Bờ sông vẫn gió và cái ngưỡng của sự giản dị

Có lẽ thành công của Trúc Thông trong Bờ sông vẫn gió là đã đạt đến ngưỡng của sự giản dị - sự giản dị lấp lánh làm mê lòng người...

BỜ SÔNG VẪN GIÓ

Lá ngô lay ở bờ sông

Bờ sông vẫn gió người không thấy về

Xin người hãy trở về quê

Một lần cuối... một lần về cuối thôi

Về thương lại bến sông trôi

Về buồn lại đã một đời tóc xanh

Lệ xin giọt cuối để dành

Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha

Cây cau cũ, giại hiên nhà

Còn nghe gió thổi sông xa một lần

Con xin ngắn lại đường gần

Một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi...

Trong cuộc đời sáng tác của nhà thơ, nếu viết được một bài thơ để người đời nhớ đến đã là điều vô cùng hạnh phúc, không phải ai cũng làm được. Và tôi tin Bờ sông vẫn gió của Trúc Thông là bài thơ trời đã ban cho ông, với những câu thơ xuất thần khiến bạn đọc rưng rưng đến gai người.

Có thể nói luôn rằng, đó là bài thơ không có gì mới về ngôn ngữ, thể loại và cả về hình ảnh, nhưng nó chạm đến trái tim người đọc. Trúc Thông đã dẫn dắt chúng ta đến với bài thơ bắt đầu bằng sự ngóng đợi. Trong cái sự ngóng đợi đó có chút man mác buồn cùng với những hoài niệm. Vẫn bờ sông ấy, vẫn nương ngô ấy, vẫn dòng chảy kia và cả bao hình ảnh, kỉ niệm cứ ùa về vậy mà người đi xa vẫn không trở về…

Điểm nhấn của hai câu thơ này chính là từ “lay”. Đây là một động từ đầy biểu cảm trong bối cảnh đó. Nó chạm đến sự mong manh, chạm đến sự thảng thốt, chạm đến sự se sắt trong lòng chủ thể nhân vật và cả trong lòng người đọc. Ở hai câu thơ này có hai hình ảnh bị lặp. Đó là hình ảnh của gió và hình ảnh bờ sông. “Lá ngô lay ở bờ sông”, có nghĩa là gió đang thổi nhẹ trên bờ sông, câu thứ hai nhà thơ vẫn lặp lại ý đó. Nhưng thật lạ, cái sự lặp đó lại không thừa, mà càng làm tăng sức biểu cảm của thơ. Ta cảm nhận được sự nôn nao trong lòng người ngóng đợi, dẫu biết rằng đó là sự ngóng đợi bằng tâm thức, bằng hoài niệm.

Đọc những câu thơ tiếp theo, ta thấy cấp độ tình cảm tăng dần. Có gì đó day dứt, có gì đó thương đau và rồi người đọc như sững lại khi biết rằng nhà thơ đang ngóng đợi mẹ mình, người mẹ đã ra đi về thế giới bên kia. Đối với những đứa con, có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất mẹ, nói như Trịnh Công Sơn: “Mất mẹ là mất đi tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người”. Trong cái sự mong ngóng đó, Trúc Thông đã vẽ nên một bức tranh làng quê thật thanh bình đã gắn bó với cả cuộc đời tần tảo của mẹ. Câu thơ “Về buồn lại đã một đời tóc xanh”, như đã nói lên hết thân phận dâu bể của mẹ. Và những kí ức đó về mẹ càng làm cho đứa con thêm day dứt, đau đớn. Để rồi đến cuối bài thơ sự ngóng đợi của người con bị đẩy lên thành cao trào “Con xin ngắn lại đường gần. Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi”

Có lẽ thành công của bài thơ là đã đạt đến ngưỡng của sự giản dị. Trong mỗi một con người và trong mỗi một cuộc đời sáng tác để đạt đến ngưỡng của sự giản dị dường như cũng thật khó. Đó là sự giản dị lấp lánh làm mê lòng người.

Tháng 8/ 2013

Trần Vũ Long

( Báo Văn nghệ)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast