Hà Tĩnh chủ động đối phó dịch tả lợn châu Phi

(Baohatinh.vn) - Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam và gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan chức năng và người chăn nuôi ở Hà Tĩnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đối phó dịch bệnh nguy hiểm này.

Hà Tĩnh chủ động đối phó dịch tả lợn châu Phi

Chủ động phòng chống dịch, hiện 2 con nái và 11 con lợn của gia đình chị Trần Thị Long (xã Thạch Long - Thạch Hà, Hà Tĩnh) đều khỏe mạnh

Hơn 1 tháng thả giống mới cũng là ngần ấy thời gian, gia đình chị Trần Thị Long – thành viên HTX Chăn nuôi xã Thạch Long (Thạch Hà) áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng sức đề kháng cho đàn lợn.

Chị Long cho hay: “Rút kinh nghiệm từ dịch bệnh tai xanh trước đây, để ngăn ngừa, đối phó dịch lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi, trước kỳ thả nuôi, chúng tôi đã tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng sạch sẽ. Con giống tại chỗ đã được tiêm phòng đầy đủ vắc – xin, nguồn thức ăn mua tại công ty đảm bảo chất lượng. Nhà tôi hiện có 2 con nái và 11 con lợn con, tất cả đều khỏe mạnh và phát triển tốt”.

Hà Tĩnh chủ động đối phó dịch tả lợn châu Phi

Lựa chọn con giống rõ nguồn gốc cũng là một biện pháp phòng chống dịch hữu hiệu. Trong ảnh: Con giống của Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh - một trong những địa chỉ đáng tin cậy.

Vừa đi qua “bão dịch” với gần 400 con lợn nhiễm bệnh lở mồm long móng bị tiêu hủy, nông dân xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên) đã “xốc” lại tinh thần tiếp tục chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Báu – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng, cho biết: “Hiện tại, tổng đàn lợn của địa phương là 7.800 con với 1 doanh nghiệp và trên 800 hộ nuôi. Để giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho bà con, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, tổ chức chăn nuôi an toàn, mua con giống đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc; nuôi dưỡng hợp lý, tiêm phòng đầy đủ vắc – xin cho đàn lợn. Ngoài ra, định kỳ vệ sinh chuồng trại, sử dụng vôi bột và các loại hóa chất để tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi”.

Hà Tĩnh chủ động đối phó dịch tả lợn châu Phi

So với nuôi quy mô nông hộ thì áp lực dịch bệnh của những trang trại quy mô lớn rất nặng nề.

So với quy mô nông hộ, thì áp lực dịch bệnh đối với những trang trại quy mô lớn rất nặng nề. Theo ông Phạm Văn Cảnh - Giám đốc HTX Hợp Lực (thị trấn Cẩm Xuyên): Trang trại với 6 chuồng khép kín hiện đang nuôi 350 lợn nái và trên 2.000 lợn thịt. Công tác phòng chống dịch bệnh được HTX đặt lên hàng đầu. Ngoài tiêm phòng đầy đủ vắc – xin, phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực nuôi và phương tiện ra vào, chúng tôi nghiêm ngặt trong kiểm soát, ra vào trại. Đặc biệt, thường xuyên theo dõi thông tin dịch bệnh để có biện pháp đối phó kịp thời.

"Nhờ chủ động trong các khâu mà 14 năm nuôi, lợn chúng tôi không dính bệnh. Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã vào Việt Nam, quy trình phòng chống bệnh lại càng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, để đảm bảo cho hoạt động chăn nuôi chung trên địa bàn, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, kiên quyết ngăn chặn phương tiện chở con giống, thức ăn từ vùng dịch vào địa bàn” - ông Cảnh nói thêm.

Hiện dịch tả lợn châu Phi đã tràn vào tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, “kịch bản”.

Hà Tĩnh chủ động đối phó dịch tả lợn châu Phi

Phòng chống dịch tả lợn châu Phi, người nuôi cần định kỳ vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi

Ông Trần Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh, cho biết: “Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp cần tập trung thực hiện các nội dung theo văn bản chỉ đạo và kế hoạch phòng chống dịch của UBND tỉnh.

Trong đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhiễm vào địa bàn. Chỉ đạo chuyên môn các cấp giám sát chặt tình hình dịch bệnh để báo cáo và xử lý kịp thời khi phát hiện dịch. Phát động tháng cao điểm vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường vùng chăn nuôi và các khu vực có liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là lợn. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, lập đoàn kiểm tra, chốt kiểm soát dịch bệnh”.

Cũng theo ông Hùng, người nuôi cần thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình dịch để chủ động thực hiện các biện pháp phòng và ứng phó trong các tình huống. Giai đoạn này cần thực hiện triệt để các yêu cầu cách ly, nhất là con người, các phương tiện vận chuyển thức ăn, vận chuyển lợn, không để tiếp xúc gần trại; không sử dụng thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện lợn ốm, chết bất thường phải báo ngay chính quyền địa phương để có phương án xử lý.

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast