Tám cái nhất của hạn hán năm nay

Đã hơn một tháng qua, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh không hề có một cơn mưa nào. Nhiệt độ thường xuyên ở 37- 39 độ, có lúc lên đến 42 độ. Nắng nóng đã làm cho các địa phương của tỉnh bị hạn nặng, toàn tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực, ra sức chống hạn cứu lúa.

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay hầu hết các hồ chứa nước trong tỉnh đã bị cạn kiệt nước. Các hồ đập chứa nước cỡ vừa và nhỏ ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, Thạch Hà đều đã cạn, nhiều nơi đã bơm hết cả nước chết trong hồ. Mực nước ở các hồ lớn như Kẻ Gỗ đến ngày 06-7-2010 chỉ đạt 74%, Thượng Tuy đạt 81%, Sông Rác đạt hơn 80%. Hiện nay toàn tỉnh đã có 221/345 (64%) số hồ đã cạn nước. Thêm vào đó là tình trạng nguồn nước trên các sông, suối, trục tưới tiêu đã xuống cấp. Mực nước sông Ngàn Phố thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 0,3-0,5m. Sông Én - Hồng Tân, sông Già và nhiều sông suối không còn đủ nguồn cho các trạm bơm hoạt động. Trên sông Lam là con sông lớn liên tục nhiều ngày xuất hiện độ mặn cao, vượt qua độ cho phép 1,28%o. (Cao điểm có lúc độ mặn lên đến 8,23%o). Vì độ mặn cao nên đã một tháng nay trạm bơn Nghi Xuân, các trạm bơm lấy nước từ sông Lam không hoạt động được; cống Trung Lương ở Đức Thọ đã phải đóng cửa nhiều ngày. Nguồn nước cạn đã làm cho hệ thống các trạm bơm nước ngừng hoạt động. Theo báo cáo của các địa phương đến ngày 06-7-2010 toàn tỉnh đã có 173/353 (49%) số trạm bơm ngừng hoạt động do thiếu nước. Đặc biệt một số huyện thiếu nước gay gắt như Lộc Hà đã có 91,4%; Thạch Hà có 87% số trạm bơm tạm ngừng hoạt động.

Trạm bơm Thạch Thanh bị treo máy vì thiếu nước

Trạm bơm Thạch Thanh bị treo máy vì thiếu nước

Cùng với việc thiếu nước, trong tháng còn xấy ra tình trạng thiếu điện nên việc bơm nước cũng gặp nhiều khó khăn. Tình hình trên đã làm cho hạn hán ở Hà Tĩnh nặng nề. Đến ngày 06-7-2010 vụ hè thu toàn tỉnh đã gieo cấy trên 97% kế hoạch nhưng số diện tích hè thu bị hạn năng trên diện rộng. Toàn tỉnh đã có 12.318 ha thiếu nước, trong đó diện tích bị hạn nặng là 5.542 ha khiến cho lúa không phát triển và đẻ nhánh được. Một só nơi như vũ Quang, Hương Khê, Thạch Hà… người dân đã lo lắng tới việc thiếu nước uống cho gia súc, gia cầm và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đã có nơi người dân phải mua nước sinh hoạt lên đến 75.000 đồng/m3….

Theo nhận xét của Sở NN-PTNT hạn hán năm nay có 8 cái nhất: thời gian đợt hạn dài nhất; nhiệt độ đạt nóng cao nhất; độ mặn ở sông cao nhất; mức nước hồ đập cạn kiệt nhất; số máy bơm, trạm bơm thiếu nước bị treo nhiều nhất; lượng mưa ít nhất; số hồ đập cạn nước nhiều nhất.

Mạ lúa cháy vì thiếu nước

Mạ lúa cháy vì thiếu nước

Để đối phó với tình hình hạn hán và tập trung cứu lúa Hè Thu, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, kiểm tra, công điện cho các địa phương tập trung chống hạn. Các địa phương trong tỉnh đã huy động nhân lực, vật lực tập trung chống hạn. Có nơi đã huy động hàng ngàn người đào đắp nạo vét kênh mương, trục tiêu, khe lạch, để tận dụng nguồn nước. Tổ chức phân phối, điều tiết nguồn nước, dẫn nước, ép nước về cuối kênh, vùng cao, vùng xa để chống hạn. Có địa phương đã phải đắp chặn các trục tiêu, khe suối, lắp đặt thêm các trạm bơm giả chiến để chống hạn. Toàn tỉnh đã mua và lắp đặt thêm 186 máy bơm giả chiến trong đó có 176 máy bơm dầu, 10 máy bơm xăng, đào và khoan thêm 57 giếng nước để phục vụ chống hạn

Lúa đẻ nhánh khát khao đợi nước

Lúa đẻ nhánh khát khao đợi nước

Ngày 6-7-2010 UBND tỉnh đã có công điện số 23 gửi Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, giám đốc sở Nông nghiệp, Tài chính, Đầu tư, Điện lực…tập trung sức chống hạn “Nhằ m hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra”. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triệu tập lãnh đạo UBND, phòng nông nghiệp các huyện, thành, thị họp để bổ cứu khẩn cấp công tác chống hạn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Hà Tĩnh Lê Đình Sơn: Thời gian qua công tác lãnh đạo, điều phối của các cơ quan chuyên môn và nhân dân đã có nhiều sáng tạo trong công tác chống hạn. Tuy vậy việc tổ chức chỉ đạo còn nhiều hạn chế. Việc chấp hành các quy trình sản xuất chưa nghiêm, một số nơi chưa nắm chắc dự báo hạn hán nên còn để sản xuất cả vùng không nên làm. Việc chỉ đạo sử dụng tiết kiệm nước nhiều vùng làm chưa tốt. Không khí chống hạn chưa thật mạnh mẽ. Hạn hán đang tiếp diễn, các đồng lúa đang còn nguy cơ hết nước. Để tập trung hơn nữa cho công tác phòng chống hạn trong thơì gian tới, chúng tôi đã quán triệt các địa phương phảỉ tập trung cao độ với tinh thần “còn nước còn tát”, “chống hạn như chống giặc”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast