Cẩm Xuyên đưa ngành chăn nuôi phát triển vào chiều sâu

Trong thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Cẩm Xuyên xác định phát triển chăn nuôi lợn là hướng đi hiệu quả nhất để thực hiện thành công đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, phát huy lợi thế, tiềm năng về đất đai, lao động, tài nguyên, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung gắn với an toàn dịch bệnh là hướng đi mà huyện đang từng bước triển khai thực hiện.

Những năm qua, ngành chăn nuôi ngày càng chiếm tỷ trọng lớn và có vị trí quan trọng trong cơ cấu giá trị sản xuất của huyện Cẩm Xuyên. Đặc biệt chăn nuôi lợn đã khẳng định được tính hiệu quả vượt trội, góp phần tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân.

Với hệ thống chính sách hỗ trợ tích cực của tỉnh và huyện, nhiều mô hình chăn nuôi lợn quy mô lớn ở Cẩm Xuyên đã ra đời

Với hệ thống chính sách hỗ trợ tích cực của tỉnh và huyện, nhiều mô hình chăn nuôi lợn quy mô lớn ở Cẩm Xuyên đã ra đời

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực hiện tiêu chí phát triển sản xuất trong xây dựng NTM thì tốc độ phát triển ngành chăn nuôi của huyện còn chậm, năng suất, chất lượng và giá trị sản lượng vẫn còn thấp. Chăn nuôi lợn phần lớn còn mang tính truyền thống, manh mún nhỏ lẻ như chăn nuôi tận dụng, chăn nuôi hộ gia đình, vì vậy đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư; dịch bệnh vẫn thường xẩy ra.

Ông Trần Hữu Duyệt - Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Để phát triển đàn lợn lên một bước mới mà vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, Cẩm Xuyên đã tận dụng tối đa các chủ trương, chính sách về phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh; tích cực ban hành và triển khai các kế hoạch, đề án phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại công nghiệp, vùng chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình chăn nuôi, thú y; đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp đạt trên 50% năm 2015 và tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Mô hình 100 lợn nái của gia đình anhVũ Xuân Chiến ở thôn Nam Văn, xã Cẩm Lạc đã được hưởng chính sách theo Quyết định 1414 của huyện Cẩm Xuyên

Mô hình 100 lợn nái của gia đình anhVũ Xuân Chiến ở thôn Nam Văn, xã Cẩm Lạc đã được hưởng chính sách theo Quyết định 1414 của huyện Cẩm Xuyên

Theo ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên, một trong những đòn bẩy quan trọng để huyện mạnh dạn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô lớn, đó là có hệ thống chính sách hỗ trợ lớn của tỉnh như: Quyết định số 24, Quyết định 26 của UBND tỉnh…

Tuy nhiên, đây là những chính sách hỗ trợ ở một tầm rất cao, chỉ phù hợp với số ít những mô hình có quy mô lớn vượt trội, hiện các mô hình chăn nuôi của huyện chưa thể tiếp cận được.

Vì vậy, bên cạnh tuyên truyền, vận động và khuyến khích các hộ dân đầu tư lớn để được hưởng chính sách của tỉnh, Cẩm Xuyên đã mạnh dạn đề ra nhiều chính sách hỗ trợ thỏa đáng để khuyến khích nhân dân yên tâm đầu tư vào phát triển chăn nuôi lợn, đặc biệt là Quyết định số 1414, ngày 14/3/2012 của UBND huyện về ban hành một số chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với chương trình xây dựng NTM 2012.

Theo Quyết định 1414, đối với vùng chăn nuôi lợn tập trung, mỗi hộ xây dựng mô hình có quy mô tối thiểu 2 ha, tổng đàn đạt 1.000 con lợn thịt hoặc 100 lợn nái trở lên sẽ được hỗ trợ 300 triệu đồng/mô hình để xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào, chuồng trại, xử lý môi trường…

Xây mới bể bioga đạt tiêu chuẩn thể tích bể tối thiểu 6m3 được hỗ trợ 500.000đ/bể. Tạo điều kiện thuận lợi để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất tối thiểu 20 năm; miễn hoặc giảm thuế đất xây dựng các cơ sở chăn nuôi.

Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục vay vốn phát triển chăn nuôi, sản xuất thức ăn, cả nguồn vốn tín dụng Ngân hàng NN&PTNT, vốn vay giải quyết việc làm và vốn vay phát triển sản xuất cho các hộ nghèo; đồng thời ưu tiên cho vay đối với những hộ nghèo, những hộ phát triển chăn nuôi mới, những hộ chăn nuôi tập trung có từ 10 lợn nái ngoại và 50 con lợn thịt trở lên.

Cùng với chính sách của huyện, các xã được giao nhiệm vụ ban hành cơ chế chính sách riêng để thúc đẩy phát triển đàn lợn; ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng NTM cho phát triển sản xuất đặc biệt là phát triển đàn lợn theo hướng trang trại tập trung hàng hóa; rà soát và xây dựng hồ sơ trình UBND huyện cấp giấy phép quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất ổn định cho các tổ chức cá nhân để xây dựng các trang trại chăn nuôi.

Trong phát triển chăn nuôi, Cẩm Xuyên đặc biệt chú trọng nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng đàn nái ngoại

Trong phát triển chăn nuôi, Cẩm Xuyên đặc biệt chú trọng nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng đàn nái ngoại

Với những chính sách lớn và rộng mở được thực hiện từ huyện đến cơ sở, ngày càng có nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Gia đình anh chị Vũ Xuân Chiến và Nguyễn Cẩm Giang ở thôn Nam Văn, xã Cẩm Lạc - cả 2 người đều tốt nghiệp đại học nhưng không xin việc làm mà đăng ký với xã xin trên 2 ha đất ở vùng chăn nuôi tập trung để xây dựng trang trại nuôi lợn nái siêu nạc. Hiện nay, mặc dù đang trong giai đoạn đầu tư và thả con giống với bộn bề công việc nhưng anh chị rất phấn khởi, bởi với chỉ 100 con lơn nái ban đầu, bên cạnh được hưởng rất nhiều sự quan tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ địa phương, anh chị còn được hỗ trợ 300 triệu đồng từ chính sách của huyện.

Hiện nay, toàn huyện Cẩm Xuyên có 39 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn có tổng đàn từ 50 con trở lên trong đó: từ 50 - 100 con có 28 trang trại; từ 100 - 300 con có 10 trang trại; từ 300 con trở lên có 1 trang trại.

Hầu hết các trang trại đã tập trung thâm canh, áp dụng công nghệ và các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất nên đã tăng được hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy sự phát triển chăn nuôi trên địa bàn theo hướng trang trại gắn với an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Ngoài các địa phương có truyền thống phát triển chăn nuôi như Cẩm Bình, Cẩm Thành, thời gian gần đây, xã Cẩm Lạc là một trong những địa phương đang chọn chăn nuôi làm mũi đột phá trong chiến lược phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt là từ khi có Quyết định 1414 của huyện, xã đã phát triển thêm 4 mô hình chăn nuôi tập trung quy mô từ 1.000 con lợn thịt hoặc 100 lợn nái trở lên, đưa tổng đàn lợn của xã lên trên 10.000 con.

Cùng với mở rộng quy mô chăn nuôi lên một bước mới, Cẩm Xuyên đặc biệt chú trọng áp dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nghiêm túc thực hiện quy trình chăn nuôi, thú y và bảo vệ môi trường, từng bước giảm dần chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ.

Quyết tâm hiện nay của cấp ủy, chính quyền huyện Cẩm Xuyên, đó là từng bước phát triển ngành chăn nuôi lợn truyền thống sớm trở thành nền sản xuất hàng hoá lớn có khả năng cạnh tranh cao và bền vững, góp phần thực hiện thành công chương trình MTQG xây dựng NTM.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast