Giật mình những vụ "sốc" giá trong tháng 3

Tháng 3 mới gần kết thúc nhưng người tiêu dùng vẫn giật mình vì nhiều vụ "sốc" giá trong tháng.

Giá xăng dầu đạt kỷ lục

Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho một đợt tăng giá xăng dầu mới nhưng người dân vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi vào cuối ngày 28/3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương thống nhất tăng giá xăng dầu lên mức cao kỷ lục.

Cụ thể, giá xăng được tăng với mức cao nhất, trong đó RON 92 được phép đưa từ 23.150 đồng hiện tại lên 24.580 đồng một lít, phá kỷ lục (23.800 đồng) được lập hồi tháng 4/2012). Dầu diesel tăng 362 đồng, lên 21.912 đồng. Dầu hỏa và mazút tăng lần lượt 480 đồng và 807 đồng một lít, kg.

Điều đang nói, giá xăng dầu tăng kỷ lục khi giá dầu thế giới đang giao dịch xung quanh mức 97 USD/thùng. Trong khi đó, năm 2008, đã có thời điểm giá dầu đạt 145 USD/thùng.

Giá xăng dầu tăng mạnh gây nhiều tranh cãi. Dư luận tỏ ý phản đối quyết định này của Liên bộ nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã có cuộc trao đổi với Đài truyền hình Việt Nam và khẳng định: "Với tư cách là người theo dõi thị trường xăng dầu, tôi cho rằng quyết định của Bộ Tài chính là hợp lý".

Thứ trưởng Bộ Công Thương giải thích: Hiện giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Bởi vậy cùng với việc rút bỏ sử dụng Quỹ bình ổn giá, cần phải tăng giá để bù đắp lại.

Giật mình những vụ "sốc" giá trong tháng 3 ảnh 1

Người dân bất ngờ vì giá xăng tăng kỷ lục.


Giá sữa liên tục leo thang

Từ sau Tết Nguyên đán, dư luận đã xôn xao khi hàng loạt công ty công bố sẽ tăng giá sữa khoảng 20% từ tháng 3. Trong khi một số công ty tăng từ 1/3 thì một số khác tăng từ 10/3. Nhưng trên thực tế, giá sữa đã bị nhiều đại lý đẩy lên từ giữa tháng 2.

Chưa hết sốc với đợt tăng sữa đầu tháng thì tới cuối tháng, dư luận lại “sôi” lên trước thông tin hàng loạt công ty như Công ty Friesland, Mead Johnson Nutrition Việt Nam, hãng sữa Dumex, hãng sữa Abbott và sữa Nutrifood tiếp tục tăng giá.

Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định: “Nguyên nhân tăng giá là do các hãng sữa thay đổi mẫu mã, bao bì và chi phí đầu vào tăng”.

Đây cũng là nguyên nhân được các công ty đưa ra trong nhiều đợt tăng sữa từ năm 2012. Ngoài ra, các công ty còn đổ lỗi cho giá sữa thế giới tăng đã đẩy giá trong nước. Về lý do này, Tổ điều hành thị trường cho biết: Giá sữa tại các thị trường trong tháng 3 có nhiều diễn biến trái chiều.

Giá vàng nhảy múa

Trong suốt thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước khá thành công khi “kìm cương” được giá vàng trong nước. Nhiều thời điểm, giá vàng thế giới biến động mạnh nhưng giá vàng trong nước vẫn khá “im hơi lặng tiếng”. Tuy nhiên, cùng với giá xăng dầu, trong ngày 28/3, giá vàng cũng khiến người dân sửng sốt khi “giật cục” khá mạnh.

28/3 là ngày Ngân hàng Nhà nước đấu thầu 26.000 lượng vàng để bình ổn thị trường. Kỳ vọng bình ổn thị trường đặt vào phiên đấu thầu là rất lớn vì giá vàng trong nước vẫn đắt hơn giá vàng thế giới hơn 3 triệu đồng/lượng.

Vì vậy, vào ngày 27/3, thời điểm trước “giờ G”, giá vàng giảm rất mạnh. Tới sáng sớm 28/3, đà giảm được củng cố, giá vàng rơi xuống mức 43 triệu đồng/lượng. Thậm chí, đầu giờ sáng, công vàng bạc SBJ còn thu mua với giá chỉ 42,90 triệu đồng/lượng.

Nhưng khi thông tin phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước bị ế, giá vàng nhanh chóng leo thang. Sau nhiều lần điều chỉnh, tới cuối ngày 28/3, giá vàng tăng khoảng 700.000 đồng/lượng lên mức 43,70 triệu đồng/lượng (mua vào).

Và hiện tượng “giật cục” của giá vàng được dự báo còn có thể tiếp tục diễn ra khi giá vàng trong nước đang đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 3,5 triệu đồng/lượng.

Theo Thanh HàVTC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast