có tâm, có tầm” làm công tác mặt trận và các đoàn thể, có như vậy mới thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ về giám sát, phản biện xã hội trong giai đoạn mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast