Điều gì xảy ra khi bạn ngồi quá nhiều?

Ngồi một lúc rồi đứng dậy sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì. Nhưng ngồi quá lâu, không vận động sẽ gây ra nhiều tác hại nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo Mercola, tiến sĩ James Levine, giám đốc bệnh viện Mayo và khoa Béo phì tại Đại học Arizona, đồng tác giả cuốn sách "Get Up! Why Your Chair Is Killing You and What You Can Do About It" đã dành một phần trong sự nghiệp của mình để nghiên cứu về những tác động gây hại của việc ngồi quá lâu.

Nghiên cứu của tiến sĩ James cho thấy, khi bạn ngồi trong một thời gian dài và đứng dậy, một số phản ứng phân tử xảy ra. Chẳng hạn, khi bạn đứng lên sau 90 giây ngồi, hệ thống cơ bắp, tế bào, cũng như lượng đường huyết, triglycerides và cholesterol sẽ được kích hoạt. Hiệu ứng này có trách nhiệm thúc đẩy nhiên liệu vào các tế bào và nếu được thực hiện thường xuyên, triệt để sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và béo phì.

Tóm lại, ở mức độ phân tử, cơ thể được thiết kế để hoạt động và di chuyển. Khi bạn ngừng chuyển động trong thời gian dài, cơ thể sẽ bị tê liệt và gia tăng nhiều chứng bệnh khác nhau.

Tim mạch

Khi bạn ngồi, máu lưu thông chậm hơn và cơ bắp đốt cháy ít chất béo, điều này dễ dàng làm cho các axit béo gây tắc nghẽn trong hệ thống tim mạch. Nghiên cứu trên Tạp chí American College of Cardiology cho thấy, phụ nữ ngồi hơn 10 tiếng một ngày tăng nguy cơ phát triển bệnh tim đáng kể so với những người ngồi ít hơn 5 tiếng.

Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Khả năng đáp ứng với lượng insulin của cơ thể bị ảnh hưởng khi bạn ngồi quá lâu, khiến tuyến tụy càng sản xuất lượng insulin nhiều hơn, dẫn đến bệnh tiểu đường. Nghiên cứu trên tạp chí Diabetologia kết luận, ngồi hơn 8 giờ một ngày tăng 90% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Gây tổn thương vùng đầu, cổ, cột sống

Rất nhiều nhân viên văn phòng do thói quen ngồi lâu một chỗ đã mắc phải các tổn thương vùng cổ như đau, mỏi cổ, cổ không linh hoạt, đau vai, thần kinh vai gáy, chuột rút cơ gáy, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... Ngoài ra, nó còn làm thoái hóa sụn đệm cột sống chèn ép rễ dây thần kinh, tủy sống hoặc động mạch cột sống, từ đó dẫn đến ra các loại bệnh như đau đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, thiểu năng tuần hoàn não, rất nguy hiểm.

Ngồi quá nhiều mỗi ngày có thể khiến bạn mắc phải nhiều triệu chứng bệnh nguy hiểm. Ảnh: Huffingtonpost.

Ngồi quá nhiều mỗi ngày có thể khiến bạn mắc phải nhiều triệu chứng bệnh nguy hiểm. Ảnh: Huffingtonpost.

Tăng cân

Khi bạn dành phần lớn thời gian để ngồi ở văn phòng, việc cơ bắp giải phóng các phân tử như lipase lipoprotein, chất béo... giảm đi, tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, kể cả khi bạn tập thể dục đều đặn. Một nghiên cứu phát hiện đàn ông ngồi quá lâu thường tăng cân nhiều hơn ở vùng bụng, nơi lưu trữ chất béo nhiều nhất trên cơ thể.

Hệ tiêu hóa

Cơ thể thiếu vận động sẽ khiến nhu động ruột, dạ dày yếu đi, dịch tiêu hóa bài tiết cũng giảm. Lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng biếng ăn, ăn uống kém ngon, hay bị chứng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả, nguồn dinh dưỡng được cung cấp cho cơ thể hạn chế.

Nguy cơ ung thư

Theo Boldsky, các nghiên cứu mới đây cho thấy ngồi lâu có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư bao gồm ung thư phổi, tử cung, đại tràng, ung thư vú và nội mạc tử cung. Nhưng theo một số nhà khoa học, nguyên nhân có thể là do ngồi nhiều gây tăng cân và một số thay đổi sinh hóa liên quan như nội tiết tố, rối loạn chức năng trao đổi chất, rối loạn chức năng leptin và viêm, tất cả đều tăng nguy cơ ung thư.

Các vấn đề ở chân

Ngồi cả ngày khiến bạn không phụ thuộc vào cơ bắp của chân, điều này có thể gây suy yếu các cơ bắp, dẫn đến teo cơ. Thậm chí, điều này có thể dẫn đến giãn tĩnh mạch và huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), một cục máu đông, tình trạng phổ biến xảy ra ở chân. Khi một phần cục máu đông này vỡ ra, nó có thể cắt đứt dòng chảy của máu đến các bộ phận khác như phổi, làm thuyên tắc phổi, gây biến chứng lớn, thậm chí tử vong. Ngồi quá lâu, ngay cả trên một chuyến đi đường dài cũng có thể gây ra DVT.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast