Giả danh Việt kiều làm từ thiện, lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng

(Baohatinh.vn) - Nhắn tin là Việt kiều ở Mỹ, Canada, Úc… gửi tiền nhờ các cá nhân, hội nhóm từ thiện trao học bổng, giúp hoàn cảnh khó khăn, những kẻ mạo danh đã lừa chiếm tiền của nhiều người hoạt động thiện nguyện tại Hà Tĩnh.

Giả danh Việt kiều làm từ thiện, lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng

Chị Nguyễn Thị Lệ Thanh thuật lại sự việc bị lừa đảo với phóng viên

Bẫy ảo mất tiền thật

Dù bị trừ hết tiền trong tài khoản, chị Nguyễn Thị Lệ Thanh (thôn Bắc Hà, xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh ) vẫn ngơ ngác nhắn tin cho tên lừa đảo: “Chị lừa em à?”.

Chia sẻ với PV Báo Hà Tĩnh, chị Thanh cho biết, thời gian gần đây, chị có đứng ra quyên góp cho những dự án thiện nguyện cuối năm, tập trung vào các địa chỉ có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình này được công bố rộng rãi trên facebook cá nhân của chị và một số hội nhóm, nên nhận được sự ủng hộ của nhiều người, bằng hình thức trực tiếp hoặc gửi qua tài khoản ngân hàng.

Giả danh Việt kiều làm từ thiện, lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng

Đối tượng dùng mác Việt kiều Mỹ để mở đầu câu chuyện, lấy lòng tin với chị Thanh

Chị Thanh nhận được tin nhắn của một người phụ nữ trên mạng xã hội, giới thiệu đang sống ở California (Mỹ), rất cảm thương cho những trẻ em nghèo ở quê hương và coi trọng những cá nhân, tập thể làm việc thiện như chị Thanh.

Người này cũng mong muốn chuyển 550 USD qua tài khoản của chị Thanh để gửi giúp chị ta đến các địa chỉ cần ủng hộ.

Vẫn thường nhận được các khoản tiền gửi trong nước và nước ngoài cho chương trình từ thiện nên chị Thanh tin tưởng và nhận lời ngay. Sau đó, người phụ nữ này yêu cầu chị Thanh gửi các thông tin số điện thoại, tài khoản ngân hàng để liên hệ kênh dịch vụ chuyển tiền quốc tế.

Giả danh Việt kiều làm từ thiện, lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng

Số tiền ảo được gửi vào tin nhắn điện thoại của chị Thanh để lấy lòng tin...

Không ngần ngại, chị Thanh chia sẻ tên ngân hàng, họ tên người thụ hưởng, số tài khoản, chi nhánh ngân hàng, số điện thoại đăng ký ngân hàng.

Làm theo hướng dẫn, chị Thanh cho biết: "Chị nhận được một tin nhắn thường từ một số điện thoại lạ thông báo tài khoản của chị nhận được hơn 12,7 triệu đồng (tương ứng với 550 USD chị được người phụ nữ kia gửi hứa trước đó) kèm với đường link Western Union bấm nhận tiền và kê khai thông tin trên đó.

Các bước thực hiện cũng giống như thao tác chị Thanh vẫn thực hiện trên Internet banking và điền mã giao dịch OTP được gửi về điện thoại. Ngay lập tức, tài khoản của chị Thanh bị trừ 9.405.000 đồng.

Giả danh Việt kiều làm từ thiện, lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng

Kẻ lừa đảo thuyết phục chị Thanh thực hiện theo hướng dẫn

Được biết gần đây, những trường hợp bị đánh cắp tiền trong thẻ như chị Thanh liên tục xảy ra với những người làm từ thiện.

Theo chị Thanh: “Sau khi tôi chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội mới nhận ra nhiều bạn làm từ thiện cũng bị lừa. Điển hình là anh Nguyễn Ngọc B. bị lừa mất số tiền 23.156.000 đồng với tài khoản facebook mạo danh giống của chị và cách thức lừa đảo tương tự”.

Cảnh giác trước chiêu trò

Phát hiện bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền, chị Thanh đã khai báo với ngân hàng Vietcombank và công an sở tại. Tuy nhiên, phía ngân hàng cho biết, giao dịch này không phải là phát sinh do mua bán, mà là tội phạm công nghệ nên ngân hàng không thể can thiệp, trả lại chị Thanh số tiền đã bị chiếm đoạt.

Giả danh Việt kiều làm từ thiện, lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng

Số tiền hơn 9 triệu đồng từ tài khoản của chị Thanh đã bị trừ ngay sau đó ít phút

Ông Lê Bình Minh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh cho biết: “Các cá nhân, hội nhóm kêu gọi ủng hộ từ thiện đang là đối tượng mà những kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tiền hướng tới. Do đứng ra quyên góp nên trong tài khoản của những người làm từ thiện thường có tiền, đủ để kẻ lừa đảo nhòm ngó. Bên cạnh đó, với tâm lý làm việc thiện, cá nhân, hội nhóm từ thiện thường chủ quan khi cung cấp thông tin, cá nhân cũng như tài khoản, tạo điều kiện để kẻ gian chiếm đoạt tiền.

Chị Thanh đã bấm vào đường link giả mạo của Western Union, khai báo thông tin cá nhân và cung cấp cả số điện thoại đăng ký với ngân hàng cho hacker, nên kẻ lừa đảo dễ dàng lấy tiền trong thẻ của chị Thanh. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các tổ chức thẻ quốc tế không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp các thông tin cá nhân hoặc thông tin bảo mật như số tài khoản ngân hàng, số PIN thẻ ATM, mã truy cập và mật khẩu Internet Banking hay số điện thoại”.

“Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo qua mạng hết sức tinh vi, gây khó khăn trong hoạt động điều tra. Hơn nữa, việc phối hợp với ngân hàng, nhà mạng trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn, không kịp thời nên việc ngăn chặn tẩu tán tài sản chiếm đoạt được chưa cao" - Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh cho biết.

Để người dân tránh những thủ đoạn lừa đảo qua mạng và điện thoại, các ngân hàng đưa ra cảnh báo:

- Trong mọi tình huống, không nên nhấp chuột vào các đường link lạ và tuyệt đối không mở các file đính kèm từ các email giả mạo hoặc không rõ nguồn gốc .

- Tuyệt đối không cung cấp tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mật khẩu dùng một lần (OTP) trong bất kỳ trường hợp nào yêu cầu để nhận/nạp tiền.

- Không nên dùng wifi/mạng internet tại các địa điểm công cộng để truy cập và sử dụng các dịch vụ Ebank mà không chắc chắn hay tin tưởng độ bảo mật của các mạng này.

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast