Chuyện không chỉ vì chiếc ghế

Không phải đến lúc HLV Toshiya Miura bị VFF sa thải mà vấn đề nên hay không nên sử dụng HLV nội đã được dư luận nêu ra từ rất lâu, khi nhiệm kỳ của HLV Miura mới trôi qua được một nửa và nhà cầm quân người Nhật Bản bắt đầu bộc lộ những hạn chế của mình.

HLV Phan Thanh Hùng (phải) khi làm HLV trưởng ĐTQG tại AFF Cup 2012. Ảnh: VSI
HLV Phan Thanh Hùng (phải) khi làm HLV trưởng ĐTQG tại AFF Cup 2012. Ảnh: VSI

Có lẽ thành tích ấn tượng của HLV Kiatisuk Senamuang trên cương vị HLV trưởng các ĐTQG Thái Lan khiến nhiều người nghĩ rằng nếu bóng đá Thái Lan có thể gặt hái thành công với thầy nội thì bóng đá Việt Nam cũng hoàn toàn có thể làm được như vậy.

Đây là câu chuyện không mới, bởi cách đây 6 năm, khi bóng đá Malaysia lần lượt thâu tóm trọn bộ HCV SEA Games và AFF Cup trong giai đoạn 2009-2010 thì vấn đề sử dụng HLV nội theo kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” đã được nêu ra, và sau đấy lần lượt HLV Phan Thanh Hùng (năm 2012) và HLV Hoàng Văn Phúc (năm 2013) đã được bổ nhiệm làm HLV trưởng ĐTQG.

Thành tích của ĐTQG dưới quyền 2 ông thầy nội này gây thất vọng như thế nào có lẽ không cần nhắc lại, song nếu đặt lên bàn cân so sánh thì trừ HLV Hoàng Văn Phúc có vẻ hơi lép về, còn HLV Phan Thanh Hùng chẳng có gì thua kém so với HLV Nguyễn Hữu Thắng hay HLV Lê Huỳnh Đức, 2 nhân vật hiện được xem là những ứng viên sáng giá nhất cho vị trí HLV trưởng ĐTQG.

Vì thế, nếu giao ĐTQG cho HLV Hữu Thắng hoặc HLV Huỳnh Đức thì cũng chẳng có gì bảo đảm rằng bi kịch AFF Cup 2012 (với ông Hùng) hay bi kịch SEA Games 2013 (với ông Phúc) sẽ không lặp lại, bởi vấn đề của bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG dường như không phải là vị trí HLV trưởng. Tại sao lại như vậy?

Để trả lời cho câu hỏi này, hãy nhớ lại thời điểm trước thềm AFF Cup 2008, HLV Henrique Calisto từng suýt bị sa thải vì thành tích kém ấn tượng ở giải giao hữu đầu tiên là Cúp TP.HCM, và khi ông thầy người Bồ Đào Nha dẫn ĐT Việt Nam ra Hà Nội để thi đấu ở giải giao hữu tiếp theo là T&T Cup thì thậm chí người ta đã chuẩn bị sẵn nhân sự thay thế HLV Calisto trong trường hợp ông này bị sa thải.

Bản thân HLV Calisto cũng ý thức được điều này và lúc đấy ông đã thất vọng tới mức sẵn sàng buông xuôi theo mọi phán quyết của VFF.

Tâm sự với phóng viên Thể thao & Văn hóa vào thời điểm đó, HLV Calisto buồn bã nói: “8 năm tôi huấn luyện Gạch ĐT.LA thi đấu ở V-League, năm nào chúng tôi cũng có mặt ở Top 3, còn ngay lần đầu dẫn dắt ĐT Việt Nam tôi đã có HCĐ Tiger Cup 2002. Thế mà chỉ sau một giải đấu giao hữu không thành công, người ta đã quên đi tất cả. Lẽ ra chúng tôi phải như đi chung trên một con thuyền, lúc biển động hay khi lặng sóng đều luôn sát cánh cùng nhau mới đúng”.

Rất may là ĐT Việt Nam đã thi đấu không đến nỗi nào ở T&T Cup và HLV Calisto đã được bảo toàn vị trí cho tới AFF Cup 2008, nơi ông và các học trò đã làm nên lịch sử với chức vô địch bóng đá Đông Nam Á đầu tiên sau hơn 20 năm hội nhập.

Dông dài như thế để thấy rằng niềm tin hay sự kiên định là cái gì đó quá đỗi xa xỉ với bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG, và chỉ sau một giải đấu thất bại, thậm chí dù đấy chỉ là giải đấu giao hữu mang tính chất chuẩn bị, thì mọi thứ đều có thể bị thay đổi. Hãy hỏi xem HLV Phan Thanh Hùng và HLV Hoàng Văn Phúc đã bị đối xử như thế nào sau khi họ thất bại trở về từ đấu trường khu vực, dù trước đấy họ từng được mời lên dẫn dắt ĐTQG một cách đầy trọng vọng.

Bởi vậy mới nói vấn đề lớn nhất của bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG không phải là vị trí HLV trưởng.

Theo Huy Anh/Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast