Ngư dân Hà Tĩnh gắn kết để vươn khơi trong mùa gió động

(Baohatinh.vn) - Trong mùa mưa bão, hoạt động khai thác và tiêu thụ hải sản gặp nhiều bất lợi nhưng ngư dân xã Thạch Kim (Lộc Hà) luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, đảm bảo hoạt động sản xuất.

Ngư dân Hà Tĩnh gắn kết để vươn khơi trong mùa gió động

Ngư dân xã Thạch Kim chuyển cá lên bờ sau một chuyến ra khơi đánh bắt

Là xã vùng biển ngang nổi tiếng về nghề khai thác và chế biến hải sản của Hà Tĩnh, xã Thạch Kim có 2.116 hộ, 8.563 nhân khẩu. Trong đó, hơn 70% dân số sinh sống phụ thuộc vào nghề biển. Đây cũng là nơi có cảng cá Cửa Sót - cảng cá lớn nhất tỉnh. Hằng năm, trữ lượng khai thác và chế biến hải sản của xã Thạch Kim lên đến hàng nghìn tấn.

Để hỗ trợ cho ngư dân và những lao động trong lĩnh vực nghề biển ổn định sản xuất trong mùa mưa bão, từ năm 2015, Nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim đã được thành lập. Với 242 đoàn viên tham gia khai thác hải sản trên 107 tàu thuyền, những năm qua, Nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim là chỗ dựa vững chắc giúp các ngư dân yên tâm đánh bắt và tiêu thụ hải sản.

Ngư dân Hà Tĩnh gắn kết để vươn khơi trong mùa gió động

Tiểu thương Thạch Kim thu mua hải sản đánh bắt từ thuyền của các đoàn viên trong nghiệp đoàn

Ông Lâm Cao Thiện - một ngư dân ở thôn Xuân Phượng cho biết: “Trước đây khi chưa thành lập nghiệp đoàn, nhiều lúc chúng tôi cảm thấy “đơn thương, độc mã”. Nhưng 6 năm nay, với sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau của các đoàn viên trong nghiệp đoàn, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn khi đánh bắt trên biển, nhất là mùa mưa bão”.

Vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 5, tàu của ngư dân Phạm Xuân Huy (thôn Giang Hà) gặp nạn, gãy chân vịt khi đang di chuyển từ ngoài khơi vào bờ. Nhận được tin báo, ông Lâm Cao Thiện cùng với một ngư dân khác đã báo cáo với nghiệp đoàn, lập tức đưa tàu ra ứng cứu thành công.

Ngư dân Hà Tĩnh gắn kết để vươn khơi trong mùa gió động

Trong điều kiện không tiêu thụ kịp, hải sản sẽ được các chủ kho đông lạnh thu mua cấp đông bảo quản.

Không chỉ giúp đỡ nhau trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, ngư dân Thạch Kim còn chia sẻ ngư trường khai thác thông qua bộ đàm liên lạc giữa các tàu. Những lúc gặp luồng cá lớn, các ngư dân đều thông báo cho nhau cùng đến đánh bắt. Trong nghiệp đoàn cũng có nhiều đoàn viên là chủ tàu đồng thời là hộ kinh doanh thu mua, bảo quản và chế biến hải sản, do vậy, việc tiêu thụ sản phẩm sau đánh bắt vào mùa mưa bão cũng thuận lợi hơn trước đây.

Bà Nguyễn Thị Hiệp (chủ cơ sở thu mua hải sản ở thôn Liên Tân) cho biết: “Là một thành viên của nghiệp đoàn, chúng tôi luôn ưu tiên việc thu mua sản phẩm khai thác của các đoàn viên. Đặc biệt, trong mùa này, nhiều lúc các thuyền đánh bắt về do ảnh hưởng thời tiết không tiêu thụ kịp, chúng tôi sẵn sàng thu mua để bảo quản và chế biến giúp ngư dân”.

Ngư dân Hà Tĩnh gắn kết để vươn khơi trong mùa gió động

Hiện, Nghiệp đoàn nghề cá Thạch Kim có 17 hộ dân xây dựng kho đông để bảo quản hải sản

Bà Hiệp là 1 trong 17 chủ cơ sở thu mua, bảo quản và chế biến hải sản tại xã Thạch Kim. Gia đình bà có 2 kho bảo quản, 1 kho cấp đông hải sản với trữ lượng 180 tấn/lần. Mỗi lần trước thời tiết xấu, các thuyền đánh bắt trở về, bà Hiệp chủ động liên hệ trước với ngư dân thu mua hết cho bà con.

Ông Lê Tiến Hải - Chủ nhiệm Nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim cho biết: “Khai thác hải sản là nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là việc đánh bắt trong mùa mưa bão gặp nhiều bất lợi. Trong điều kiện đó, chúng tôi đã tìm mọi biện pháp để cùng hỗ trợ các đoàn viên của nghiệp đoàn, như: hỗ trợ máy bộ đàm liên lạc trên biển, tổ chức đội thuyền cứu hộ khi xẩy ra sự cố, phối hợp với đồn biên phòng để tìm kiếm cứu nạn… Ngoài ra, việc tiêu thụ hải sản có sự kết nối chặt chẽ giữa các đoàn viên trong nghiệp đoàn”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast