Hà Tĩnh đề xuất 4 nội dung về phát triển kinh tế khu vực biên giới

(Baohatinh.vn) - Tại hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển giao thương qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và cảng Vũng Áng.

Sáng 16/8, Bộ Công thương tổ chức hội nghị trực tuyến về phát triển kinh tế khu vực biên giới. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Báo cáo của Bộ Công thương, trong năm 2020, nền kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều thách thức do dịch COVID-19 gây ra, tuy nhiên, 24/25 tỉnh biên giới vẫn đạt mức tăng trưởng dương (trừ Quảng Nam -7%). 15 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (2,91%).

Hà Tĩnh đề xuất 4 nội dung về phát triển kinh tế khu vực biên giới

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

6 tháng đầu năm 2021, tất cả các địa phương biên giới tăng trưởng dương, 20 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (5,64%).

Hoạt động sản xuất công nghiệp tại các tỉnh biên giới và các khu vực biên giới tiếp tục phục hồi và phát triển. Năm 2020, có 17/25 tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước (3,4%).

6 tháng đầu năm 2021, 13/25 tỉnh khu vực biên giới có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước (9,3%). Những tỉnh còn lại đều có tốc độ tăng trưởng dương nhưng thấp hơn mức tăng bình quân của cả nước.

Hà Tĩnh đề xuất 4 nội dung về phát triển kinh tế khu vực biên giới

Đại biểu sở, ngành liên quan tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Đến nay, các tỉnh biên giới bước đầu đã hình thành một số hạ tầng phục vụ mục tiêu phát triển công nghiệp và thương mại tại khu vực biên giới, bao gồm các cụm công nghiệp (CCN) và khu kinh tế (KKT) cửa khẩu. Cả nước có 26 KKT cửa khẩu; có 319 CCN đã được thành lập tại các tỉnh biên giới.

Sản xuất điện năng tăng trưởng, đóng góp đáng kể vào tổng sản lượng điện cả nước, góp phần củng cố an ninh năng lượng, đảm bảo sản xuất và nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Sản xuất nông nghiệp tại khu vực biên giới đã đóng góp cùng với ngành nông nghiệp thể hiện vai trò ‘‘bệ đỡ“” của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Hà Tĩnh đề xuất 4 nội dung về phát triển kinh tế khu vực biên giới

Hội nghị kết nối với điểm cầu các tỉnh, thành. Ảnh chụp màn hình.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã làm rõ hơn về tình hình kinh tế khu vực biên giới tại các địa phương; đồng thời, nêu một số kiến nghị phát triển kinh tế biên giới như: quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông KKT cửa khẩu, tham mưu Chính phủ các chính sách đặc thù cho khu vực cửa khẩu; đẩy mạnh các hoạt động logistics; đầu tư chợ đầu mối khu vực biên giới…

Những tháng đầu năm 2021, nhờ chính sách bám sát thực tiễn, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu nên kim ngạch xuất nhập khẩu tại Hà Tĩnh tăng, theo đó số thu thuế xuất nhập khẩu tăng. Đầu năm đến nay, số thu ngân sách Nhà nước đạt gần 256 tỷ đồng, tăng gần 342% so với cùng kỳ năm 2020.

Hà Tĩnh hiện có 5 chợ biên giới đang hoạt động tại 2 huyện Hương Sơn và Hương Khê. Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động thương mại tại các chợ biên giới gặp nhiều khó khăn, chủ yếu kinh doanh, mua bán trong địa bàn, không trao đổi, mua bán hàng hóa qua lại hai bên biên giới.

Đến cuối năm 2020, Hà Tĩnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 35 dự án tại KKT cửa khẩu với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 2.641,306 tỷ đồng; trong đó 16 dự án đã đi vào hoạt động. Trên địa bàn các huyện biên giới có 4 cụm CCN, đến nay đã có 3 CCN đã có dự án đầu tư đi vào hoạt động.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai kịp thời, linh hoạt các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đề ra các chính sách phát triển kinh tế biên giới. Do đó, tình hình hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng đa dạng, kim ngạch trao đổi hàng hóa tại địa bàn Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tăng so với các năm trước.

Hà Tĩnh đề xuất 4 nội dung về phát triển kinh tế khu vực biên giới

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nêu 4 đề xuất đầu tư hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, vì một số hạn chế về hạ tầng giao thông, các nhà đầu tư chưa quan tâm đầu tư xây dựng trung tâm logistics hoặc các dịch vụ logistics quy mô lớn dọc theo Quốc lộ 8. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề xuất 4 nội dung tới Chính phủ, các bộ, ngành.

Thứ nhất, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 8 đoạn Km37+00-Km85+300; tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Thứ hai, đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ Hà Tĩnh trong việc kết nối, làm việc, kêu gọi các doanh nghiệp Lào đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo và cảng Vũng Áng.

Thứ ba, đề nghị Bộ Công thương, các bộ tham mưu cho Chính phủ có nghị quyết đặc thù riêng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng khu vực biên giới, nhất là hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế tại các khu vực này.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành kiến nghị với nước bạn Lào quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Nậm Phao, hệ thống giao thông kết nối hành lang Đông Tây để phục vụ tốt hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế khu vực biên giới trong điều kiện dịch COVID-19 phức tạp.

Hà Tĩnh đề xuất 4 nội dung về phát triển kinh tế khu vực biên giới

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên kết luận hội nghị. Ảnh: Website Bộ Công thương.

Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các tỉnh biên giới cần rà soát các nội dung về đầu tư phát triển khu vực biên giới, quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp và thương mại trên địa bàn; chủ động nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng hoặc thu hút đầu tư vào khu vực biên giới.

Cần ưu tiên bố trí vốn đầu tư các dự án đường bộ nối khu vực biên giới, cửa khẩu biên giới với trung tâm vùng, các cảng biển; kiểm soát chặt chẽ thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển...

Các bộ cần phối hợp với các tỉnh rà soát, hoàn thiện thủ tục mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu đáp ứng nhu cầu giao thương của Nhân dân, doanh nghiệp; thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn đầu tư vào khu vực biên giới; tận dụng tốt quan hệ qua biên giới để thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu; nâng cao năng lực thị trường xuất khẩu và xúc tiến thương mại.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast