Thường vụ Quốc hội mổ xẻ bất cập của giáo dục phổ thông

Dù báo cáo giám sát đã chỉ ra hàng loạt nhược điểm, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đòi hỏi cao hơn để góp phần đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông

Chiều 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trình bày báo cáo giám sát, ông Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng) nêu nhiều nhược điểm trong việc thực hiện các chính sách để bảo đảm chất lượng và chương trình sách giáo khoa.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Bộ Giáo dục ban hành rất nhiều chính sách song độ ổn định không đảm bảo. Ảnh: N.Hưng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Bộ Giáo dục ban hành rất nhiều chính sách song độ ổn định không đảm bảo. Ảnh: N.Hưng.

Theo kết quả giám sát, công tác quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông còn chậm, thiếu tính dự báo và chưa sát với yêu cầu của thực tiễn. Việc tổ chức biên soạn chương trình sách giáo khoa được tổ chức nghiêm túc nhưng một số khâu ở quy trình biên soạn thiếu tính khoa học, chưa bảo đảm tính liên thông

Ngoài ra, chương trình còn thiên về trang bị kiến thức mà chưa chú trọng rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học cũng như giáo dục kỹ năng, nhất là kỹ năng sống và đạo đức học sinh. Trên cơ sở đó, đoàn giám sát nêu nhiều kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương.

Đánh giá cao nỗ lực của đoàn giám sát khi đã “mang lại bức tranh khá toàn diện, đầy đủ về vấn đề giáo dục phổ thông”, song các đại biểu vẫn tiếp tục mổ xẻ thêm nhiều vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, báo cáo chưa trả lời được 3 câu hỏi “đặt hàng” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là chất lượng giáo dục cao hay thấp, nội dung nặng hay nhẹ, chương trình hiện đại hay lạc hậu. Theo ông, thời đại ngày nay mà vẫn trông chờ vào ngân sách để phát triển giáo dục là không ổn.

“Cần có biện pháp để tăng nguồn lực cho giáo dục. Hiện nay chúng ta thấy nhiều gia đình giàu có bỏ tiền cho con đi du học, tại sao chúng ta không mạnh dạn huy động nguồn lực xã hội để đầu tư?”, ông đặt câu hỏi.

Đề cập tới những nội dung mang tính “bác học” trong chương trình như tích phân, vi phân… để rồi đến bậc đại học lại học lại, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng như vậy là không cần thiết, gây lãng phí thời gian, công sức của người học và người dạy. Ông đề nghị chính những người làm chính sách phải mạnh dạn chiến thắng bản thân mình để nhìn nhận lại và có những cải cách phù hợp.

Chia sẻ vấn đề, Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Ksor Phước nhắc đến thực tế suốt nhiều năm cả xã hội vẫn còn bàn cãi về cải cách giáo dục, cải cách sách giáo khoa. “Nói như đồng bào là hiểu được chết luôn. Cần phải nêu ra được các cuộc cải cách có gì đổi mới có gì không? Tại sao chương trình sách giáo khoa đến nay vẫn chưa hạ màn, vẫn tranh luận”, ông nói.

Cũng liên quan tới cuộc tranh luận nhận được nhiều ý kiến trái chiều gần đây về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận xét, hai kỳ thi gần đây tỷ lệ tốt nghiệp quá cao. “Bộ Giáo dục khẳng định không bỏ kỳ thi này, nhưng nếu duy trì thì phải có căn cứ thuyết phục”, Chủ nhiệm Mai yêu cầu.

Nhắc lại lời của cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhìn nhận, giáo dục Việt Nam đang làm theo quy trình ngược khi ra sách giáo khoa rồi mới ra chương trình trong khi đúng ra phải có chương trình chuẩn rồi mới ra sách giáo khoa. Theo ông, nền giáo dục Việt Nam đang ở giai đoạn giao thời, chuyển sang giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. “Đề nghị báo cáo giám sát nêu ra được sắp tới làm như thế nào, chỉ rõ địa chỉ, tốt thế nào, xấu ra sao”, ông góp ý.

Liên quan tới việc ban hành các chính sách của Bộ Giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thống kê hàng trăm văn bản song nhưng độ ổn định không bảo đảm khi việc đưa ra và rút lại chính sách quá dễ.

“Ví dụ vừa rồi, Bộ Giáo dục rút rất sớm quy định ưu tiên cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng mà không đưa ra quan điểm bảo vệ”, ông Lý dẫn chứng và lý giải, theo tiêu chí mẹ có một con là liệt sĩ thì được coi là mẹ Việt Nam anh hùng. Vậy thì không chỉ là những bà mẹ 70, 80 tuổi mà có khi chỉ 38,40 tuổi đã đạt tiêu chí này rồi.

Chung quan điểm với nhiều ý kiến phát biểu trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, chương trình sách giáo khoa phổ thông hiện có rất nhiều vấn đề. “Kết quả giám sát như vậy chưa đạt yêu cầu, qua giám sát phải nói rõ làm sao đổi mới được sách giáo khoa và chương trình phổ thông”, Phó chủ tịch Quốc hội nói.

Theo VnExpress.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast