An ninh toàn cầu năm 2013 còn tiềm ẩn nhiều thách thức

Năm 2013 thế giới vẫn phải đối mặt với một nền an ninh đầy bất ổn với nhiều cuộc xung đột cũ và điểm nóng mới.

Tuy nhiên, sau một năm nhìn lại, người ta đã có thể nhận ra những nét mới, bao gồm cả những nhân tố tích cực, tiêu cực và những đối sách “bất thường” trong an ninh toàn cầu, khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.

Từ những nhân tố tích cực…

Hòa bình Trung Đông đã được tái khởi động ngày 30/7 với sự nỗ lực của các bên và vai trò tích cực của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhằm đưa Israel-Palestine trở lại đàm phán hòa bình.

Tuy chưa có những tiến bộ đột phá nhưng hai bên cũng đã xích lại gần nhau hơn trên những vấn đề đặt ra như: việc công nhận nhà nước Palestine độc lập, với Jerusalem là thủ đô và xây dựng khu định cư của người do thái ở Bờ Tây sông Jordan.

Israel và Palestine vẫn bất đồng về việc Israel xây dựng khu định cư do thái (Ảnh Reuters)
Israel và Palestine vẫn bất đồng về việc Israel xây dựng khu định cư do thái (Ảnh Reuters)

Sự đồng thuận Nga-Mỹ ngày 15/9 trong giải quyết vấn đề Syria thông qua giải giáp vũ khí hóa học và tổ chức Hội nghị Gieneva 2 dự kiến vào ngày 22/1/2014 đã tạo ra bước đột phá quan trọng, vừa ngăn chặn được một cuộc tấn công bằng hỏa lực của Mỹ và phương Tây vào Syria, đất nước đã trải qua cuộc nội chiến kéo dài hơn hai năm rưỡi với hơn 100.000 người chết, hàng chục ngàn người bị thương và 200.000 người phải di tản ra nước ngoài.

Thỏa thuận lịch sử của Iran với nhóm P5+1 ngày 24/11 cũng là bước đột phá trong giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran và những bước đi sau đó giữa Iran và IAEA về việc thực hiện 6 biện pháp và cho phép các thanh sát viên của IAEA tới thăm nhà máy nước nặng Arak là những bước tiến đáng ghi nhận nữa ở khu vực Trung Đông.

Quang cảnh một cuộc đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 (Ảnh AFP)
Quang cảnh một cuộc đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 (Ảnh AFP)

Tam giác quan hệ Ấn-Trung-Nga cũng là một nét mới trong quan hệ giữa các nước lớn theo hướng “hòa dịu” với việc gia tăng quan hệ quốc phòng và kinh tế, tạo bước tiến bộ trong giải quyết vấn đề biên giới Ấn-Trung.

Giới quan sát cho rằng, đây là một “nét mới” trong quan hệ giữa các cường quốc thông qua gắn kết những lợi ích an ninh với mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, góp phần bảo vệ hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.

Việc Trung quốc không bắn hạ máy bay Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đi vào cái gọi là “vùng nhận diện phòng không” như họ tuyên bố, và việc các nhóm công tác của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tiến hành vòng đàm phán thứ 3 về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) 3 bên, (ngay trong khi tình hình căng thẳng đang gia tăng ở biển Hoa Đông) tại Tokyo, Nhật Bản ngày 26-11 là biểu hiện mới trong ứng xử về an ninh đối ngoại và với tư duy gắn lợi ích kinh tế với lợi ích an ninh toàn cầu trong quan hệ quốc tế, cũng có thể coi là những nét mới được ghi nhận trong năm 2013.

… đến những biểu hiện tiêu cực

Trái với xu hướng tích cực, năm 2013 thế giới cũng ghi nhận những nhân tố trái chiều, tác động tiêu cực đến bảo đảm an ninh toàn cầu đó là:

Vụ “bê bối” nghe lén điện thoại của Mỹ đối với lãnh đạo các nước kể cả đồng minh và đối tác đã gây bất bình và sự phản ứng của nhiều nước.

Mặc dù đã có sự giải thích và thừa nhận sai lầm của Mỹ là “đã đi quá giới hạn trong công tác tình báo”, nhưng dư luận quốc tế vẫn đòi hỏi chính phủ Mỹ phải bảo đảm trước Liên Hợp Quốc rằng, từ nay trở đi Washington không được do thám các thông tin bí mật của các cá nhân và tổ chức của các nước trên thế giới.

“Vùng nhận diện phòng không” của Trung Quốc trên biển Hoa Đông ngày 23/11 không chỉ gây ra phản ứng găy gắt của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ mà còn khiến cộng đồng quốc tế quan ngại sâu sắc, làm gia tăng mâu thuẫn giữa các nước Đông Bắc Á – nơi được coi là “điểm nóng” nhất trong khu vực châu Á–Thái Bình Dương.

Khu vực nhận diện phòng không mà Trung Quốc tuyên bố thiết lập (vạch màu đỏ) (Ảnh AP)
Khu vực nhận diện phòng không mà Trung Quốc tuyên bố thiết lập (vạch màu đỏ) (Ảnh AP)

Cuộc trường chinh Đông tiến của NATO vào không gian hậu Xô viết, khiến Nga khó có thể chấp nhận. Với sự đe dọa trừng phạt chính phủ Ukrane đàn áp người biểu tình ở Kiev, sự có mặt các quan chức EU và Mỹ tại các cuộc biểu tình của phái đối lập và tuyên bố ngừng đàm phán với Ukraine của phương Tây là một đỉnh điểm như “giọt nước tràn ly”.

Theo giới phân tích “cuộc chiến” Đông-Tây ắt phải nổ ra và ai thắng ai vẫn còn khó đoán định.

Và những đối sách “bất thường”

Việc Mỹ công bố dự án “Tấn công toàn cầu tức thì” và phản ứng của Nga bằng vũ khí hạt nhân cũng là một trong những điểm nhấn về an ninh trong năm 2013.

Cùng với sự hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) và dự án “Tấn công toàn cầu tức thì”, Mỹ đã tạo ra tình huống mất cân bằng chiến lược toàn cầu ở mức độ nghiêm trọng, khiến Nga buộc phải có sự phản ứng “bất thường” và điều đó khiến an ninh thế giới có thể lại đứng trước nguy cơ của cuộc “chiến tranh lạnh” mới.

Sự “chủ động tích cực” trong chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản cũng là một điểm nhấn về an ninh khu vực và toàn cầu. Bước đột phá của Thủ tướng Shinzo Abe đã chấm dứt giai đoạn “kiềm chế” theo hiến pháp hòa bình được thiết lập sau thế chiến thứ hai.

Việc thoát khỏi tình trạng “mạnh về kinh tế, yếu về quân sự” và mục tiêu “nước lớn chính trị” được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái khởi động với hàng loạt động thái như: công bố chiến lược quốc phòng mới “chủ động, tích cực”, nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí, thành lập Hội đồng an ninh quốc gia, phát triển năng lực tấn công của quân đội Nhật ra bên ngoài lãnh thổ, tăng cường đồng minh và đối tác khu vực… khiến cuộc “cạnh tranh chiến lược” có thể chuyến hóa thành “đấu tranh chiến lược” ngày càng gia tăng giữa các cường quốc có tham vọng ở châu Á–Thái Bình Dương.

Như vậy, năm 2013 các “điểm nóng” về an ninh vẫn còn nhiều và thiệt hại về người và của cải vật chất là không nhỏ.

Tuy nhiên, những nét mới phản ánh cả hai xu hướng tích cực, tiêu cực và những đối sách “bất thường” đã xuất hiện khiến bức tranh an ninh toàn cầu năm 2013 với các gam màu loang lổ, tạo cơ sở cho các nhà dự báo và hoạch định chính sách an ninh đối ngoại trên thế giới tìm ra các giải pháp có hiệu quả tích cực hơn trong năm 2014./.

Nguyễn Nhâm

Nguồn: VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast