Thăng trầm cây sắn công nghiệp ở vùng thượng Kỳ Anh (Bài 2): Cần chính sách mạnh hơn để kích hoạt chuỗi liên kết

(Baohatinh.vn) - Vụ sản xuất năm 2021, các địa phương trồng sắn nguyên liệu ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã đồng loạt thay giống mới để ngăn chặn bệnh khảm lá. Tuy nhiên, thời vụ trồng sắn đã chậm, diện tích đăng ký liên kết với doanh nghiệp còn khiêm tốn, cho thấy mối liên kết sản xuất trên vùng đất có nhà máy đứng chân vẫn chưa bền vững.

Thay thế giống cũ để ngăn bệnh khảm lá…

Video: Lãnh đạo huyện Kỳ Anh trao đổi về giải pháp thay đổi giống sắn cũ bị bệnh khảm lá (Video: Phạm Tuấn)

Được biết, hàng chục năm gắn bó với cây sắn, người dân Kỳ Anh vẫn có thói quen tự để giống cho vụ sau. Vì vậy, năm 2018, khi bệnh khảm lá tấn công cây sắn, việc sử dụng lại giống cây đã nhiễm bệnh là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh lan rộng, kéo dài, ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng.

Liên tục trong 3 năm (2018 - 2020), năng suất sắn chỉ đạt trên dưới 20 tấn/ha, thậm chí năm 2020 - cộng với ảnh hưởng của mưa lũ, năng suất chỉ còn hơn 19 tấn/ha. Trong khi đó, theo người trồng sắn Kỳ Anh, trước đây, khi thời tiết thuận lợi, nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch gần 25 tấn/ha.

Thăng trầm cây sắn công nghiệp ở vùng thượng Kỳ Anh (Bài 2): Cần chính sách mạnh hơn để kích hoạt chuỗi liên kết

Vụ sản xuất năm nay, các địa phương huyện Kỳ Anh tập trung tuyên truyền, vận động để các hộ trồng sắn tiêu hủy giống cũ, trồng giống mới.

Sau một thời gian khá dài cây sắn sống chung với bệnh khảm lá, vụ xuân 2021, huyện Kỳ Anh triển khai nhiều giải pháp để tạo sự thay đổi về giống.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, một mặt, huyện ban hành chính sách hỗ trợ cho những diện tích liền thửa quy mô 1 ha trở lên liên kết với doanh nghiệp (DN) từ khâu giống đến tiêu thụ, từ đó, khuyến khích người dân sử dụng giống mới; mặt khác, giao cho các địa phương tuyên truyền, vận động để các hộ trồng sắn tiêu hủy giống cũ, trồng giống mới có địa chỉ cung ứng tin cậy, ngăn chặn mầm bệnh khảm lá từ các vụ sản xuất trước.

Thăng trầm cây sắn công nghiệp ở vùng thượng Kỳ Anh (Bài 2): Cần chính sách mạnh hơn để kích hoạt chuỗi liên kết

Giống sắn mới KM 94 đang sinh trưởng và phát triển tốt ở xã Kỳ Sơn

Ông Nguyễn Xuân Mến - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết, vụ này không chỉ 110 ha liên kết với nhà máy sử dụng giống sắn KM 94 theo yêu cầu của DN, mà kể cả 140 ha không đăng ký liên kết, người dân cũng đã mua giống mới từ các đại lý cung ứng có uy tín.

Tại xã Kỳ Sơn, theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hồng Phương, giống mới KM 94 đã được vận chuyển từ Quảng Bình về cung ứng cho bà con sản xuất trên toàn bộ diện tích 215 ha.

Khuyến khích liên kết sản xuất

Dù cải thiện cơ bản khâu giống nhưng nông dân huyện Kỳ Anh vẫn chưa thay đổi được tập quán xuống giống muộn, trong khi cây sắn đòi hỏi thời gian sinh trưởng và phát triển ít nhất là 10 - 11 tháng để có hàm lượng tinh bột cao, đáp ứng yêu cầu chế biến của nhà máy.

Video: Lãnh đạo nhà máy mong muốn tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp, địa phương và người trồng sắn

Ông Nguyễn Quang Thành - Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thành Mỹ Phát miền Trung cho biết, khác với một số tỉnh khác ở khu vực miền Trung, người nông dân Kỳ Anh xuống giống khá muộn, thường là sau tết Nguyên đán và nhiều nơi kéo dài đến tận tháng 4. Cuối năm thu hoạch, sắn mới được khoảng 9 - 10 tháng nên hàm lượng tinh bột thấp, giá thu mua không cao.

Thăng trầm cây sắn công nghiệp ở vùng thượng Kỳ Anh (Bài 2): Cần chính sách mạnh hơn để kích hoạt chuỗi liên kết

Xã Kỳ Trung có 20 ha sắn đã hoàn tất các thủ tục ký liên kết với nhà máy tinh bột sắn.

Vụ xuân năm nay, mặc dù ngành chuyên môn đã xây dựng khung lịch thời vụ sớm và phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền người dân đẩy nhanh tiến độ xuống giống sắn nhưng vẫn không đảm bảo khung lịch thời vụ.

Theo đề án sản xuất vụ xuân, khung thời vụ xuống giống của cây sắn là từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2/2021, tuy nhiên, đến ngày 15/3, toàn huyện mới chỉ trồng được 1.052 ha trên 1.390 ha sắn theo kế hoạch.

Theo tinh thần các cuộc làm việc với huyện, đầu năm nay, Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thành Mỹ Phát miền Trung đã ban hành văn bản cam kết thu mua toàn bộ sắn của nông dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, với sắn có hàm lượng tinh bột 30% sẽ thu mua giá 2.200 đồng/kg sắn củ; với giống KM 94, trồng từ 10 tháng trở lên thì thu mua giá 1.750 đồng/kg.

Nhà máy cũng cam kết, nếu gặp rủi ro thiên tai thì vẫn mua cho nông dân với giá 1.575 đồng/kg đối với sắn trồng 9 tháng, 1.400 đồng/kg với sắn trồng 8 tháng.

Thăng trầm cây sắn công nghiệp ở vùng thượng Kỳ Anh (Bài 2): Cần chính sách mạnh hơn để kích hoạt chuỗi liên kết

Đến ngày 15/3, toàn huyện Kỳ Anh trồng được 1.052 ha sắn trên 1.390 ha sắn theo kế hoạch.

Dù chính quyền và doanh nghiệp đã có những giải pháp kích hoạt sản xuất, khuyến khích liên kết chuỗi thì diện tích vùng nguyên liệu sắn năm nay vẫn chưa có sự đột phá. Tổng diện tích các địa phương đăng ký trồng năm nay là 1.390 ha trên quy hoạch của huyện Kỳ Anh là 2.000 ha, trong đó, diện tích trồng sắn công nghiệp phục vụ cho chế biến tinh bột sắn là 1.245 ha.

Chung tay xây dựng vùng nguyên liệu bền vững

Nhiều ý kiến cho rằng, sau nhiều năm liên tục gặp khó khăn, việc phát triển vùng nguyên liệu sắn ở huyện Kỳ Anh không phải ngày một ngày hai sẽ đạt được. Yếu tố quyết định việc nông dân liên kết với DN vẫn là giá thu mua hấp dẫn và đảm bảo sự ổn định.

Video: Người trồng đề xuất mở rộng chính sách hỗ trợ sản xuất sắn nguyên liệu

Muốn vậy, các địa phương cần động viên, hỗ trợ nông dân đầu tư thâm canh, theo dõi phòng trừ sâu bệnh kịp thời để cây sắn phát triển tốt, tăng hàm lượng tinh bột, từ đó tăng giá bán sản phẩm. Đồng thời với đó là tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người trồng sắn trong việc tuân thủ hợp đồng ký kết với doanh nghiệp.

Thăng trầm cây sắn công nghiệp ở vùng thượng Kỳ Anh (Bài 2): Cần chính sách mạnh hơn để kích hoạt chuỗi liên kết

Sắn củ có hàm lượng tinh bột 30% sẽ được nhà máy thu mua với giá 2.200 đồng/kg

Từ các vùng trồng sắn nguyên liệu, người dân đề xuất các cấp chính quyền có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với trồng sắn công nghiệp. Trên thực tế, hiện nay, phần lớn diện tích đất trồng sắn chia nhỏ nên các tổ chức, cá nhân khó tập trung được vùng sản xuất có quy mô liền vùng 1 ha trở lên để nhận được sự hỗ trợ của huyện theo Nghị quyết 105, ngày 5/1/2021 về chính sách thực hiện đề án khuyến khích phát triển nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Bí thư Chi bộ thôn Đất Đỏ (xã Kỳ Trung) kiến nghị: “Trong thời điểm vực dậy vùng nguyên liệu sắn, chính quyền các cấp cần nới rộng hơn các điều kiện tiếp cận chính sách để tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất, liên kết với nhà máy”.

Thăng trầm cây sắn công nghiệp ở vùng thượng Kỳ Anh (Bài 2): Cần chính sách mạnh hơn để kích hoạt chuỗi liên kết

Để xây dựng mối liên kết hài hòa, bền vũng, người dân phải xác định rõ hướng đi để ưu tiên đầu tư phát triển và thực sự “chung thủy” với DN.

Trăn trở với việc phát triển vùng nguyên liệu sắn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, bước đầu, từ chính sách hỗ trợ của huyện, vụ xuân 2021, nông dân vùng thượng Kỳ Anh đã đăng ký liên kết sản xuất với DN hơn 350 ha. Đây là tiền đề cho việc hình thành mối liên kết lâu dài, bền vững hơn giữa người dân và DN. Bên cạnh đó, việc thay thế dần giống mới sẽ góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo đà để huyện tiếp tục mở rộng diện tích trồng sắn công nghiệp.

Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là doanh nghiệp cần chủ động bắt tay xây dựng phương thức liên kết chặt chẽ, hiệu quả, đồng thời người dân phải xác định rõ hướng đi để ưu tiên đầu tư phát triển và thực sự “chung thủy” với DN để hài hòa lợi ích. Chính quyền các cấp ở huyện Kỳ Anh sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng người trồng sắn và doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu bền vững trong thời gian tới.

Thăng trầm cây sắn công nghiệp ở vùng thượng Kỳ Anh (Bài 2): Cần chính sách mạnh hơn để kích hoạt chuỗi liên kết

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast