“Cuộc chiến” bữa cơm chiều

(Baohatinh.vn) - Con ngõ nhỏ buổi chiều tối. Bà H. bế đứa cháu nội 2 tuổi, ông T. cầm bát cháo đi theo 2 bà cháu từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Bên con ngõ đối diện, cô giúp việc nhà anh Q. cũng cầm tô cơm “chạy muốn đứt hơi” theo cu Bi đang vừa ăn, vừa đạp xe. Chốc chốc lại nghe chị K. giục cái Nấm: “Con có chịu nuốt không thì bảo, sao cứ ngậm mãi thế?”.

Bữa ăn chiều của hầu hết trẻ con xóm tôi ngày nào cũng diễn ra “sôi động” ở đầu ngõ như thế. Trong không gian chật hẹp, trẻ lớn thì chơi đùa, trẻ nhỏ thì ông bà, bố mẹ đi theo bón thức ăn. Xóm nhỏ cứ “rộn ràng” hết cả lên. Bà H. than thở: “Ngày trước, tôi nuôi 5 đứa con, chưa bao giờ biết đến việc nài nỉ con ăn. Giờ có mỗi thằng cháu mà cả nhà hết khổ với nó.

Với nhiều gia đình, bữa ăn đôi khi là "cuộc chiến" giữa người lớn và trẻ.

Cứ giờ ăn là ông bà, bố mẹ “diễn trò” từ trong nhà ra ngoài ngõ mà nó vẫn không chịu ăn”. Đó cũng là tâm sự chung của rất nhiều phụ huynh ngày nay. Đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, trẻ con gần như được đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng nên không còn hứng thú với ngày ba bữa ăn.

Thở phào khi đút cho con thìa cơm cuối cùng, chị K. lắc đầu: “Chị cũng cố gắng đổi bữa thường xuyên cho con, hôm thì cơm, hôm thì cháo, phở, mì, miến… đủ cả, thế mà cháu vẫn chẳng chịu ăn. Mỗi bữa ăn cứ như một “cuộc chiến” của 2 mẹ con vậy!”. Chị nói cũng chẳng quá chút nào, chứng kiến cảnh phụ huynh cho con ăn vào mỗi buổi chiều ở các ngõ xóm mới thấy thực trạng trẻ con biếng ăn đang là vấn đề của rất nhiều gia đình hiện nay.

Các nhà khoa học vẫn khuyến cáo việc trẻ vừa ăn, vừa chơi sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ thức ăn, làm giảm chất lượng bữa ăn, không tốt cho hệ tiêu hóa. Việc “ăn rong” hay cho con sử dụng điện thoại, Ipad, xem ti vi trong lúc ăn sẽ hình thành thói quen xấu cho trẻ…

Hầu hết phụ huynh đều biết điều đó nhưng với những áp lực của cuộc sống hiện đại, quỹ thời gian eo hẹp, để áp dụng những phương pháp khoa học đôi khi là cả một vấn đề. Và để con ăn hết suất ăn, họ lại tặc lưỡi “thôi thì… chiều nó cho xong”. Và cái sự “tặc lưỡi” đó lâu dần trở thành một thói quen, hình thành phản xạ có điều kiện của trẻ - phải chơi thì mới ăn.

Thực tế, trẻ lười ăn có nguyên nhân một phần từ việc bị ép ăn. Có những bà mẹ quá quan tâm đến việc một ngày con ăn được bao nhiêu mà không chú trọng giá trị dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn, khẩu vị của con. Nhìn “con nhà người ta” bụ bẫm, cao lớn hơn con nhà mình là “đứng ngồi không yên” và cố nhồi nhét thức ăn, gây cho trẻ cảm giác sợ ăn. Khi trẻ không chịu ăn, người lớn cũng cảm thấy mệt mỏi, chán nản, dễ sinh ra cáu gắt, điều này lại càng làm cho tâm lý trẻ trở nên tiêu cực. Và bữa ăn không còn niềm vui mà trở thành “cực hình” đối với cả phụ huynh lẫn trẻ.

Rèn luyện cho trẻ thói quen ăn uống nghiêm túc là việc cần làm ngay từ khi trẻ bước vào tuổi ăn dặm. Bên cạnh rèn ý thức thì quan tâm đến nhu cầu dinh dưỡng, sở thích ăn uống của con cũng là việc các bà mẹ cần làm để mỗi bữa ăn không còn là “cuộc chiến” đẫm mồ hôi của mẹ và nước mắt của con.

Minh Khánh

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast